Người dân chưa tuân thủ giãn cách xã hội tại chợ “cóc” trong thị trấn Chúc Sơn (Chương Mỹ), ngày 17-4. |
Vi phạm rải rác ở nhiều nơi
Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới cho thấy, ở quận Tây Hồ, vào đầu giờ sáng và cuối giờ chiều 17-4, vẫn có lác đác người dân tập thể dục quanh khu hồ Tây dù lực lượng chốt trực luôn nhắc nhở, đặt rào chắn. Đáng nói, ở cuối ngõ 76 An Dương (phường Yên Phụ), một số người vẫn tụ tập uống trà đá, không bảo đảm cự ly giãn cách 2m; trước cửa số nhà 109A Thụy Khuê (phường Thụy Khuê) và 370 Hoàng Hoa Thám (phường Bưởi), chợ “cóc” vẫn họp…
Đáng phê phán là trên địa bàn quận Cầu Giấy, cửa hàng kinh doanh hoa tươi ở 19 Trung Hòa (phường Trung Hòa) đã được Báo Hànộimới phản ánh việc mở cửa bán hàng từ ngày 13-4, nhưng đến ngày 17-4 vẫn hoạt động bình thường. Tại quận Hà Đông, cửa hàng bán quần áo ở 159 đường 70, tổ dân phố 14 (phường Kiến Hưng) ngang nhiên mở cửa từ sáng sớm. Gần đó, quán phở bò Nam Định cũng mở hé cửa, sẵn sàng đón khách. Cũng tại khu vực tổ dân phố 4, phường Kiến Hưng, chợ "cóc" họp ngay trên vỉa hè đường 70, đoạn từ ngõ 92 đến ngõ 94.
Trong khi đó, vào khoảng 13-15h ngày 17-4, trên phố Thạch Bàn thuộc phường Thạch Bàn (quận Long Biên) cho thấy, nhiều cửa hàng bán thiết bị điện nước, vật liệu xây dựng, thiết kế quảng cáo, sắt, inox vẫn hoạt động. Tại quận Hai Bà Trưng, chiều 17-4, hai cửa hàng sửa chữa xe máy ở số nhà 36, 44 Tương Mai còn sử dụng cả vỉa hè để sửa xe và rửa xe cho khách.
Tại quận Hoàng Mai, cửa hàng giày Kaleea ở đầu phố Đại Từ “nửa đóng, nửa mở” và có tiếp khách vào hỏi mua hàng. Những hiện tượng này cũng xuất hiện “xôi đỗ” tại các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm... Cụ thể, ngay cổng chợ tạm Tân Mỹ, phường Mỹ Đình 1, người dân đã đặt hàng loạt chậu đựng cá, lồng gà, sạp đựng hoa quả chiếm hết vỉa hè để bán hàng. Tương tự, địa phận phường Mễ Trì cũng có nhiều cửa hàng công khai mở cửa đón khách, bán hàng trực tiếp như cửa hàng bánh mỳ Doner Kebab...
Cũng theo ghi nhận trên các tuyến giao thông trong ngày 17-4, mật độ giao thông tại những trục đường hướng vào trung tâm thành phố và đường vành đai như: Lê Văn Lương, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh, Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Trãi, Cầu Giấy, Giải Phóng… rất đông đúc. Chính vì thế, tại các nút có đèn tín hiệu giao thông, người tham gia giao thông đều đeo khẩu trang, nhưng khó giữ khoảng cách 2m.
Ở ngoại thành, theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, cũng đã xuất hiện tình trạng vi phạm rải rác. Như tại huyện Đông Anh, còn tồn tại một số vi phạm trên đường Cao Lỗ; khu vực chợ Tó sáng 17-4, tấp nập người mua bán, không giữ khoảng cách an toàn 2m… Tương tự, tại chốt kiểm dịch xã Dị Nậu (huyện Thạch Thất), chỉ cách chốt kiểm dịch y tế của xã khoảng hơn 300m là khu vực ngã tư chợ Dị Nậu, nhiều chủ hàng quán kinh doanh mặt hàng không thiết yếu vẫn thản nhiên mở cửa, bày hàng hóa tràn ra vỉa hè.
