Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói về chính sách tài chính ưu đãi đối với các nhà đầu tư nước ngoài

/taichinhdoanhnghiep 20:28 18/09/2022

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với chủ đề "Vượt qua thử thách, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển",

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã chia sẻ về chính sách tài chính ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Hàng loạt chính sách miễn, giảm thuế cho nhà đầu tư nước ngoài

Về chính sách đầu tư và một số sắc thuế, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ ban hành các nghị định và tham mưu Chính phủ, Quốc hội sửa đổi các luật thuế phù hợp với tiến trình phát triển và xu thế của thời đại.

Đơn cử như thuế thu nhập doanh nghiệp, thời gian qua, Việt Nam đã hạ mức thuế suất phổ thông từ 25% xuống còn 22%, đến nay còn 20%, và trong những lĩnh vực ưu đãi đầu tư thì thuế suất thậm chí xuống còn 10%. Tùy theo đối tượng, thuế suất ưu đãi có thể còn 9% trong vòng 30 năm, hoặc miễn thuế 6 năm, giảm 50% thuế phải nộp trong 13 năm tiếp theo. Theo Bộ trưởng, đây là một cơ chế rất ưu đãi.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Đối với dự án đầu tư thông thường, thời gian miễn thuế là 4 năm, giảm 50% thuế phải nộp trong 9 năm tiếp đối với thu nhập của doanh nghiệp thực hiện đầu tư mới trong lĩnh vực xã hội hóa và thực hiện trong địa bàn điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; miễn 4 năm hoặc giảm 50% số thuế phải nộp trong 5 năm tiếp theo đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực xã hội hóa.

Về thuế xuất nhập khẩu, theo Bộ trưởng, Chính phủ đã ban hành Nghị định 134, Nghị định 18 ưu đãi đầu tư và hưởng các chính sách miễn giảm thuế đúng quy định. Ngoài ra năm 2019, Bộ Tài chính đã tham mưu ban hành Nghị định 126 hướng dẫn Luật Thuế, ưu đãi đối với doanh nghiệp ưu tiên theo hướng được hoàn thuế trước và kiểm tra sau. Đây cũng là một vấn đề giảm thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp. Và được nộp thuế theo tờ khai hải quan đã thông quan hoặc giải phóng hàng trong tháng vào ngày 10 của tháng tiếp theo. Doanh nghiệp ưu tiên của những nước có thỏa thuận công nhận lẫn nhau, đối với Việt Nam thì được áp dụng các biện pháp về ưu tiên hải quan và thủ tục thuế tại Việt Nam.

Về ưu đãi tiền thuê đất và thuê mặt nước, Chính phủ Việt Nam đã có Nghị định 46, Nghị định 135 và Nghị định 123 quy định ưu đãi. Chẳng hạn đối với khu kinh tế thì được ưu đãi 11 năm miễn nộp tiền thuê đất hay đối với khu vực, địa bàn đặc biệt khó khăn thì giảm miễn 15 năm đối với tiền thuê đất.

Người đứng đầu Bộ Tài chính cho hay, Bộ Tài chính đã tập trung cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực thuế và hải quan. Bộ đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Quyết định 508 năm 23/4/2022 về phê duyệt chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030. Bộ Tài chính đã tích hợp 150 thủ tục hành chính thuế ở cấp độ 3, 4 trên Cổng thông tin quốc gia và đã triển khai nộp thuế, kê khai thuế điện tử. Như vậy, hệ thống kê khai thuế điện tử và hoàn thuế, nộp thuế cũng bằng điện tử có tỉ lệ doanh nghiệp tham gia kê khai lần lượt là 96,6%, 98,9% và 97,6%..

Trong lĩnh vực hải quan, ngành tài chính đã áp dụng cơ chế một cửa ASEAN và tăng cường thực hiện thông quan bằng phương pháp quản lý hải quan theo hướng hiện đại.

