Hà Nội, Thứ Năm Ngày 25/04/2024

Luật Sở hữu trí tuệ soi chiếu vào Bảng xếp hạng âm nhạc Việt

người đưa tin 19:55 06/08/2021

Khi sử dụng các nền tảng nhạc số của nước ngoài như Spotify, Apple Music... hay theo dõi bảng xếp hạng (BXH) âm nhạc danh giá như Billboard (Mỹ), Gaon (Hàn Quốc) hay Oricon (Nhật Bản) chợt ngậm ngùi.

Tại sao trên thị trường âm nhạc Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có một BXH âm nhạc chính thức và có đủ độ uy tín?

Bảng xếp hạng chỉ là … ao làng

Phải khẳng định rằng, trong hơn 10 năm trở lại đây, chúng ta đã có những nền tảng nhạc số trên các nền tảng điện tử. Có thể kể đến như Zing, NhacCuaTui, Keeng.vn... Đồng thời, chính những “ông lớn” nhạc số nước ngoài nhảy vào thị trường Việt Nam như Spotify, Apple Music... cũng đã làm cho bản đồ thị trường âm nhạc Việt Nam trở nên phong phú và đa dạng hơn rất nhiều. Thị trường nhạc số phát triển sẽ tạo điều kiện và nhu cầu để hàng loạt BXH âm nhạc mọc lên như “nấm sau mưa”.

Đến nay, vẫn chỉ có Spotify hay Apple Music vươn lên, trở thành nhưng “ông lớn” trong các BXH âm nhạc trên toàn cầu. Còn ở Việt Nam không ít người còn nghi ngại BXH đã thực sự tạo được uy tín để làm thước đo đánh giá chất lượng sản phẩm âm nhạc?

Nhìn vào các BXH âm nhạc tại Việt Nam, chúng ta cần phải nhìn nhận rằng chính sự đa dạng của các BXH âm nhạc trên thị trường Việt Nam hiện nay đang tạo nên cục diện “chia năm xẻ bảy”. Điều này, khiến các BXH bị phân tán khi các ca khúc lọt top xếp hạng bỗng xuất hiện nhiều cái tên không phải ai cũng biết, thậm chí quá xa lạ với các nhóm công chúng yêu nhạc.

Tuần đầu tháng Tám, top 10 BXH #Zingchart (Zing MP3) trong tuần gần đây đang thuộc về các ca khúc như: Có hẹn với thanh xuân (MONSTAR), Sầu tương tư (Nhật Phong), Cô đơn dành cho ai (Lofi Version) (Lee Ken, Nal), Lỗi tại anh (Alex Lam), Yêu một người gian dối (Như Việt, Thương Võ, ACV)... Trong khi đó, top 10 BXH NhacCuaTui tính theo tuần thuộc về những cái tên như Thê lương (Phúc Chính), Muộn rồi mà sao còn (Sơn Tùng M-TP), Sài Gòn đau lòng quá (Hứa Kim Tuyền, Hoàng Duyên), Nắm đôi bàn tay (Kay Trần), Phận duyên lỡ làng (Phát Huy T4, Truzg)...

Thực tế mỗi BXH có tiêu chí đánh giá khác nhau, ngoài việc đều dựa vào số lượt nghe, tải chỉ trên trang web nghe nhạc. Cụ thể, BXH trên NhacCuaTui cập nhật vào thứ Hai hàng tuần dựa trên số liệu thống kê thực tế trên desktop và mobile của trang nhạc này, trong khi BXH #Zingchart thì căn cứ vào số lượng người nghe thực theo giờ trên hệ thống Zing MP3.

Trong BXH chỉ có vài gương mặt quen thuộc như SơnTùng M-TP, Kay Trần, Lê Bảo Bình, MONSTAR hay Mr.Siro..., còn lại tất cả đều là những gương mặt lạ hoắc. Không phủ nhận một điều rằng mỗi người có một gu âm nhạc riêng, nhưng ở đây, rõ ràng việc những gương mặt trẻ lần đầu xuất hiện trên các BXH cũng đặt ra cho chúng ta nhiều nghi vấn.

Đó là chưa kể hiện tại, ở Việt Nam, người nghe nhạc đang hiểu nhẩm rằng “YouTube Trending” là một BXH âm nhạc. Nhưng thực tế, YouTube Trending chỉ là một công cụ để tính lượt người truy cập vào MV để thưởng thức sản phẩm đó, chứ hoàn toàn không có một tiêu chí đánh giá cụ thể nào về chuyên môn, mà cụ thể ở đây là âm nhạc (Có thể hiểu YouTube Trending giống như việc bạn click chuột vào một bài báo, từ đó biên tập tính “lượt truy cập” vào trang để tính tiền nhuận bút cho bài viết).

