Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 26/04/2024

Đề phòng nạn tham nhũng đất đai nhân danh quy hoạch sân bay

CAND 09:36 06/10/2022

Chỉ trong một thời gian ngắn từ cuối tháng 8 đến nay, đã có thêm 5 địa phương gồm Sơn La, Tuyên Quang, Kon Tum, Ninh Thuận

Đồng Nai kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) bổ sung 5 sân bay vào dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đề xuất, các tỉnh đều nêu bật những thuận lợi, tác động tích cực nếu xây dựng sân bay ở địa phương mình. Tuy nhiên, không ít người cũng tỏ ra nghi ngại đặt vấn đề có hay không chuyện quy hoạch sân bay để “giữ đất” vì bản chất hiện nay nhiều sân bay trên cả nước còn đang vắng khách, thua lỗ nhiều năm…

Địa phương muốn có sân bay là nhu cầu chính đáng

Mới đây, Bộ GTVT đã “hồi đáp” công văn của UBND tỉnh Sơn La về việc đề nghị bổ sung Cảng hàng không (CHK) Mộc Châu vào Quy hoạch. Một trong những nội dung được chú ý trong văn bản hồi đáp là Quy hoạch hệ thống cảng hàng không không đề xuất quy hoạch sân bay mới tại Mộc Châu. Quy hoạch hệ thống cảng hàng không cũng đã định hướng giao các địa phương chủ động quy hoạch vị trí các sân bay chuyên dùng trong quy hoạch của tỉnh sau khi được Bộ Quốc phòng phê duyệt vị trí.

Đề phòng nạn tham nhũng đất đai nhân danh quy hoạch sân bay -0
Phối cảnh sân bay Quảng Trị đặt tại huyện Gio Linh. Ảnh minh hoạ

“Trường hợp có nhu cầu phát triển sân bay phục vụ du lịch, Bộ GTVT ủng hộ tỉnh chủ động nghiên cứu quy hoạch sân bay chuyên dùng tại Mộc Châu sau khi thống nhất với Bộ Quốc phòng. Đồng thời, chủ trì kêu gọi các nguồn lực để đầu tư, phát triển sân bay Mộc Châu với tính chất là sân bay chuyên dùng theo quy định hiện hành”, lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh. Trước đó, đầu tháng 9, UBND tỉnh Sơn La đề xuất với Bộ GTVT bổ sung vào quy hoạch sân bay Mộc Châu. Đây là sân bay cấp 4E, phân kỳ đầu tư làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (đến năm 2030), là cảng hàng không dân dụng thực hiện khai thác các tuyến bay nội địa hàng không thường kỳ và một số tuyến quốc tế) với công suất dự kiến 1 triệu hành khách/năm. Giai đoạn 2 (sau năm 2030), dự kiến công suất là 2 triệu hành khách/năm. Kết cấu đường băng dự kiến có chiều dài 1.800m. Về diện tích, đến năm 2030 khoảng 350ha; đến năm 2050 khoảng 500ha.

Khi đề xuất xây sân bay Na Hang tại xã Năng Khả, huyện Na Hang, UBND tỉnh Tuyên Quang cũng bày tỏ: "Nếu được đầu tư xây dựng, sân bay Na Hang không chỉ phục vụ người dân đi lại tại tỉnh Tuyên Quang mà cả các tỉnh lân cận". Tương tự, khi đề xuất đưa sân bay Măng Đen vào quy hoạch, UBND tỉnh Kon Tum chỉ rõ vị trí quan trọng của nơi này. Kon Tum nằm trong vùng lõi tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh và là khu vực bảo vệ môi trường sinh thái quan trọng của cả nước. Theo tờ trình của UBND tỉnh Lai Châu gửi tới Thủ tướng Chính phủ đề xuất đầu tư xây dựng Cảng hàng không Lai Châu theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Cùng đó, đề nghị giao UBND tỉnh Lai Châu làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để triển khai thực hiện dự án. Lãnh đạo tỉnh cam kết triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo chất lượng và tiến độ. Theo đó, định hướng đến giai đoạn 2030 là sân bay dân dụng cấp 3C và sân bay quân sự cấp III; công suất 0,5 triệu hành khách/năm và diện tích sử dụng đất là 167 ha. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 8.000 tỷ đồng. Địa điểm đầu tư tại thị trấn Tân Uyên. Trong khi đó, khu vực phía Tây Bắc hiện cũng đã và đang được phê duyệt, triển khai Cảng hàng không Điện Biên tại tỉnh Điện Biên, Cảng hàng không Nà Sản tại Sơn La. Còn ở miền núi phía Đông Bắc thì tỉnh Cao Bằng cũng đề xuất xây sân bay Cao Bằng, rồi sân bay Sa Pa tại tỉnh Lào Cai.

