Những cá thể tê tê được cứu hộ kịp thời nhờ tin báo của cộng đồng. (Ảnh: Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường) |
Trong năm 2019, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên đã ghi nhận 1.777 vụ vi phạm về động vật hoang dã mới, trong đó có 146 vụ vận chuyển, 979 vụ mua bán, quảng cáo và 610 vụ nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã (trong đó 290 vụ liên quan đến gấu, 232 vụ liên quan đến hổ).
Gần 600 vụ vi phạm là do người dân phát hiện và trực tiếp thông báo đến Trung tâm qua số điện thoại miễn phí 18001522 và email [email protected] đã được xử lý thành công.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng còn tịch thu 321 động vật hoang dã còn sống sau khi tiếp nhận thông tin do người dân tự nguyện chuyển giao.
Theo Trung tâm Giáo dục thiên nhiên, mức phạt tù do mua bán, vận chuyển, nuôi nhốt động vật hoang dã đã tăng dần so với các năm trước đây.
Tháng 3/2019, đối tượng Trần Tuấn Anh (trú ở Nam Định) bị phạt 11 năm 6 tháng tù vì vận chuyển trái phép 10 con rái cá vuốt bé.
Cuối tháng 5/2019, đối tượng Nguyễn Đức Thịnh (trú ở huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) bị Tòa án nhân dân thành phố Đông Hà tuyên 15 tháng tù treo vì hành vi buôn bán 8 móng gấu trên mạng xã hội.
Trong tháng 10/2019, Tòa án Nhân dân huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An) đã tuyên phạt 2 đối tượng Hồ Minh Đức (28 tuổi, trú ở Kon Tum) và Bùi Đức Hùng (39 tuổi, trú ở Thái Nguyên) mức án lần lượt là 5 năm và 5 năm 6 tháng tù tội vận chuyển 7 con tê tê Java.
Tòa án Nhân dân quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã tuyên phạt Lê Thế Cường 24 tháng tù giam và Huỳnh Chiến Thắng 18 tháng tù giam vì hành vi buôn bán trái phép 4,44kg ngà voi.
Tháng 11/2019, đối tượng Phạm Bá Kim (trú ở Quảng Ninh) bị phạt 13 năm tù vì nuôi, nhốt, tàng trữ, buôn bán trái phép 145 cá thể tê tê Java, 7kg vảy tê tê Java và 71,4kg da voi.
Để bảo vệ các loài động vật hoang dã, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên kiến nghị cần tăng cường điều tra và xử lý nghiêm các đối tượng cầm đầu đường dây buôn bán động vật hoang dã trái phép; kiểm soát chặt chẽ việc nuôi thương mại động vật hoang dã, ngăn chặn tình trạng nhập lậu từ tự nhiên; gắn trách nhiệm chính quyền địa phương với việc kiểm soát và chấm dứt tình trạng tiêu thụ động vật hoang dã trái phép trên địa bàn.
Các cơ quan tư pháp cần áp dụng mức phạt nặng đối với các hành vi vi phạm để tạo tính răn đe.
Theo TTXVN/Vietnam+