Cổng thông tin điện tử Bộ Nội vụ dẫn lời TS. Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ) cho biết, cơ cấu chính phủ tại nhiều quốc gia trên thế giới có quy mô dân số, quy mô nền kinh tế lớn hơn Việt Nam nhiều lần nhưng số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ thường dao động con số dưới 20.
Để thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ 6 khóa XII về tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, Thứ trưởng Triệu Văn Cường nhấn mạnh, cần nghiên cứu cắt giảm số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ xuống mức phù hợp thông qua việc tái cơ cấu lại các bộ, cơ quan ngang bộ, sáp nhập các bộ có nhiệm vụ, chức năng tương đồng để vừa giảm số lượng, vừa khắc phục tình trạng bỏ sót hoặc trùng lấn nhiệm vụ, chức năng giữa một số bộ, đúng theo nguyên tắc: bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Ảnh: MOHA
Sau khi phân tích thực tiễn và các nền tảng văn bản khác, hội thảo đã nêu đề xuất cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 theo hướng rút gọn số bộ, cơ quan ngang bộ từ 22 xuống 20 bộ, cơ quan ngang bộ.
Cụ thể là hợp nhất Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành Bộ Tài chính – Kế hoạch đầu tư, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng thành Bộ Giao thông và Xây dựng.
Ngoài ra, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ giữa một số bộ, cơ quan ngang bộ như giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với Bộ Giáo dục và Đào tạo; giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Nội vụ.
Đáng chú ý, mô hình Bộ Giáo dục và Đào tạo như hiện nay được đề xuất "thành lập lại Bộ Giáo dục và chuyển nhiệm vụ đào tạo về Bộ Khoa học và Công nghệ; đổi tên Bộ Khoa học và Công nghệ thành Bộ Khoa học - Công nghệ và Đào tạo".
Đồng thời, điều chuyển việc đào tạo nghề từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về Bộ Khoa học – Công nghệ và Đào tạo.
Thành lập Bộ Công Thương và Du lịch; Bộ Văn hóa – Thể thao và Thanh niên.
Các ý kiến tại hội thảo cho rằng, cần đề xuất 2 phương án về cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 và đề xuất phương án lựa chọn. Trong mỗi phương án, phải đánh giá được những ưu điểm, những hạn chế để có đề xuất phù hợp, đảm bảo mang tính thuyết phục cao và ứng dụng được trong thực tiễn.
Về đề xuất hợp nhất giữa các bộ với nhau và điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, các đại biểu đều tán thành đề xuất trên.
Lịch sử "tách nhập" của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Bộ Quốc gia giáo dục là một trong những bộ được thành lập ngay từ những ngày đầu sau khi cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công. Bộ Quốc gia giáo dục gồm Văn phòng Bộ và các nha: Đại học vụ, Trung học vụ, Tiểu học vụ và Nha Bình dân học vụ.
Tháng 10/1965, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn việc thành lập Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, tách khỏi Bộ Giáo dục.
Năm 1987, Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Trung ương được sáp nhập vào Bộ Giáo dục; nhà trẻ, mẫu giáo hợp nhất lại thành ngành học Mầm non, nay còn gọi là bậc học Mầm non.
Năm 1988: sáp nhập Tổng cục Dạy nghề vào Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp thành Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề.
Năm 1990 Chính phủ quyết định thành lập Bộ Giáo dục và Đào tạo trên cơ sở sáp nhập Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề. Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý thống nhất hệ thống giáo dục quốc dân từ mầm non đến giáo dục đại học và sau đại học.
Đến năm 1998, bộ phận dạy nghề được tách ra, thành lập Tổng cục Dạy trực thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Từ tháng 8/2017, tổng cục này tiếp nhận thêm 500 trường trung cấp, cao đẳng từ Bộ GD-ĐT và đổi tên thành Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.
Theo Báo mới