Vừa qua, nhiều người không khỏi xúc động, khâm phục câu chuyện của sinh viên Lầu Mí Xá, dân tộc Mông, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đã dựng lán giữa rừng để bắt sóng 4G theo dõi các bài giảng trực tuyến khi phải nghỉ học để phòng, chống dịch Covid 19. Nhưng qua câu chuyện này cũng cho thấy, việc học trực tuyến qua mạng Internet hay qua các kênh truyền hình cũng không phải là điều đơn giản đối với học sinh, sinh viên tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Những ngày nghỉ học do dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, Ngô Lệ Hoa, học sinh lớp 8 trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng cùng em trai đều tạm gác lại việc học tập. Công việc của 2 chị em là phụ giúp bố mẹ làm nương rẫy. Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương học trực tuyến, ước mơ nghe giảng bài của em càng khó thực hiện bởi lấy đâu ra máy tính, các thiết bị để hỗ trợ học hành.
Những ngày nghỉ của các em học sinh vùng cao tại Cao Bằng chủ yếu là phụ giúp bố mẹ làm việc nhà. |
"Nghỉ học lâu, hằng ngày em giúp gia đình làm việc và đi giúp các cô, các bác vun ngô, vì nhà em không đủ điều kiện, máy tính em không có, còn điện thoại, thiết bị thông minh cũng không đầy đủ. Em mong muốn dịch qua nhanh để em được đi học trở lại", Hoa nói.
Thêm vào đó là ý thức tự giác học của nhiều em chưa cao nên việc học qua truyền hình hay học trực tuyến không phải là dễ, kể cả với những gia đình có máy thu hình.
Ông Nông Văn Hiển, phụ huynh ở xóm Phan Thanh, xã Quang Trung, huyện Hòa An cho biết: "Gia đình có nhắc nhưng hầu như các cháu không học, chủ yếu ngày nghỉ chơi điện tử. Cũng thấy Đài, báo nói đến là một số chương trình học qua TV, qua mạng nhưng chúng tôi cũng không biết là chương trình nào nên không biết để mở cho các con xem".
Cô giáo Trương Thúy Bình, Hiệu trưởng trường Tiểu học và Trung học cơ sở bán trú Quang Trung cho rằng, việc học trực tuyến với nhà trường là không khả thi. Hiện nhà trường cũng chỉ có thể cho học sinh ôn tập thông qua các chương trình do giáo viên soạn sẵn từ trước và gửi đến từng em học sinh: "Trường chúng tôi nằm ở xã vùng 3, là xã rất khó khăn với tỉ lệ học sinh là người dân tộc thiểu số chiếm đến trên 80%, phương tiện cho học sinh học trực tuyến cũng thiếu thốn. Đặc biệt là cơ sở vật chất của nhà trường không đáp ứng được, về phía học sinh và phụ huynh học sinh thì phương tiện để học cũng không có".
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có 40 trường THPT, trên 530 trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, tuy vậy, phần lớn các trường đều ở vùng sâu, vùng xa. Địa phương cũng đã phối hợp với một số nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hướng dẫn cho giáo viên, học sinh các bài giảng trực tuyến cũng như các kênh truyền hình.
Tuy nhiên, ông Vũ Văn Dương, Giám đốc Sở GD-ĐT Cao Bằng cũng thừa nhận, hiện không chỉ học sinh mà ngay cả với các giáo viên, việc tiếp cận hình thức dạy học trực tuyến cũng không dễ dàng: "Về cơ sở vật chất để triển khai học trực tuyến như đường truyền internet, trang thiết bị dạy học thì nhiều trường gặp khó khăn, nhất là các trường ở vùng sâu vùng xa. Hai nữa với giáo viên là thiếu phương tiện dạy học trực tuyến, chỉ có một số trường học ở trung tâm thì giáo viên mới có một số thiết bị như máy tính cá nhân, đường truyền và Sở cũng chưa có tập huấn bồi dưỡng kỹ năng cho các thầy cô về dạy học trực tuyến".
Cũng có một thực tế, nhiều gia đình có điện thoại thông minh và máy tính kết nối internet nhưng việc học trực tuyến ở nhiều vùng nông thôn vẫn chưa cho thấy hiệu quả. Tại tỉnh Bắc Kạn, ngành giáo dục đã triển khai, tập huấn sử dụng phần mềm học trực tuyến đến các trường, với nội dung chủ yếu là ôn tập cho các em từ lớp 1 đến lớp 9. Bên cạnh một số trường ở trung tâm thành phố, thị trấn thực hiện khá tốt thì vẫn có một số trường vùng cao chưa thể triển khai. Theo số liệu thống kê của Sở GD-ĐT Bắc Kạn, tỷ lệ học sinh tham gia học trực tuyến trên một ứng dụng do đơn vị quản lý chỉ khoảng 17%.
Bà Đào Thị Mai Sen, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Kạn cho biết: "Hiện nay chưa giám sát được chất lượng mà chỉ giám sát được số lượng học sinh vào học. Với học sinh vùng sâu, vùng xa nên học trực tuyến không dễ vì thiếu điện thoại thông minh, thiếu TV và việc giám sát của cha mẹ cũng khó. Bên cạnh đó, học sinh ở vùng sâu, vùng xa thường sống rải rác, nên việc đến từng nhà các em để kiểm tra, giám sát, giao bài cũng rất khó.
Có thể thấy, để việc học trực tuyến đạt kết quả như mong muốn, bên cạnh việc đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật thì cũng rất cần ý thức tự giác của các em học sinh và cần hơn nữa sự quan tâm nhắc nhở, giám sát của các bậc cha mẹ với việc học của con em mình./.
Theo VOV