Các ca nhiễm trong cộng đồng tăng
Tính từ ngày 7/8 đến nay, Hà Tĩnh đã ghi nhận 18 ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng (thị xã Hồng Lĩnh 10 ca, huyện Nghi Xuân 5 ca và huyện Cẩm Xuyên 3 ca). Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, từ 0h đêm 18/8, toàn thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh (trừ tổ dân phố 1,2,3,8 phường Đậu Liêu) triển khai giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Trước đó 3 ngày, một phần thị trấn Cẩm Xuyên cũng đã phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch.
Chốt phong tỏa tại thị xã Hồng Lĩnh. |
Nguyên nhân Hà Tĩnh bùng dịch trở lại đã được ban Thường vụ tỉnh ủy Hà Tĩnh thẳng thẳn nhìn nhận là do chính quyền một số địa phương còn lỏng lẻo, chủ quan, chưa thực sự chủ động, kịp thời, sâu sát; kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định phòng, chống dịch chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ; một số người dân có biểu hiện nhiễm bệnh, tự điều trị nhưng địa phương chưa nắm được thông tin…
“Nguyên nhân chính của những tồn tại, hạn chế nêu trên do ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện, người đứng đầu một số địa phương, đơn vị chưa quyết liệt, tập trung cao nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch; một bộ phận người dân còn chủ quan, lơ là các biện pháp phòng, chống dịch”, kết luận số 32/KL/TU của ban Thường vụ tỉnh ủy Hà Tĩnh nêu rõ.
Liên quan đến nội dung này, Hà Tĩnh vừa kỷ luật, đình chỉ công tác hàng loạt cán bộ vi phạm quy định trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Cụ thể: Tại thị xã Kỳ Anh, tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Thành Đông, Phó chủ tịch UBND phường Hưng Trí, do thiếu trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trước đó, ông Đông đã ký xác nhận để công dân đang ở khu vực thực hiện giãn cách xã hội trở về địa phương.
Thị trấn Cẩm Xuyên phong tỏa toàn bộ các khu dân cư và chợ. |
Tại huyện Cẩm Xuyên, tạm đình chỉ công tác ông Thái Văn Thụ (Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phúc Thăng) và ông Hoàng Minh Tân (Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thành).
Ông Thái Văn Thụ và ông Hoàng Minh Tân bị xử lý kỷ luật do chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid-19 không nghiêm túc; ký xác nhận để các công dân ở vùng dịch, đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đi về cư trú tại địa phương, để họ lợi dụng đi qua các chốt kiểm dịch trở về quê, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 của toàn tỉnh.
Ngoài ra, ông Nguyễn Xuân Thủy, Chủ tịch UBND xã Cẩm Thạch (huyện Cẩm Xuyên) trước đó đã phải giải trình về việc không đưa đón công dân từ vùng dịch trở về đến cơ sở cách ly y tế tập trung.
Theo UBND huyện Cẩm Xuyên, mặc dù ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện đã có nhiều văn bản chỉ đạo, quán triệt việc đưa, đón công dân về từ vùng dịch đến các cơ sở cách ly tập trung, tuy nhiên địa phương không có phương án kịp thời, thiếu khẩn trương, thiếu quan tâm dẫn đến công dân và người nhà tự ý đi, đến nhiều địa điểm, mất nhiều thời gian xử lý trước khi đến cơ sở cách ly y tế tập trung tại thị trấn Thiên Cầm, không đảm bảo quy trình khép kín chặt chẽ, nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Trách nhiệm của các cơ sở bán thuốc chữa bệnh trên địa bàn
Ngoài trách nhiệm của chính quyền địa phương, phải kể đến trách nhiệm của các cửa hàng bán thuốc chữa bệnh trên địa bàn. Việc các cửa hàng bất chấp chỉ đạo của ngành chức năng, tự ý bán thuốc cho những trường hợp có biểu hiện ho, sốt… cũng chính là một trong số nguyên nhân khiến Hà Tĩnh bùng phát dịch trở lại.
Nhiều cửa hàng bất chấp chỉ đạo của ngành chức năng, tự ý bán thuốc cho những trường hợp có biểu hiện ho, sốt. |
Theo đó, vào ngày 13/8, Hà Tĩnh bùng phát dịch trở lại khi phát hiện ca nhiễm cộng đồng đầu tiên ở huyện Cẩm Xuyên. Vào ngày 10/8, bệnh nhân là T.T.N. (trú tổ dân phố 13, thị trấn Cẩm Xuyên) có biểu hiện ngạt mũi, sổ mũi, đau họng, đã tự ra quầy thuốc trong chợ Hội mua thuốc cảm cúm về uống, điều trị. Ngày 13/8, trung tâm y tế test nhanh trường hợp này cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Tương tự, bệnh nhân B.T.T. (trú tổ dân phố 1, thị trấn Cẩm Xuyên) cũng có biểu hiện ho, sốt, tự mua thuốc tây uống, điều trị tại nhà. Ngày 14/8 lấy mẫu xét nghiệm trường hợp này cho kết quả dương tính.
Chùm ca bệnh 5 người trong một gia đình tại huyện Nghi Xuân, làm nghề bán cá ở chợ Quang Trung (TP.Vinh) và chùm ca bệnh tại thị xã Hồng Lĩnh trước đó cũng có triệu chứng ho, sốt và đều tự mua thuốc về uống, điều trị sau đó không khỏi mới thực hiện test nhanh cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Như vậy, các bệnh nhân có triệu chứng ho, sốt đều dễ dàng mua thuốc điều trị ở các cửa hàng thuốc mà không có sự hướng dẫn, thông báo của các chủ hiệu thuốc cho cơ quan chức năng khiến nguy cơ lây nhiễm dịch trong cộng đồng.
Sau chùm ca nhiễm liên quan vợ chồng doanh nhân Bình Dương vào hồi đầu tháng 6, Hà Tĩnh đã rất nỗ lực để nhanh chóng dập được dịch. Tuy nhiên, sự thiếu ý thức cùa một số cá nhân, tập thể đã khiến tỉnh này phải bắt đầu với "cuộc chiến" mới khi các ca cộng đồng liên tục tăng. |
Trước tình hình này, ban Thường vụ tỉnh ủy Hà Tĩnh vừa có chỉ đạo ban Thường vụ cấp ủy, UBND, ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp huyện phải siết chặt quản lý việc thực hiện quy định phòng, chống dịch tại các cơ sở bán thuốc chữa bệnh.
“Trường hợp nhà thuốc không thực hiện nghiêm túc việc ghi chép thông tin khách hàng, không báo cho ngành chức năng và chính quyền địa phương các trường hợp ho, sốt đi mua thuốc, để dịch lây lan ra cộng đồng thì xem xét rút giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật” kết luận của ban thường vụ tỉnh ủy Hà Tĩnh nêu rõ.
Ngoài ra, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Địa phương nào để dịch bùng phát do chủ quan, chỉ đạo thiếu quyết liệt, kịp thời, sâu sát thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.
Theo Người Đưa Tin