Hà Nội, Thứ Năm Ngày 21/11/2024

Gỡ bỏ một trong những “điểm nghẽn” của nền kinh tế: Chậm giải ngân

Hà Nguyễn 23:40 15/12/2019

11 tháng qua, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải ngân vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước mới đạt hơn 231.600 tỷ đồng, bằng 58,16% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Nói vậy là do lâu nay, khi bàn về các nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công chậm, đặc biệt trong năm 2019 này, thì một trong những nguyên nhân hàng đầu luôn được viện dẫn là do giao vốn chậm, phân bổ vốn chậm. Nay sẽ không còn chuyện đó nữa, bởi ngay cuối năm 2019, toàn bộ 100% số vốn kế hoạch năm 2020 (là 220.000 tỷ đồng) đã được giao hết trong một lần, không còn chuyện giao nhiều lần như những năm trước. Thêm vào đó, theo nghị quyết của Quốc hội, thì trước ngày 31/12/2019, các bộ ngành, địa phương sẽ phải hoàn thành việc phân bổ vốn chi tiết, cụ thể cho các dự án.

Theo Luật Đầu tư công sửa đổi, giờ đây, Thủ tướng Chính phủ chỉ giao tổng mức, cơ cấu nguồn vốn, còn danh mục chi tiết và mức vốn của các dự án sẽ do các bộ, ngành, địa phương quyết định trên cơ sở tiêu chí, nguyên tắc theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Nếu việc này được thực hiện một cách nghiêm túc theo nghị quyết của Quốc hội, thì cả giao vốn, cả phân bổ vốn sẽ hoàn thành sớm. Đây là cơ sở quan trọng để ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm 2020, các dự án sử dụng vốn đầu tư công có thể bắt tay giải ngân, để không còn tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả” như trước.

Chưa kể, Luật Đầu tư công sửa đổi cũng sẽ bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2020, với nhiều thay đổi quan trọng, tạo thuận lợi nhất là về thủ tục đầu tư, để các dự án có thể triển khai nhanh hơn. Điều đó có nghĩa, không còn lý do để chậm giải ngân vốn đầu tư công. Nếu có, vấn đề nằm ở các nguyên nhân chủ quan, chứ không phải ở thể chế, chính sách như lâu nay, các bộ ngành, địa phương vẫn “kêu”.

Trên thực tế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nhiều lần đặt câu hỏi rằng, vì sao cùng một thể chế, chính sách, mà có địa phương giải ngân nhanh, đạt 70-80%, thậm chí 90% kế hoạch, nhưng lại cũng có bộ, ngành, địa phương chỉ giải ngân được 20-30% kế hoạch. Phải chăng nguyên nhân nằm ở yếu tố chủ quan, ở sự chưa quyết liệt chỉ đạo của người đứng đầu?...

Trong câu chuyện này, có thể kể đến những nguyên nhân cốt yếu khác, như chậm giải phóng mặt bằng, chậm làm thủ tục quyết toán, năng lực nhà thầu hạn chế… Nhưng những nguyên nhân trên, nếu quyết liệt xử lý, cũng sẽ sớm được giải quyết. 11 tháng qua, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải ngân vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước mới đạt hơn 231.600 tỷ đồng, bằng 58,16% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 53,96% dự toán năm. Như vậy là khá chậm, chậm hơn cả năm ngoái.

Điều đó không chỉ ảnh hưởng tới tiến độ dự án, mà còn ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Trước thực trạng đó, Chính phủ đã yêu cầu lãnh đạo các bộ ngành, địa phương “đi công trường” để thúc đầu tư công. Điều này cũng cần được đẩy mạnh trong năm 2020 để giải ngân đầu tư công nhanh hơn, nhất là trong bối cảnh điều kiện cần đầu tiên là vốn đầu tư đã được giải quyết. Mặc dù vậy, cũng cần nhấn mạnh một điều rằng, giao vốn, phân bổ vốn, thậm chí là giải ngân vốn thôi chưa đủ, quan trọng hơn là phải làm sao nâng cao chất lượng, hiệu quả dòng vốn đầu tư công.

Điều này phụ thuộc rất lớn vào sự lựa chọn của các bộ, ngành, địa phương. Lý do là, tuy số vốn bố trí cho năm 2020 là 220.000 tỷ đồng, tăng 11,7% so với dự toán năm 2019, nhưng sau khi loại trừ các khoản chi cụ thể, thì nguồn phân bổ còn lại của ngân sách trung ương chỉ khoảng 112.900 tỷ đồng.

Trong bối cảnh nguồn vốn còn hạn hẹp, các bộ, ngành, địa phương cần thận trọng, xem xét kỹ việc phân bổ vốn, theo đó, ưu tiên cho các dự án phát triển hạ tầng trọng điểm; tập trung đẩy nhanh tiến độ để tránh tình trạng phân bổ vốn một cách tràn lan, manh mún như đã từng xảy ra. Điều này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Chi tiết đăng Báo Đầu tư

Hà Nguyễn

Link gốc : https://baodautu.vn/go-diem-nghen-giai-ngan-d112804.html

Bạn đang đọc bài viết Gỡ bỏ một trong những “điểm nghẽn” của nền kinh tế: Chậm giải ngân tại chuyên mục Vấn đề hôm nay. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Vấn đề hôm nay
Các ‘đầu nậu’ phải chia nhỏ hàng phân tán qua nhiều đường tiểu ngạch, nhưng chi phí vận chuyển gần bằng giá trị hàng. Vấn nạn buôn lậu ở Móng Cái (Quảng Ninh) đang dần rơi vào tình cảnh “hết thời”?