Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 20/04/2024

Được hỏi về 'đứt gãy xăng dầu', Bộ Công Thương trả lời không đúng trọng tâm

TDVN 06:28 13/10/2022

Vấn đề về thiếu hụt nguồn cung xăng dầu trong nước làm nóng cuộc họp báo thường kỳ quý III của Bộ Công Thương chiều 12/10.

Chiều 12/10, Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ quý III/2022 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải. Nội dung trọng tâm của cuộc họp là cung cấp thông tin về vấn đề xăng dầu. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh hàng loạt cửa hàng xăng dầu tại Tp.HCM và các tỉnh phía Nam thiếu hụt nguồn cung, buộc phải tạm ngừng kinh doanh.

Tại họp báo, báo chí đặt loạt câu hỏi về nội dung cuộc họp khẩn của Bộ Công Thương với các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối trong sáng nay (12/10) và Bộ Công Thương có giải pháp gì cho tình hình hiện nay?

Cùng với đó, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, chỉ có 19/33 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối thực hiện nhập khẩu xăng dầu trong quý III/2022. Vậy với 14 doanh nghiệp không thực hiện việc nhập khẩu thì Bộ Công Thương sẽ xử lý các doanh nghiệp này thế nào? Yêu cầu điểm tên 14 doanh nghiệp không thực hiện nhập khẩu xăng dầu.

Trước những câu hỏi nóng của báo chí về diễn biến của thị trường xăng dầu thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, sẽ dành 30 phút để trả lời báo chí. Ông nói rằng, xăng dầu không chỉ là vấn đề nóng mà là vấn đề quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

“Quan trọng nhất là tìm ra hướng xử lý cho tình hình hiện nay. Vụ Thị trường trong nước trả lời các câu hỏi báo chí đặt ra”, ông Hải nói.

Kinh tế vĩ mô - Được hỏi về 'đứt gãy xăng dầu', Bộ Công Thương trả lời không đúng trọng tâm

Tình trạng khan hiếm xăng dầu cục bộ diễn ra chủ yếu tại các tỉnh phía Nam (Ảnh: Hữu Thắng).

Được giao nhiệm vụ trả lời vấn đề này, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước cho biết, thời gian qua có hiện tượng một số doanh nghiệp xin đóng cửa tạm ngừng kinh doanh tập trung tại khu vực phía Nam.

Nguyên nhân do từ đầu năm 2022 đến nay thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá cả biến động lớn ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Cùng với đó, trong quý II do lo ngại nguồn cung thiếu hụt từ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, doanh nghiệp đầu mối đẩy mạnh nhập khẩu giữa bối cảnh giá cả thế giới tăng cao, từ đó dẫn đến tình trạng thua lỗ.

Trong quý III, việc giá xăng dầu thế giới quay đầu giảm mạnh khiến giá bán lẻ trong nước cũng đảo chiều, đẩy doanh nghiệp thua lỗ lớn buộc phải thu hẹp hoạt động kinh doanh, nhập khẩu cầm chừng. Tình trạng một số doanh nghiệp bị tước giấy phép tạm thời hay không thực hiện được thông quan do chưa kết nối phần mềm kiểm tra điện tử cũng là yếu tố tác động đến thị trường trong nước.

Việc kinh doanh thua lỗ từ tất cả các khâu từ đầu mối, phân phối cho đến đại lý buộc doanh nghiệp phải giảm chiết khấu để hạn chế hoạt động lấy hàng của đại lý bán lẻ, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ và cắt giảm sản lượng kinh doanh.

Ngoài ra, việc tín dụng bị thắt chặt trong khi giá xăng dầu tăng, tỉ giá USD và VNĐ tăng ảnh hưởng đến giá nhập khẩu, khó tiếp cận nguồn ngoại tệ khiến doanh nghiệp đầu mối không đủ tài chính để nhập hàng với khối lượng như trước, chủ yếu duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối trực thuộc và lượng dự trữ tồn kho theo quy định.

Kinh tế vĩ mô - Được hỏi về 'đứt gãy xăng dầu', Bộ Công Thương trả lời không đúng trọng tâm (Hình 2).

Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước trả lời tại họp báo (Ảnh: BCT).

