án bộ thú y tiêm phòng vắc xin cho đàn gia cầm |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội, ngày 3-2, ổ dịch cúm A/H5N6 đầu tiên xuất hiện tại một hộ chăn nuôi gia cầm trên địa bàn thôn Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ). Sau đó, dịch tiếp tục xảy ra tại các xã: Trung Hòa, Nam Phương Tiến, Tốt Động, Mỹ Lương (huyện Chương Mỹ) và xã Tiến Thắng (huyện Mê Linh). Tổng số gia cầm buộc phải tiêu hủy là 19.786 con của 13 hộ chăn nuôi ở 7 thôn.
Đến nay, dịch cúm gia cầm tại các huyện Chương Mỹ và Mê Linh đã qua 21 ngày kể từ ngày tiêu hủy cuối cùng (ngày 21-3 tại xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ) không phát sinh dịch bệnh trở lại. Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội tổ chức triển khai vệ sinh tiêu độc môi trường đối với các ổ dịch qua 21 ngày và tạm dừng các biện pháp phòng, chống dịch, tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi ổn định sản xuất.
Bà Lại Thị Ngợi ở xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) cho biết: “Hiện nay dịch cúm gia cầm trên địa bàn xã đã được khống chế, nhưng để bảo đảm an toàn cho 2.000 con gia cầm vừa mới nuôi, tôi đã xử lý môi trường như rắc vôi bột xung quanh chuồng nuôi, tiêm đầy đủ các loại vắc xin cho đàn vật nuôi”.
Theo bà Nguyễn Thị Hiền, Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), xã Phú Nghĩa có tổng đàn gia cầm lớn của huyện với 294.904 con. Khi dịch bệnh được khống chế, xã tiếp tục tuyên truyền đến người dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm và các chính sách của Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Qua đó giúp người dân chủ động khai báo với chính quyền địa phương, cơ quan thú y khi có gia cầm ốm, chết, nghi mắc bệnh, không giấu dịch, không bán chạy và giết mổ gia cầm bệnh, tự giác thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
Đến nay, dịch cúm gia cầm trên địa bàn thành phố được khống chế, nhưng nguy cơ lây lan dịch hiện vẫn rất cao. Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Nguyên nhân là do thành phố tuy có tổng đàn gia cầm lớn (35,7 triệu con) nhưng chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm 60%, trong khi đó, các ổ dịch cúm gia cầm xảy ra trên địa bàn thành phố đều xuất hiện từ các hộ nuôi nhỏ lẻ. Ngoài ra, Hà Nội là địa bàn trung chuyển, tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm lớn từ các tỉnh khác về, nên việc kiểm soát dịch bệnh gặp không ít khó khăn…
Để chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết: Sở NN&PTNT tiếp tục chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại cơ sở; tăng cường kiểm tra tình hình chăn nuôi, chỉ đạo hệ thống thú y giám sát chặt chẽ dịch bệnh tới hộ chăn nuôi, phát hiện kịp thời, khoanh vùng và xử lý nhanh gọn khi có ổ dịch xảy ra. Cùng với đó là tổ chức tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm theo kế hoạch; vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường phòng, chống dịch bệnh sau tiêm phòng đại trà đợt I-2020 kết hợp diệt ruồi, côn trùng mùa hè…
Bên cạnh đó, các địa phương cần bố trí lực lượng phối hợp với cán bộ thú y tăng cường quản lý, kiểm tra hoạt động giết mổ tại các cơ sở giết mổ gia cầm; đồng thời, kiên quyết ngăn chặn việc đưa gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm bệnh... vào giết mổ; hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để hạn chế sự phát sinh của dịch bệnh.