Hà Nội, Thứ Tư Ngày 04/12/2024

Cần phục hồi hệ sinh thái để phát triển bền vững sinh học

kinh tế môi trường 17:14 24/06/2021

Trước tình trạng hệ sinh thái bị suy thoái nghiêm trọng, Việt Nam đang nỗ lực hơn nữa để bảo tồn các hệ sinh thái, nét đẹp của tự nhiên, giá trị đa dạng sinh học, hướng đến phát triển bền vững.

Hệ sinh thái tự nhiên dần bị thu hẹp

Theo Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH), hiện nay, diện tích các khu vực có hệ sinh thái tự nhiên quan trọng bị thu hẹp dần. Số loài và số lượng cá thể của các loài hoang dã bị suy giảm mạnh. Nhiều loài hoang dã có giá trị bị suy giảm hoàn toàn về số lượng hoặc bị đe dọa tuyệt chủng ở mức cao. Các nguồn gen hoang dã cũng đang trên đà suy thoái nhanh và thất thoát nhiều. Hiện nay, diện tích rừng tự nhiên giảm từ 12 triệu ha (năm 1945) còn 2,8 triệu ha (năm 2017), trong đó có 80% số này ở mức duy trì kém.

Rừng ngập mặn bàu Cá Cái, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. (Ảnh: VnExpress)

Năm 2021 là năm được Liên Hợp Quốc phát động cho một thập kỷ (2021-2030) phục hồi của các hệ sinh thái trên thế giới, giúp ứng phó với biến đổi khí hậu và ngăn chặn sự tuyệt chủng của nhiều loài sinh vật.

Trước tình trạng hệ sinh thái bị suy thoái sẽ dẫn đến mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của con người, đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước, Việt nam đã thực hiện mở rộng hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên và bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng mang tầm quốc gia, quốc tế.

Mới đây, Bộ TN&MT đã thiết lập các hành lang ĐDSH kết nối các sinh cảnh nơi có các loài nguy cấp, quý hiếm được bảo vệ; xây dựng 3 khu vực bảo tồn hổ tại khu bảo tồn liên biên giới với Lào và Campuchia gồm: vườn Quốc gia Pù Mát (tỉnh Nghệ An), Khu bảo tồn thiên nhiên Sốp Cộp (tỉnh Sơn La) và vườn Quốc Gia Yok Đôn (tỉnh Đắc Lắc). Đồng thời xây dựng kế hoạch dài hạn về đầu tư phát triển vùng đệm của các khu bảo tồn và thực hiện mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình bền vững trong vùng đệm… Việt Nam đang nỗ lực để hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 phục hồi 25% diện tích hệ sinh thái tự nhiên có tầm quan trọng quốc tế, quốc gia bị suy thoái.

Tuy nhiên, phục hồi hệ sinh thái là thách thức rất lớn, đặc biệt với các nước đang phát triển như nước ta. Được biết, hiện diện tích của 173 khu bảo tồn gồm: 33 vườn quốc gia, 66 khu dự trữ thiên nhiên, 18 khu bảo tồn loài và sinh cảnh, 56 khu bảo vệ cảnh quan chỉ chiếm khoảng 7,5% diện tích đất liền - một con số khiêm tốn đối với một nước có ĐDSH phong phú như nước ta…

Theo ông Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc quốc gia Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới tại Việt Nam (WWF Việt Nam), sự gia tăng dân số và mức tiêu thụ tài nguyên là áp lực dẫn tới khai thác quá mức tài nguyên sinh vật, làm biến đổi cảnh quan thiên nhiên. Thay đổi phương thức sử dụng đất, xây dựng cơ sở hạ tầng làm giảm diện tích sinh cảnh tự nhiên; cháy rừng, phá rừng cũng là các yếu tố khiến ĐDSH của nước ta suy giảm. Trong khi đó, rừng giàu và rừng nguyên sinh không còn nhiều, vẫn tiếp tục bị thu hẹp về cả lượng và chất.