Tình trạng này cũng diễn ra ở huyện Thường Tín. Dọc tuyến quốc lộ 1A cũ - đoạn từ thị trấn Thường Tín đến gần địa phận huyện Phú Xuyên, cứ 3-5m lại có 4-5 cửa hàng kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu mở cửa. Điển hình như cửa hàng máy tính Hồng Anh (số nhà 44 - phố Tía); cửa hàng vi tính Xuân Hòa, điện thoại NOKIA Khánh Linh (phố Quán Chè, xã Thắng Lợi)…
Tại huyện Chương Mỹ, hai bên quốc lộ 6A đoạn qua thị trấn Chúc Sơn, nhiều hộ kinh doanh sắt, thép, nhôm kính, thiết bị điện… tuy hạ cửa nhưng kinh doanh bình thường…
Vào cuộc mạnh mẽ hơn để mọi người chấp hành nghiêm
Thực tế, nơi nào chính quyền địa phương vào cuộc mạnh mẽ, liên tục thì hạn chế được vi phạm, người dân cũng nâng cao ý thức chấp hành cách ly xã hội.
Liên quan đến vi phạm tại phường Kiến Hưng vào sáng 17-4, bà Phạm Thị Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông cho biết, sau khi nhận được phản ánh của Báo Hànộimới về chợ “cóc” họp ngay trên vỉa hè đường 70 và một số cửa hàng quanh khu vực này mở cửa bán hàng, UBND quận chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp với phường Kiến Hưng ra quân xử lý ngay. Đến trưa 17-4, toàn bộ vi phạm tại đây đã được xử lý triệt để. Lực lượng chức năng tiến hành căng dây đoạn vỉa hè chợ "cóc" hay hoạt động, lập chốt kiểm tra và sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm.
Về các vi phạm trên địa bàn phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm), ông Hứa Đức Minh, Phó Chủ tịch UBND phường Mễ Trì cho biết, phường đã yêu cầu lực lượng công an hằng ngày tuần tra, xử lý hàng hóa của những người bán hàng rong, chợ "cóc" trên địa bàn. Ngay trong sáng 17-4, lực lượng của phường đã ra quân xử lý nghiêm vi phạm ở các tuyến đường như Đỗ Đức Dục. Còn tuyến phố Đồng Me và Mễ Trì như Báo Hànộimới phản ánh, phường sẽ tiếp tục kiểm tra, xử lý ngay.
Thừa nhận vi phạm tại một số tuyến phố như Báo Hànộimới phản ánh, ông Nguyễn Tiến Dương, Phó Chủ tịch UBND phường Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm) cho biết, Công an phường đã thành lập 2 tổ công tác thường xuyên kiểm tra, xử lý hàng rong, chợ "cóc" lấn chiếm hè, đường, không bảo đảm quy định phòng dịch.
Còn Chủ tịch UBND phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) Nguyễn Trọng Bình cho biết: "Chúng tôi sẽ yêu cầu 2 tổ công tác của phường tiếp tục tuyên truyền, yêu cầu các hộ dân đóng cửa nhằm thực hiện nghiêm quy định phòng dịch, nếu cố tình vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm".
Cũng sau khi tiếp nhận thông tin người dân bán và giết mổ chim cút trên đường Nguyễn Xiển, phường Đại Kim (quận Hoàng Mai) của Báo Hànộimới, Công an phường Đại Kim đã cử tổ công tác đến hiện trường kiểm tra, xử lý vi phạm, đồng thời yêu cầu người vi phạm cam kết không tái phạm. Trung tá Nguyễn Văn Lợi, Phó Trưởng Công an phường Đại Kim cho biết, qua kiểm tra liên tục trong 2 ngày 16 và 17-4, đường Nguyễn Xiển qua địa phận phường không còn hộ nào bán hàng rong.