“Chúng tôi tập trung cải cách thủ tục hành chính trong thông quan và hơn 99% thủ tục hải quan được thực hiện bằng phương thức điện tử, qua hệ thống tự động. Chúng tôi tiếp tục sẽ cải tiến lĩnh vực thuế và hải quan một cách mạnh mẽ hơn nữa bằng hệ thống điện tử, kiểm soát bằng công nghệ AI và bằng trọng yếu rủi ro, tạo điều kiện minh bạch nhất và đơn giản hóa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng khẳng định.

Về vấn đề hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chia sẻ, năm 2022, trong điều kiện rất khó khăn, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ miễn giảm thuế cho doanh nghiệp đến 233 nghìn tỷ, ví dụ thuế giá trị gia tăng giảm từ 10% xuống 8%, 37 loại phí được miễn, thuế môi trường trong xăng dầu được miễn, được giảm và một số chính sách khác nữa. Như vậy, đã thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp, kể cả hỗ trợ sản xuất, rất nhiều.

Bộ Tài chính cũng tham mưu Chính phủ đưa ra gói kích cầu 347.000 tỷ đồng để thúc đẩy nền kinh tế phát triển, tăng trưởng cao, giải quyết công ăn việc làm, phục hồi sau đại dịch trong năm 2022 và 2023. Gói này rất hiệu quả, như hỗ trợ công nhân lao động thuê nhà, hỗ trợ 40.000 tỷ lãi suất 2% tiền vay cho doanh nghiệp hoặc là y tế cơ sở, giải quyết việc làm và tập trung cho cơ sở hạ tầng, xây dựng hệ thống đường cao tốc. Năm nay chúng tôi phấn đấu hoàn thành 361 km đường cao tốc. Đây là những dấu ấn sau đại dịch mà chúng tôi đã nỗ lực.

Trong vấn đề kiểm tra để đảm bảo môi trường đầu tư công khai minh bạch và hiệu quả, theo người đứn đầu Bộ Tài chính, thị trường chứng khoán đã giữ được ổn định và tính minh bạch. Bộ Tài chính liên tục kiểm tra xử lý những trường hợp vi phạm, đảm bảo cho thị trường chứng khoán hết sức minh bạch, lành mạnh, để thúc đẩy huy động nguồn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế phát triển và hội nhập với nền kinh tế thế giới. “Chúng tôi cam kết cùng các nhà đầu tư nước ngoài giải quyết những khó khăn, vướng mắc và phục vụ tốt nhất quá trình đầu tư và phát triển”, Bộ trưởng nói.

Doanh nghiệp nước ngoài “muốn” ưu đãi thuế hơn

Chia sẻ tại Hội nghị, đại diện Bosch hy vọng có một sự nhất quán trong môi trường kinh doanh. Một khi, chính sách được hướng dẫn bởi nhiều văn bản pháp luật, nó có thể dẫn đến việc thiếu tính nhất quán và rõ ràng trong quá trình thực thi. Ví dụ, Luật Đầu tư công nhận dự án đầu tư sản xuất của Bosch là "đầu tư mới", thì Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp lại xác định đây là "đầu tư mở rộng" và áp dụng một chương trình ưu đãi thuế kém hấp dẫn hơn.

Ông Kim Young Chul, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM).

Ông Kim Young Chul, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM).

Bên cạnh đó, theo đại diện Bosch, việc thay đổi quy định nhanh chóng có thể gây khó khăn cho cả doanh nghiệp và cơ quan thuế trong việc thi hành và tuân thủ. Trong đợt thanh tra vào năm 2019, ưu đãi thuế mà Bosch được nhận đã bị bãi bỏ một phần, dựa trên các quy định được ban hành sau thời điểm Bosch tham gia đầu tư vào Việt Nam. Chúng tôi cho rằng điều này không phù hợp với nguyên tắc bảo hộ đầu tư được quy định trong Luật Đầu tư, cho phép các nhà đầu tư giữ nguyên các ưu đãi đã được trao trong trường hợp ưu đãi đó lớn hơn cơ chế mới được ban hành.

Trong khi đó, đại diện Eurocham, cho biết, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã sử dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như một ưu tiên hàng đầu cho thu hút đầu tư. Tuy nhiên, với việc OECD đang triển khai quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu trong thời gian tới, Việt Nam có thể nghiên cứu áp dụng các chính sách từ châu Âu và các nước khác để hỗ trợ trực tiếp cho nhà đầu tư bù đắp cho phần thuế phải đóng. Chúng tôi rất mong muốn chia sẻ và tăng cường hợp tác thêm với Bộ Tài chính trong vấn đề này.

