Biến đổi khí hậu đáng sợ hơn đại dịch toàn cầu
Một báo cáo về môi trường của Liên hợp quốc công bố ngày 15/2 cho biết tình trạng ô nhiễm môi trường đang gây ra nhiều ca tử vong trên toàn cầu hơn so với dịch Covid-19, đồng thời kêu gọi "hành động ngay lập tức" nhằm cấm một số hóa chất độc hại.
Theo báo cáo, tình trạng ô nhiễm từ thuốc trừ sâu, rác thải nhựa và điện tử đang gây ra ít nhất 9 triệu ca tử vong sớm mỗi năm.
Tuy nhiên, vấn đề này hầu như không được chú ý tới. Trong khi đó, theo website tổng hợp dữ liệu worldometers.info, đại dịch Covid-19 bùng phát từ cuối năm 2019 đến nay gây ra gần 5,9 triệu ca tử vong.
Tác giả của báo cáo, ông David Boyd, báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc, nêu rõ: "Các cách tiếp cận hiện nay để quản lý rủi ro do ô nhiễm và các chất độc hại gây ra rõ ràng đang thất bại, dẫn đến việc vi phạm rộng rãi quyền có một môi trường trong sạch, lành mạnh và bền vững của con người.”
Báo cáo này dự kiến sẽ được trình bày vào tháng 3 tới trước Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, tổ chức đã tuyên bố môi trường trong sạch là một trong những quyền của con người.
Tổ chức này cũng kêu gọi cấm sử dụng polyfluoroalkyl và perfluoroalkyl, những chất hóa học được dùng trong các sản phẩm gia dụng, vì có liên quan đến bệnh ung thư và không dễ bị phân hủy.
Báo cáo cũng đề nghị các nước làm sạch các địa điểm ô nhiễm và tái định cư các cộng đồng sinh sống tại những nơi bị ô nhiễm nặng đến mức không thể ở được.
Dồn lực cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu
Ngày 14/2, Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) Hoesung Lee khẳng định nỗ lực của các nước trên thế giới nhằm làm chậm lại tốc độ nóng lên của Trái Đất, đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu chưa bao giờ mạnh mẽ như hiện nay.
Ông Hoesung Lee cho rằng hơn bao giờ hết các nước cần chú trọng đến những nội dung sẽ được nêu trong bản đánh giá thứ hai mà IPCC sẽ công bố trong ngày 28/2.
Đây là phần thứ hai trong báo cáo IPCC về tác động của tình trạng biến đổi khí hậu trong quá khứ, hiện tại và dự báo tương lai.
Thế giới đang chứng kiến nhiều giống loài tuyệt chủng hoặc bên bờ tuyệt chủng, hệ sinh thái sụp đổ, các dịch bệnh truyền nhiễm bắt nguồn từ côn trùng, các đợt nắng nóng gây hậu quả thảm khốc, tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt và giảm năng suất mùa màng xảy ra ngày càng tồi tệ do nhiệt độ Trái Đất tăng.
Năm 2021 ghi nhận những hình thái thời tiết cực đoan như siêu bão gây lũ lụt trên diện rộng, sóng nhiệt và cháy rừng nghiêm trọng chưa từng thấy ở cả 4 lục địa.
Phần thứ 2 của báo cáo do IPCC thực hiện dự báo tất cả những hình thái thời tiết này đều tăng trong những thập kỷ tới kể cả khi vấn nạn ô nhiễm khí thải carbon, vốn đang chi phối tình trạng biến đổi khí hậu, được các nước tập trung giải quyết và đạt hiệu quả.
Hãng tin AFP của Pháp dẫn một phần nội dung đánh giá mà IPCC chuẩn bị công bố, trong đó có đoạn nhấn mạnh tính cấp thiết của việc con người cần chuẩn bị "thích ứng" với những thay đổi khí hậu, đồng nghĩa rằng phải chuẩn bị cho những hậu quả thảm khốc khó tránh khỏi như những ngày nắng nóng vượt ngưỡng chịu đựng, lũ quét và bão lũ đe dọa sự tồn vong của con người.
Giám đốc phụ trách chính sách năng lượng và khí hậu của Liên minh Các nhà khoa học Mỹ, bà Rachel Cleetus, đánh giá hiện là thời điểm hết sức đặc biệt, không phải chỉ vì ngày càng nhiều dự báo khoa học cảnh báo một tương lai ảm đạm mà còn vì thế giới đã và đang trải qua những hình thái thời tiết cực đoan, những đợt thiên tai có sức tàn phá lớn xuất hiện ngày càng nhiều.
Giám đốc Chương trình Môi trường Liên hợp quốc Inger Andersen lưu ý rằng biến đổi khí hậu có nguy cơ trở thành nguyên nhân chính làm giảm số lượng các loài trên Trái Đất.
Đây là bản báo cáo đánh giá thứ 6 mà IPCC công bố kể từ năm 1990. Báo cáo gồm 3 phần và mỗi phần do một nhóm chuyên gia gồm hàng trăm nhà khoa học trên thế giới tự nguyện tham gia nghiên cứu.
Hồi tháng 8/2021, IPCC đã công bố phần đầu tiên trên cơ sở nghiên cứu khoa học vật lý chỉ ra rằng nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng vượt mức 1,5 độ C (so với thời kỳ trước cách mạng công nghiệp) trong vòng một thập kỷ tới và bề mặt Trái Đất đã nóng lên 1,1 độ C so với mức ghi nhận vào thế kỷ 19.
Điều này chỉ ra rằng mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký kết năm 2015 sẽ khó đạt được.
Các nước cam kết cắt giảm khí thải để hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 2 độ C so với thời kỳ trước cách mạng công nghiệp, lý tưởng nhất là ở 1,5 độ C.
Trong khi đó, đại diện Liên hợp quốc ông Michelle Bachelet đã gọi các mối đe dọa về môi trường là thách thức lớn nhất với các quyền toàn cầu và ngày càng có nhiều vụ kiện đòi nhân quyền thành công liên quan tới ô nhiễm môi trường trên thế giới.