Dù có nhiều ý kiến, song nhiều địa phương vẫn tiếp tục kiến nghị được đầu tư xây dựng sân bay. Cụ thể như tỉnh Hà Tĩnh đề xuất quy hoạch Cảng hàng không Hà Tĩnh có diện tích từ 300ha đến 450ha tại các xã Thạch Văn huyện Thạch Hà; Cẩm Dương, Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Hay như tỉnh Quảng Trị cũng đã được phê duyệt chủ trương đầu tư sân bay tại huyện Gio Linh. Tiến sâu thêm vào khu vực Nam Trung Bộ thì có đề xuất xây dựng sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận), sân bay Phan Thiết (Bình Thuận)…

Cần đề phòng tham nhũng đất đai “nhân danh” xây sân bay

Những cảng tưởng chừng như có lãi (Côn Đảo, Cát Bi), thực tế cũng lỗ gần chục tỷ đồng mỗi năm. Số liệu thống kê sản lượng khách đi máy bay năm 2019 (trước dịch COVID-19) cũng cho thấy, cả nước chỉ có 4 sân bay đạt trên 5 triệu khách gồm: Tân Sơn Nhất (41 triệu), Nội Bài (29 triệu), Đà Nẵng (15,5 triệu), Cam Ranh (9,7 triệu). Những sân bay còn lại chỉ trên dưới 1 triệu khách/năm.

Theo chuyên gia hàng không, sân bay xây mới mà sản lượng khách dưới 5 triệu lượt/năm thì khó thu hồi được vốn. Những con số nêu trên là tín hiệu cần cảnh báo cho hàng loạt tỉnh thành đang muốn đầu tư thêm cảng hàng không theo hình thức PPP tại địa phương mình. Một số ý kiến khác cho rằng, sân bay xây lên mà khách đi lại ít thì gần như không có ý nghĩa. Nó chỉ ý nghĩa trong giai đoạn kích cho giá bất động sản bỗng dưng tăng vọt lên và một số người giàu nhanh chóng. Hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội là không lớn.

Nhìn thẳng vào vấn đề, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh bày tỏ: “Tôi đã dành nhiều thời gian nghiên cứu lĩnh vực này và nhận thấy địa phương nào cũng báo cáo có nhu cầu nhưng toàn là cảm tính”. Địa phương nào cũng mạnh mẽ đề xuất, kêu gọi vốn PPP không cần ngân sách Nhà nước. Nhưng nếu quyết định vội vàng thì đây là một sai lầm về chính sách. Các vấn đề trầm trọng nhất của nước ta hiện nay là đất đai. Sân bay là cớ dễ lạm dụng. Lấy danh nghĩa làm sân bay để quy hoạch đất đai. Cần đề phòng nạn tham nhũng đất đai nhân danh xây sân bay. Nếu sân bay mà xây lên, lấy một diện tích đất lớn, nhưng khách đi ít, thì rất phí. Lúc đó tư nhân vào sẽ nhân danh cổ phần sân bay, có thể lấy đất làm kinh doanh địa ốc. Sau này sân bay không có khách, họ có thể lấy địa ốc để kinh doanh. Thành ra, kẽ hở đó cần kiểm soát kỹ chứ không nên vội vàng.
Theo vị PGS.TS này, với mỗi sân bay cần phải có nghiên cứu đầy đủ, quy mô như thế nào, năng suất ra sao. Các nghiên cứu, tính toán này phải dựa trên cơ sở thực tiễn, chứ không thể cứ đề xuất xây dựng với những con số rất đẹp nhưng lại mơ hồ, sau đó doanh nghiệp nhân danh việc này sẽ được sử dụng hàng trăm hecta đất. PGT.TS chia sẻ thêm: “Tôi lấy ví dụ sân bay Phú Bài tại Huế, đây là kinh đô cũ của nước ta, cũng được kỳ vọng đón lượng lớn du khách nhưng thực tế hiện nay thì sao? Trong khi tỉnh Quảng Trị có tiềm năng hay thế mạnh gì để thu hút được du khách đến mà xây dựng sân bay năng suất 2 triệu hành khách/năm”.

Theo tính toán của Bộ GTVT, con số 28 sân bay vào năm 2030 sẽ giúp nâng tổng công suất sân bay toàn quốc lên khoảng 283 triệu khách/năm, đảm bảo trên 95% dân số có thể tiếp cận tới sân bay trong phạm vi 100km. Mật độ này được Bộ GTVT đánh giá là phù hợp với các nước trong khu vực như Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia...

Bạn đang đọc bài viết Đề phòng nạn tham nhũng đất đai nhân danh quy hoạch sân bay tại chuyên mục Vấn đề hôm nay. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Vấn đề hôm nay