Theo đó, Phó Thủ tướng đánh giá, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, đặc biệt quan trọng, nhạy cảm, dễ ảnh hưởng đến tâm lý người dân, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, phải được quản lý, điều tiết một cách khoa học, chặt chẽ.
Lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra một số cây xăng. Ảnh HN
Phó Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ đã ban hành nhiều công cụ quản lý, các cơ chế chính sách pháp luật và giao Bộ Công Thương "đủ thẩm quyền" để chủ động điều hành thị trường xăng dầu, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu xăng dầu cho sản xuất và tiêu dùng.
"Việc để một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, không bán hàng, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của nhân dân tại một số địa phương như phản ánh của dư luận trong thời gian qua thuộc trách nhiệm chỉ đạo, điều hành của Bộ Công Thương" - Phó Thủ tướng nêu rõ ý quan trọng về trách nhiệm.
Về giải pháp khắc phục, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương cần chủ động bám sát tình hình thực tiễn, sát sao hơn trong chỉ đạo điều hành để xử lý kịp thời các tình huống phát sinh, bảo đảm không để thiếu hụt xăng dầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.
Trước tình trạng một số cây xăng dừng bán hàng, Bộ cần chỉ đạo thanh tra, kiểm tra ngay đối với các đơn vị liên quan đến cung ứng, phân phối xăng dầu, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa, tạm ngưng hoạt động trong thời gian qua để phát hiện, xử lý nghiêm hành vi găm hàng nhằm trục lợi và các vi phạm khác, nếu có trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh xăng dầu chi tiết, sát với thực tiễn; cân đối nguồn xăng dầu nhập khẩu và sản xuất trong nước để đảm bảo chủ động, kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Về giải pháp dài hơi, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì rà soát các quy định về thuế, phí, tính toán lại mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu cho phù hợp với tình hình thực tế nhằm đảm bảo tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và người tiêu dùng, doanh nghiệp.
Những ngày qua, với lý do hết xăng, nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại các địa phương như An Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, TP.HCM... đồng loạt tạm ngừng hoạt động.
Về vấn đề này, trong cuộc họp tại Văn phòng Chính phủ ngày 8-2, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hầu hết cửa hàng xăng dầu ngừng bán hàng do lấy nguồn hàng từ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhỏ. Ngoài ra, một số doanh nghiệp có hiện tượng hạn chế bán hàng ra để chờ tăng giá.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cũng cho hay với nhu cầu khoảng 1,8-2 triệu m3 xăng dầu các loại/tháng, nguồn cung đáp ứng nhu cầu thị trường trong tháng 2-2022.
Tuy nhiên, từ tháng 3, nguồn cung có thể giảm, lượng tồn kho thấp so với các tháng thông thường.
Để đảm bảo nguồn cung, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã có kế hoạch sẽ chạy đủ 100% công suất từ 15-3-2022. Hiện, các thương nhân đầu mối cũng đã có kế hoạch nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước (nếu Nhà máy lọc dầu Nghị Sơn không bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất như kế hoạch). Tổng công ty dầu Việt Nam (PVOil), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã có kế hoạch nhập khẩu tăng thêm.