Ngoài sự hỗn độn về tiêu chí đánh giá, BXH âm nhạc Việt đang ở trong tình trạng không thống nhất trong việc đăng ký bản quyền đối với các tác giả. Trải qua hơn 10 năm, BXH âm nhạc Việt vẫn ở trong tình trạng đơn lẻ, không đáng tin cậy.

Trong khi đó để tạo ra uy tín phần lớn, những BXH trên thế giới được xếp dựa trên thống kê của một hệ thống kiểm toán riêng ở ba lĩnh vực: Số lượng băng đĩa bán ra trên toàn thế giới, số lần phát trên sóng phát thanh và số lượng mua ca khúc trên mạng. Điều đó giúp phản ánh rõ nét sự thành - bại của mỗi sản phẩm ca nhạc do nghệ sĩ phát hành.

Và, vấn đề bản quyền

Ngoài việc không thể đưa ra được một tiêu chí chung nhất để đánh giá, chủ yếu lấy tiêu chí là từ lượt nghe/tải nội bộ, thì chính việc không có một hệ thống chuyên nghiệp để xử lý vấn đề bản quyền đã góp phần làm cho các BXH âm nhạc này ngày càng mất đi độ uy tín, đồng thời “giết chết” động lực của những người sáng tác.

Trong quá trình sử dụng các ứng dụng nghe nhạc như NhacCuaTui hay Zing MP3, người yêu nhạc muốn nghe các sản phẩm âm nhạc của nước ngoài như nhạc Âu Mỹ hay nhạc Hàn Quốc, khách hàng bắt buộc phải đăng ký gói VIP, được chia thành ba hạng chủ yếu. Đó là theo tuần, theo tháng và theo năm. Số tiền này đối với nhu cầu của người nghe nhạc hiện nay là có thể đủ để chi trả tiền bản quyền cho tác giả. Nhưng hãy thử đặt ra trường hợp nếu số tiền này không đủ để chi trả cho tác giả thì vấn đề gì sẽ phát sinh?

Trong khi đó, các sản phẩm âm nhạc Việt Nam gần như là được các ứng dụng nghe nhạc này “cho không” khách hàng. Chỉ cần mất vài giây xem quảng cáo, cộng thêm vài giây tải nhạc về máy, người yêu nhạc đã tải ngay một sản phẩm âm nhạc về các thiết bị khác nhau.Vậy thử hỏi, số tiền mà các nghệ sĩ Việt Nam kiếm được là dựa vào đâu?

Trong chương trình Dustin On The Go, nghệ sĩ Rhymastic chia sẻ: “...Nguồn thu nhập của chúng tôi có từ nhiều phía. Hàng tháng, chúng tôi nhận được nguồn thu nhập từ các platforms như YouTube hay Spotify, nhưng sẽ không nhiều bằng việc thực hiện các dự án âm nhạc bên ngoài” (mà ở đây là chủ yếu đến từ những Hợp đồng quảng cáo).

Trái lại, để có thể xoay vòng vốn nhanh và hiệu quả, các nghệ sĩ Việt Nam thường sẽ chú tâm vào việc ra các single nhiều hơn là đầu tư để làm một album như các nghệ sĩ nước ngoài. Do đó, rất ít khi chúng ta thấy một nghệ sĩ Việt Nam ra sản phẩm album.

Đọc Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019), rõ ràng là chúng ta thấy pháp luật đã quy định một cách rất chặt chẽ về vấn đề quyền tác giả. Thậm chí, Điều 28 của Luật cũng đã nêu rõ các hành vi xâm phạm quyền tác giả cũng như Nghị định 131/2013/NĐ-CP cũng đã quy định rõ ràng về các mức xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan. Tuy nhiên, các hành vi vi phạm vẫn xảy ra thường xuyên mà không có một biện pháp xử lý cứng rắn nào được đưa ra.

Thời đại công nghệ số, nếu người ta có thể chỉ cần vài phút để tạo tài khoản, thì cũng chỉ cần có vài giây để làm cho tài khoản này “biến mất”. Hoặc là những kẻ vi phạm sẽ tạo nguồn link lấy từ nước ngoài, mà nếu chỉ bắt đối tương thông qua nhận diện ở trên mạng thì đó là một nhiệm vụ “bất khả thi”. Điều này đã làm khó cho các cơ quan chức năng thực hiện bảo vệ quyền tác giả.

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/luat-so-huu-tri-tue-soi-chieu-vao-bang-xep-hang-am-nhac-viet-a523253.html

Bạn đang đọc bài viết Luật Sở hữu trí tuệ soi chiếu vào Bảng xếp hạng âm nhạc Việt tại chuyên mục Pháp luật. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Pháp luật