Phối hợp các giải pháp bảo tồn thiên nhiên

Những năm qua, Việt Nam là thành viên của nhiều công ước và cam kết quốc tế về bảo tồn ĐDSH. Luật ĐDSH; Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; Luật Thủy sản; Luật Du lịch; Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030… đã được ban hành và từng bước đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, từ chính sách đến thực tế trong phục hồi hệ sinh thái là một quá trình đòi hỏi tính kiên trì và sự nhất quán.

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 đã đưa ra nhiều điểm mới cũng như tính nhất quán về công tác bảo tồn thiên nhiên, phục hồi hệ sinh thái, hướng đến mục tiêu cao nhất là cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH, hướng đến phát triển bền vững. Từ đó sẽ có tác động tích cực để mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội cùng chung tay bảo vệ môi trường, phục hồi, bảo vệ hệ sinh thái vì cuộc sống hài hòa với thiên nhiên, cho một tương lai bền vững.

Bên cạnh đó, Bộ TN&MT cũng đã triển khai kế hoạch thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ phục hồi hệ sinh thái rừng, hệ sinh thái hồ, sông suối, hệ sinh thái biển và ven biển. Cụ thể như thực hiện các dự án trồng cây xanh; triển khai các hoạt động hỗ trợ quá trình tái sinh tự nhiên; phục hồi hệ sinh thái rừng theo phương pháp tiếp cận cảnh quan; thu gom rác hai bên bờ và trên mặt nước; trồng các cây bản địa xung quanh/hai bên hồ, sông suối và tạo hành lang di chuyển cho các loài động vật hoang dã; xây dựng kế hoạch tuyên truyền nhằm khai thác đúng mức và đúng cách các loài thủy sản…

Đẩy mạnh hoạt động bảo vệ nghiêm ngặt rừng nguyên sinh, bảo đảm diện tích rừng nguyên sinh được bảo vệ ở mức 0,57 triệu ha; thực hiện các biện pháp ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép bảo vệ rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn; khoanh nuôi, tái sinh rừng trong các chương trình trồng rừng, thực hiện các biện pháp làm giàu rừng bằng cây bản địa và đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống cháy rừng, nâng cao năng lực ứng phó với cháy rừng ở các cấp; thực hiện có hiệu quả các mục tiêu và nhiệm vụ của Đề án phục hồi rừng ngập mặn ven biển. Trong đó, thực hiện Kế hoạch bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước trên phạm vi toàn quốc, ưu tiên đối với các lưu vực sông trọng yếu; ưu tiên cho các hệ thống sông quan trọng như sông Hồng, sông Vu Gia - Thu Bồn, sông Ba - sông Côn, sông Đồng Nai và sông Cửu Long…

Đồng thời, phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và ĐDSH; bảo tồn hiệu quả các loài và nguồn gen; đặc biệt là áp dụng các giải pháp dựa và thiên nhiên để giảm nhẹ tác động từ sự phát triển kinh tế - xã hội tới các hệ sinh thái; thúc đẩy việc xây dựng và thực hiện các mô hình kinh tế sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên.

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, phải để người dân hiểu được rằng tài nguyên thiên nhiên là tài sản vô giá, gắn với lợi ích của họ. Tuyên truyền nâng cao nhận thức là chưa đủ mà cần phải có các biện pháp cải thiện sinh kế, tạo công ăn, việc làm ổn định cho cư dân sinh sống ven các khu bảo tồn. Trong đó, phát triển du lịch sinh thái là một phương án rất tốt, giải quyết được vấn đề phát triển kinh tế và bảo tồn hệ sinh thái.

Link gốc : https://kinhtemoitruong.vn/phuc-hoi-he-sinh-thai-de-phat-trien-ben-vung-da-dang-sinh-hoc-56724.html

Bạn đang đọc bài viết Cần phục hồi hệ sinh thái để phát triển bền vững sinh học tại chuyên mục Vấn đề hôm nay. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Vấn đề hôm nay