“Tuy nhiên, bất kể chính sách hỗ trợ như thế nào, hay thuế suất là bao nhiêu, ưu tiên hàng đầu với nhà đầu tư châu Âu vẫn là sự minh bạch trong xây dựng luật thuế cũng như trong thanh kiểm tra thuế”, đại diện Eurocham nói.

Ông Kim Young Chul, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) đề cập tới vấn đề đánh thuế chuyển giá và thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA - Advance Pricing Agreement). Người nộp thuế giao dịch với các bên liên quan nước ngoài có nguy cơ bị đánh thuế hai lần do việc đánh thuế chuyển giá. Do vậy, doanh nghiệp hội viên chúng tôi đã đăng ký thỏa thuận APA để ngăn chặn những nguy cơ này.

Tuy nhiên, theo ông Kim Young Chul do việc sửa đổi luật quản lý thuế của Việt Nam cũng như tình hình Covid-19 phức tạp khiến cho việc đàm phán vẫn chưa được thực hiện. Chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ cung cấp các tài liệu chi tiết về FTA để chúng tôi tham khảo và tham gia đàm phán hiệu quả, sớm đạt được kết quả thực chất và có phương án xử lý kịp thời.

Liên quan đến các nội dung kiến nghị của các nhà đầu tư nước ngoài, như mở rộng khu kinh tế, khu công nghiệp hay xác định phương pháp định giá, tính thuế APA và một số kiến nghị khác, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, đã ghi nhận và sẽ làm việc với các hiệp hội, các nhà đầu tư để giải thích, giải quyết những vấn đề còn vướng mắc.

Về vấn đề đánh thuế 2 lần, theo Bộ trưởng, Bộ Tài chính chấp hành sự lãnh đạo của Chính phủ, luôn tôn trọng và chấp hành việc không đánh thuế 2 lần. Để chống chuyển giá, các doanh nghiệp muốn xác định APA, trong Luật Quản lý thuế 38 năm 2019 đã quy định rất rõ. Và trong Nghị định 126 và Thông tư 45 đã ban hành cũng có quy định rõ về vấn đề xác định tính thuế APA. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh “sẽ làm việc với các hiệp hội. Cơ bản là chúng ta phải thống nhất cơ sở dữ liệu thương mại để kiểm chứng tính pháp lý. Đây là vấn đề đang xung đột giữa hai bên nhưng chúng tôi sẽ làm việc để giải quyết”.

Về mở rộng khu công nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết luôn thực hiện đúng quy định của pháp luật. Khi dự án đầu tư được cấp phép đầu tư thì thực hiện những chính sách ưu đãi một cách nhất quán. Khi luật mới ra đời mà những giấy phép đang còn hiệu lực thì vẫn thực hiện theo quy định cũ. Giấy phép mới thì đương nhiên phải thực hiện theo quy định của Luật đã sửa đổi. Như vậy thực hiện rất nhất quán các chính sách của Việt Nam liên quan đến đầu tư.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng trong quá trình đầu tư, có thể sửa đổi giấy phép đầu tư bằng cách mở rộng các khu công nghiệp nhưng nếu không đúng quy trình, thủ tục và quy định pháp luật thì đương nhiên sẽ không được thực hiện các ưu đãi đầu tư. Chúng tôi sẽ làm việc với các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp để giải thích đúng và thực thi đúng pháp luật. Bộ Tài chính luôn hỗ trợ hết mức cho nhà đầu tư, luôn đồng hành cùng nhà đầu tư để sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

Link gốc : https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/bo-truong-ho-duc-phoc-noi-ve-chinh-sach-tai-chinh-uu-dai-doi-voi-cac-nha-dau-tu-nuoc-ngoai-d32637.html

Bạn đang đọc bài viết Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói về chính sách tài chính ưu đãi đối với các nhà đầu tư nước ngoài tại chuyên mục Vấn đề hôm nay. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Vấn đề hôm nay