Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 29/03/2024

Vốn cho 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam được chuẩn bị như thế nào?

TDVN 19:55 22/06/2020

Các đại biểu Quốc hội lo ngại việc huy động vốn cho việc chuyển đổi sang đầu tư công đối với 3 dự án thành phần, cao tốc Bắc - Nam. Tuy nhiên, Bộ trưởng GTVT, KH&ĐT cam kết không lo ngại về nguồn vốn.

Với 443/458 đại biểu tán thành, Quốc hội vừa thông qua nghị quyết, quyết định chuyển đổi từ phương thức đối tác công tư (PPP) sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước sang đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước đối với 3 dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây và bổ sung vốn đầu tư không quá 23.461 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách nhà nước.

Điều chỉnh 3 dự án cao tốc Bắc - Nam

Trước Quốc hội, thay mặt Chính phủ, trình bày tờ trình điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết Chính phủ xác định tiêu chí lựa chọn các dự án chuyển đổi sang đầu tư công gồm các dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển; dự án cấp bách, có nhu cầu vận tải cao, kết nối cửa ngõ các trung tâm kinh tế lớn của đất nước; dự án khó có khả năng huy động vốn tín dụng và khả năng đấu thầu không thành công; đảm bảo tính kết nối liên tục để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.

Từ đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét chuyển đổi sang đầu tư công đối với 3 dự án thành phần, gồm: Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây. 5 dự án thành phần còn lại tiếp tục đầu tư theo hình thức PPP.

Ông Nguyễn Văn Thể cho hay nguyên nhân xin chuyển đổi một số dự án sang hình thức đầu tư công vì 7/8 dự án thành phần có từ 2 nhà đầu tư trở lên đã qua vòng sơ tuyển, nhưng các nhà đầu tư này không có thế mạnh về tài chính. Mặc dù đã qua vòng sơ tuyển, ông khẳng định vẫn sẽ khó lựa chọn được nhà đầu tư khi tổ chức đấu thầu, do nhà đầu tư khó có thể huy động được nguồn vốn tín dụng.

Ngoài ra, việc chuyển đổi hình thức đầu tư từ dự án PPP sang 100% vốn đầu tư công sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ tăng trưởng, đem lại hiệu quả về kinh tế - xã hội.

Theo tính toán của Chính phủ, tổng mức đầu tư điều chỉnh theo phương án này là 100.816 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước khoảng 78.461 tỷ đồng (55.000 tỷ đồng đã bố trí theo Nghị quyết số 52 của Quốc hội; cần bổ sung 23.461 tỷ đồng); vốn huy động ngoài ngân sách 22.355 tỷ đồng.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phân tích thêm về 3 dự án được lựa chọn để chuyển sang đầu tư công là 3 dự án phù hợp. Bởi, dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết đến nay không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển, do đó cần thiết phải chuyển đổi.

Việc lựa chọn dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 và dự án Phan Thiết - Dầu Giây, mặc dù đã có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển, 2 dự án thành phần này có tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia ít, cần huy động số vốn lớn, nhất là vốn tín dụng, vì vậy việc lựa chọn được nhà đầu tư có thể gặp khó khăn.

Ông Vũ Hồng Thanh nói: “Việc chuyển đổi 2 dự án thành phần này sang hình thức đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công sẽ bảo đảm khả năng thành công cho các dự án thành phần này. Đây cũng là 2 dự án kết nối các trung tâm kinh tế lớn của đất nước là Hà Nội và TP.HCM, giải quyết được tình trạng quá tải trên tuyến quốc lộ 1 đoạn Dầu Giây - Phan Thiết”.

Ngoài ra, theo dự báo, nhu cầu vận tải của 2 dự án thành phần này rất lớn, khả năng nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn Nhà nước đối với 2 dự án thành phần này tính khả thi cao. Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, nếu các dự án này được lựa chọn chuyển đổi thì tổng vốn ngân sách Nhà nước cần bổ sung sẽ rất lớn (23.461 tỷ đồng).