Cũng theo ông Đông, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam tăng cao trong khi chi phí này chưa tính đủ vào giá cơ sở do Nhà nước điều hành nên doanh nghiệp hạn chế nhập khẩu để giảm thua lỗ.

Hơn nữa, một số doanh nghiệp đầu mối phía Nam bị tước giấy phép trong khoảng 1-1,5 tháng dẫn đến thiếu hụt nguồn cung cục bộ. Cuối cùng, việc mưa bão ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển hàng từ nhà máy sản xuất trong nước, từ đó làm chậm nguồn cung hàng.

Đáng chú ý, sau khi trả lời những nội dung “không đúng trọng tâm câu hỏi của báo chí”, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước đề nghị các cơ quan báo chí đăng tải thông tin về nỗ lực của doanh nghiệp trong việc tăng bán hàng và nỗ lực của cả hệ thống trong việc đảm bảo an ninh năng lượng thời gian qua.

Điểm lại 10 vấn đề được các cơ quan báo chí quan tâm, ông Đông cũng giải thích vắn tắt về các vấn đề nóng liên quan đến chi phí định mức cần điều chỉnh cũng như khái niệm về vai trò của các thương nhân phân phối, việc đảm bảo thời gian điều chỉnh giá, việc đại lý bán giá cao hơn giá bán lẻ…

“Mục tiêu điều hành thời gian tới sẽ hướng tới điều hành sát với giá thị trường. Vụ Thị trường trong nước sẽ tập hợp và đăng tải công khai phần trả lời trên website của Bộ Công Thương”, ông Đông cho hay.

Kinh tế vĩ mô - Được hỏi về 'đứt gãy xăng dầu', Bộ Công Thương trả lời không đúng trọng tâm (Hình 3).

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại họp báo (Ảnh: BCT).

Nối tiếp phần trả lời của Vụ Thị trường trong nước, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng đến giờ này có thể khẳng định đã rất cố gắng và cơ bản đảm bảo nguồn cung cho thị trường. “Nhìn tổng thể thì việc thiếu hụt chỉ ở một địa phương. Dù là 1 cửa hàng chúng ta cũng phải giải quyết”, ông Hải nói.

Vị Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cho rằng, theo Nghị định 95, khái niệm không phải doanh nghiệp xuất nhập khẩu mà là đầu mối. Việc tính hiện nay là theo tổng nguồn, doanh nghiệp có thể mua ở Bình Sơn, Nghi Sơn, không nhất thiết là phải nhập khẩu.

Giai đoạn đầu năm Nghi Sơn gặp sự cố kéo theo diễn biến rối của thị trường sau khi các doanh nghiệp tăng mua nguồn giá cao từ nước ngoài để đảm bảo trong nước. Nhưng khi xăng về đến cảng thì do diễn biến thay đổi giảm đột ngột của thị trường, doanh nghiệp bị lỗ. Việc này dẫn đến việc đầu mối phải cắt chiết khấu.

“Hiện nay nhập khẩu xăng dầu rất khó khăn, cả châu Âu cũng đang gia tăng nhập khẩu dầu nên các nước đều bị ảnh hưởng. Các doanh nghiệp bị thua lỗ trong thời gian dài nên đương nhiên việc bán hàng bị ảnh hưởng. Vì vậy chúng ta phải tháo gỡ. Như chi phí vận chuyển từ cảng, đến ngày hôm qua 11/10 mới được điều chỉnh chi phí”, ông Hải nói.

Trong hệ thống phân phối xăng dầu, Việt Nam có 36 doanh nghiệp đầu mối có chức năng nhập khẩu, 500 đơn vị phân phối và khoảng 17.000 cửa hàng bán lẻ.

Từ 15h ngày 11/10, cơ quan điều hành đã tăng thêm 560 đồng trên mỗi lít xăng E5 RON 92, RON 95. Sau khi tăng, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 21.290 đồng/lít và xăng RON 95 là 22.000 đồng/lít.

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/duoc-hoi-ve-dut-gay-xang-dau-bo-cong-thuong-tra-loi-vong-vo-ne-tranh-a574432.html

Bạn đang đọc bài viết Được hỏi về 'đứt gãy xăng dầu', Bộ Công Thương trả lời không đúng trọng tâm tại chuyên mục Vấn đề hôm nay. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Vấn đề hôm nay