Trao đổi về một số vi phạm trên địa bàn, Chủ tịch UBND phường Thạch Bàn (quận Long Biên) Nguyễn Văn Thắng cho biết, phường sẽ chỉ đạo tổ công tác của phường xử lý ngay. Các tổ công tác của phường thường xuyên tuần tra, nhắc nhở và đây sẽ là vấn đề được địa phương quan tâm trong những ngày tới. Còn các vi phạm ở phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng), Chủ tịch UBND phường Đồng Tâm Lê Khánh Giang khẳng định: “Đối với 2 cửa hàng sửa xe tại phố Tương Mai mở cửa ngày 17-4 như phản ánh, chúng tôi cho kiểm tra ngay và lập biên bản xử lý nghiêm, không để tiếp tục vi phạm”.
Tại địa bàn huyện Thanh Oai, mấy ngày trước, qua phản ánh của báo chí, nhiều chợ dân sinh thuộc một số xã có tình trạng người dân chưa thực hiện đúng quy định về phòng, chống dịch thì nay, chính quyền địa phương đã siết chặt quản lý và không còn vi phạm. Trong khi đó, tại huyện Thanh Trì, có mặt tại thôn Cương Ngô (xã Tứ Hiệp) vào ngày 17-4, phóng viên ghi nhận, cơ bản người dân chấp hành các quy định, các cửa hàng không thiết yếu đóng cửa. Bà Phạm Thị Vân ở thôn Cương Ngô cho biết: "Từ khi dịch Covid-19 xảy ra, thực hiện yêu cầu của xã, nhà hàng bia của tôi đã đóng cửa được hơn 20 ngày".
Ở huyện Thạch Thất, theo ông Phí Mạnh Thu, trực tại chốt kiểm dịch xã Hương Ngải, người dân trên địa bàn xã tuân thủ khá tốt, hạn chế ra đường và đều đeo khẩu trang. Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, các chốt kiểm dịch trên địa bàn xã đều yêu cầu người dân khai báo y tế, sát trùng trước khi ra, vào xã…
Còn theo Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng, khi nắm bắt được phản ánh của báo chí, UBND huyện đã yêu cầu chính quyền địa phương giải tỏa ngay chợ tạm ở xã Thanh Lâm. Riêng chợ rau ở xã Tiền Phong, huyện yêu cầu chính quyền địa phương phải có biện pháp giãn khoảng cách người dân ra vào chợ, kẻ ô, kẻ vạch để người dân thực hiện.
Chiều 17-4, phóng viên có mặt tại địa bàn xã Tiền Phong (huyện Mê Linh) ghi nhận: Lực lượng đoàn viên thanh niên xã đang kẻ, vẽ chia ô tại khu vực chợ rau của xã để các tiểu thương có chỗ ngồi với khoảng cách 2m theo quy định. Những người bán hàng, mua hàng cũng đã nâng cao ý thức, đeo khẩu trang và đứng cách xa nhau hơn.
Hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 đang vào cao điểm, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng vẫn rất cao. Vì thế, việc mỗi người dân cùng chung tay với lực lượng chức năng, nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm quy định cách ly xã hội sẽ quyết định đến thành công của công tác chống dịch.
Xử phạt 8.359 trường hợp vi phạm về phòng, chống dịch Covid-19
Báo cáo của 30 quận, huyện, thị xã cho thấy, từ ngày 1-4 đến 17-4, các địa phương đã xử phạt tổng cộng 8.359 trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Trong đó, quận Đống Đa đã xử phạt lên tới 1.101 trường hợp, tiếp đó là các quận, huyện như: Hoàng Mai (681 trường hợp), Hà Đông (527 trường hợp), Hai Bà Trưng (526 trường hợp), Thanh Trì (436 trường hợp), Đan Phượng (391 trường hợp), Phúc Thọ (247 trường hợp... Các lỗi vi phạm chủ yếu bị xử phạt là do mở cửa bán các mặt hàng không thiết yếu, không đeo khẩu trang ở nơi công cộng, ra ngoài đường không có lý do cấp thiết…