Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 07/09/2024

Phải xử nghiêm giám đốc CDC lợi dụng dịch Covid-19 để trục lợi

TDVN 18:10 23/04/2020

“Một người làm nghề y, đứng đầu cơ quan y tế dự phòng mà lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, vơ vét cho bản thân, đó là bất nhân, bất nghĩa", đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nói.

Chia sẻ quan điểm với Zing trước sự việc Bộ Công an vừa khởi tố, bắt giam Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) Nguyễn Nhật Cảm và những người liên quan, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng sai phạm xảy ra trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành “càng khó chấp nhận”.

Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03), quá trình điều tra bước đầu xác định các đối tượng đã câu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm Hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm COVID-19 gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.

“Con sâu làm rầu nồi canh”
“Nhận được tin, tôi sốc và buồn” - đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (nguyên Giám đốc Viện Huyết học - truyền máu Trung ương) chia sẻ cảm xúc khi tiếp nhận thông tin Giám đốc CDC Hà Nội bị bắt.

Ông Trí nói đó là người đồng nghiệp, đàn em của mình nên “không dám tin vào sự thật”.

“Đây là một giai đoạn rất đặc biệt. Trong khi cả nước chung sức đồng lòng chống dịch, có rất nhiều tấm gương, hình ảnh cảm động, vậy mà lại xảy ra câu chuyện gian lận, tham nhũng này”, ông nói.

Phai xu nghiem giam doc CDC loi dung dich Covid-19 de truc loi hinh anh 1 Dai_bieu_Tri_Zing_1.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (nguyên Giám đốc Viện Huyết học - truyền máu Trung ương) cho rằng sự việc ở CDC Hà Nội là "con sâu làm rầu nồi canh". Ảnh: T. Quang.
Điều đáng buồn hơn, người có sai phạm lại là một lãnh đạo công tác trong ngành y tế dự phòng - một lĩnh vực giữ vai trò quan trọng, quyết định trong phòng, chống dịch bệnh.

Theo đại biểu Trí, trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, Việt Nam đã thành công ở tất cả các góc độ: Phòng dịch, ngăn chặn dịch, điều trị khỏi cho các ca nhiễm. Qua đợt chống dịch Covid-19 này cho thấy sự đồng lòng, quyết tâm của cả nước, ai cũng cố gắng làm những điều tốt nhất để đóng góp công sức, từ người dân đến các lực lượng như công an, quân đội, đặc biệt, là y tế.

Dưới góc độ của người công tác trong ngành y, ông Trí đánh giá rất cao việc y tế Việt Nam đã có 2 thành công lớn, đó là sớm phân lập được virus gây dịch và sản xuất được bộ kit để chẩn đoán theo nguyên lý công nghệ cao.

Bên cạnh đó, các tổ chức CDC trên cả nước làm rất tốt công tác phòng dịch và chống dịch. Đặc biệt, hệ thống CDC rất thành công trong việc làm xét nghiệm - một công tác quyết định thắng bại của chiến dịch phòng chống Covid-19.

Theo ông Trí, cán bộ hay lãnh đạo làm sai đều phải bị xử lý thích đáng theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh này mà sai phạm, càng phải xử nghiêm.

Song, ông cũng mong tất cả đơn vị, cá nhân và người dân không vì những sai phạm này mà phủ nhận những công sức, đóng góp rất lớn của ngành y tế trong suốt thời gian qua. Bởi những sự việc như thế này, ông Trí cho rằng chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”.

Xem xét trách nhiệm giám sát, quản lý
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nhận định hành vi của Giám đốc CDC Hà Nội và các đồng phạm trong việc nâng khống giá thiết bị y tế phòng dịch là việc làm vi phạm nghiêm trọng cả về pháp luật và đạo đức.

“Một người làm nghề y, đứng đầu cơ quan y tế dự phòng mà lại lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, vơ vét cho bản thân, đó là một điều bất nhân, bất nghĩa. Bởi nó có thể đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của toàn dân”, ông Vân nêu quan điểm.

Phai xu nghiem giam doc CDC loi dung dich Covid-19 de truc loi hinh anh 2 van_zing_1.jpg
Theo đại biểu Lê Thanh Vân, trục lợi dịch bệnh để gian lận là ăn trên nỗi đau của toàn xã hội. Ảnh: H. Vũ.
Ở khía cạnh khác, ông Vân cho rằng hành vi này là bòn rút tài sản của Nhà nước, của nhân dân. Trong khi cả nước đang căng mình chống dịch, dồn mọi sức lực, nguồn lực cho công tác này thì hành vi của những người cán bộ trên là “lợi dụng dịch bệnh để ăn trên nỗi đau của toàn xã hội”. Vì vậy, cần phải xử lý nghiêm.

Đại biểu Lê Thanh Vân đánh giá trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 vừa qua, cả hệ thống chính trị và toàn dân đã được huy động vào cuộc, tập trung rất cao độ cho nhiệm vụ này. Nhưng không thể vì thế mà bỏ quên, lơ là các công việc khác, ví dụ như việc kiểm tra, giám sát chi tiêu ngân sách cho các hoạt động thường xuyên, đặc biệt là với nhiệm vụ mua sắm trang thiết bị y tế để phòng, chống dịch.