Ngoài ra, cả 3 dự án thành phần nêu trên nếu được chuyển đổi sẽ thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia do sử dụng vốn đầu tư công lớn hơn 10.000 tỷ đồng, vì vậy, cần thực hiện theo quy định là dự án quan trọng quốc gia quy định tại Luật Đầu tư công.

Lo ngại khó khăn huy động vốn

Thảo luận về nội dung này tại Quốc hội, đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) cho rằng, nếu chuyển 8 dự án cao tốc Bắc - Nam từ hình thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công thì khó khăn nhất là vốn tín dụng bởi hiện nay huy động vốn vay ngắn hạn là rất khó. Trong khi, theo báo cáo của Bộ GTVT, việc chuyển đầu tư công tiết kiệm 3.000 tỷ đồng, giải quyết mục tiêu kép giải ngân, đẩy tiến độ hoàn thành

Đại biểu đoàn Quảng Nam cũng bày tỏ lo lắng nhất chính là áp lực về nguồn vốn “rót” cho dự án. Ông nêu vấn đề: “Nếu chọn phương án chuyển 3 dự án cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công thì nguồn vốn lấy từ đâu, vốn trái phiếu Chính phủ liệu có vượt ngưỡng trần nợ công của Nhà nước. Phương án thu phí hoàn vốn có ảnh hưởng gì đến các nhà đầu tư BOT Quốc lộ 1. Còn 5 dự án PPP còn lại, trong trường hợp không chọn được nhà đầu tư lại phải đầu tư công, vậy sẽ lấy đâu ra nguồn vốn để làm. Do đó, phải dự báo các phương án để có giải pháp tối ưu nhất”.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) cũng cho hay báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá tác động nợ công, trần nợ, khả năng trả nợ, số phải trả trên tổng thu và vấn đề ở đây phải tính toán cân đối ngân sách, đánh giá thêm khả năng vay thêm nợ công hay sắp sếp các khoản vay.

“Việc vay vốn ngân hàng thương mại hiện nay với các dự án giao thông là không khả thi, do đó Chính phủ hay ngân hàng Nhà nước cần có giải pháp tháo gỡ, nếu không sẽ không còn dự án BOT giao thông nữa để thực hiện chủ trương lớn của Nhà nước về thu hút xã hội hóa giao thông”, đại biểu Hàm nhận định.

Trước băn khoăn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết nguồn tiền đầu tư công còn thiếu 23.461 tỷ đồng cho 11 dự án cao tốc Bắc - Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết một nhiệm kỳ qua Bộ GTVT được bố trí 235.000 tỷ đồng. Thủ tướng đã có chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư lên kế hoạch vốn trung hạn 2021-2025 và ưu tiên cho ngành giao thông với dự án cao tốc Bắc - Nam nên hoàn toàn cân đối được nguồn vốn thiếu, chỉ chiếm khoảng 10% tổng vốn.

Trong khi đó, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết từ đầu nhiệm kỳ, Bộ đã bố trí 80.000 tỷ đồng cho các chương trình mục tiêu quốc gia, bao gồm 55.000 tỷ đồng dành cho cao tốc Bắc - Nam.

“Tiền không phải là vấn đề, có thể giải ngân 55.000 tỷ đồng và sang năm tiếp tục bố trí vốn, làm được ngay. Chính phủ đã bàn nhiều lần, chỉ cần Quốc hội cho phép là tháng 8 khởi công và cuối 2021 xong ba tuyến cao tốc này”, ông Nguyễn Chí Dũng quả quyết. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nói, ông mong muốn Nhà nước tập trung nguồn lực không chỉ ba dự án cao tốc mà với tất cả các dự án còn lại. “Huy động ngân sách không phải là vấn đề lớn, miễn là ý chí Quốc hội quyết tâm và giám sát thực hiện, làm sao 2025 xong nốt 700 km cao tốc còn lại”.

Theo Nhà đầu tư

Link gốc : https://nhadautu.vn/nguon-von-cho-3-du-an-thanh-phan-cao-toc-bac--nam-duoc-chuan-bi-nhu-the-nao-d38931.html

Bạn đang đọc bài viết Vốn cho 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam được chuẩn bị như thế nào? tại chuyên mục Vấn đề hôm nay. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Vấn đề hôm nay