“Mọi hoạt động dù cấp bách hay thường xuyên vẫn phải đảm bảo quy định của pháp luật. Nhất là trong việc mua sắm bằng ngân sách, phải đảm bảo nguyên tắc đấu giá, đấu thầu, xác minh thông tin giá thành, nguồn gốc tài sản. Đặc biệt, luôn phải có kiểm soát chặt chẽ, không thể vì tập trung chống dịch mà bỏ qua”, đại biểu Vân lưu ý.

Theo ông, phải tiếp tục làm rõ có hay không sự buông lỏng quản lý của các cơ quan có trách nhiệm khảo sát, đánh giá giá trị thiết bị y tế. Những vi phạm này xảy ra do sự thờ ơ, buông lỏng hay có thông đồng, cấu kết, tranh thủ khi tất cả đang tập trung chống dịch để làm bậy.

Từ vụ việc cụ thể được phát hiện ở Hà Nội, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng cần làm rõ ở các địa phương khác - nơi có các hoạt động mua sắm tương tự vì không loại trừ còn tình trạng này xảy ra.

“Sự việc ở CDC Hà Nội cho thấy trong lúc cả nước lo chống dịch, vẫn có những cán bộ đục nước béo cò, mưu cầu lợi ích cá nhân, cố ý làm trái để trục lợi”, ông Vân nói, đồng thời cảnh báo phải xử nghiêm, để sắp tới ngăn chặn tiêu cực trong triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ cho những người bị tác động bởi dịch bệnh.

Phai xu nghiem giam doc CDC loi dung dich Covid-19 de truc loi hinh anh 3 hoa_zing_1.jpg
Ủy viên Ủy ban Pháp luật Phạm Văn Hòa đề nghị xử nghiêm vụ việc để răn đe, cảnh tỉnh cho những cán bộ chỉ muốn vun vén lợi ích cá nhân. Ảnh: Hải Quân.
Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Tháp Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật, chia sẻ bức xúc khi đại dịch Covid-19 gây tổn hại lớn cho nền kinh tế và ngân sách quốc gia, làm xáo trộn đời sống, đe doạ tính mạng người dân, lại xảy ra tiêu cực, gian lận.

“Trong khi tất cả người dân còn có ý thức chấp hành mọi quy định, người cán bộ lại có việc làm phi đạo đức là nâng khống giá thiết bị phòng dịch, hòng đem lại lợi ích riêng tư. Trong khi Trung ương chi ngân sách, các tỉnh cũng phải trích ngân sách, rồi toàn dân cùng đóng góp tiền để chống dịch, thì họ lại bòn rút những đồng tiền ấy. Đó là việc không thể chấp nhận”, ông Hòa nói.

Vị đại biểu này đánh giá cao những đóng góp của ngành y tế trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Những cán bộ y tế là các y bác sĩ nơi tuyến đầu trên mặt trận chống dịch, họ quên đi sức khỏe, an toàn của bản thân, chấp nhận rủi ro để điều trị cho những người nhiễm Covid-19. Đáng ra, ở tuyến dưới là y tế dự phòng - nơi được coi là hậu cần, phải hỗ trợ cho tuyến đầu, nhưng họ lại tìm cách ăn chặn ngân sách từ chính những thiết bị để phòng chống dịch.

Theo ông Hòa, phải xử nghiêm để răn đe, cảnh tỉnh cho những người lợi dụng vị trí công tác của mình để vun vén cho cá nhân.

Nhắc lại nhiều lùm xùm của ngành y tế thời gian qua liên quan đến thuốc giả, khai khống giá thiết bị y tế, nhập thiết bị kém chất lượng… ông Hòa đề nghị cần có kiểm soát, giám sát chặt chẽ hơn trong lĩnh vực này.

7 bị can về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng gồm:

1. Nguyễn Nhật Cảm (57 tuổi, Giám đốc CDC Hà Nội)

2. Nguyễn Vũ Hà Thanh (41 tuổi, Trưởng phòng Tài chính kế toán CDC Hà Nội)

3. Đào Thế Vinh (45 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam)

4. Nguyễn Trần Duy (40 tuổi, Tổng giám đốc Công ty CP định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành)

5. Nguyễn Ngọc Nhất (34 tuổi, nhân viên Công ty TNHH phát triển khoa học Vitech)

6. Nguyễn Thanh Tuyền (35 tuổi, nhân viên Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông)

7. Lê Xuân Tuấn (38 tuổi, nhân viên Phòng Tài chính kế toán CDC Hà Nội).

Theo Zingnew

Link gốc : https://zingnews.vn/phai-xu-nghiem-giam-doc-cdc-loi-dung-dich-covid-19-de-truc-loi-post1076581.html

Bạn đang đọc bài viết Phải xử nghiêm giám đốc CDC lợi dụng dịch Covid-19 để trục lợi tại chuyên mục Vấn đề hôm nay. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Vấn đề hôm nay
Nhưng các viện nghiên cứu, các trường đại học, các giáo sư tiến sĩ, nghiên cứu sinh và sinh viên đã và đang làm gì cho xã hội thời gian qua, với thế mạnh tri thức của mình?