Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 20/04/2024

Trách nhiệm của trí thức

Nguyễn Triệu 06:04 23/04/2020

Nhưng các viện nghiên cứu, các trường đại học, các giáo sư tiến sĩ, nghiên cứu sinh và sinh viên đã và đang làm gì cho xã hội thời gian qua, với thế mạnh tri thức của mình?

Bức thư ngỏ gửi Tổng thổng Hoa Kỳ
Cuối tháng 3, Thomas Friedman - tác giả cuốn sách nổi tiếng 'Thế giới phẳng', nhà báo 3 lần đoạt giải Pulitzer,gửi thư ngỏ tới Tổng thống Donal Trump trên chuyên mục bình luận danh tiếng của The New York Times.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành trên toàn thế giới, Friedman vạch ra 1 chiến lược gồm 3 bước cho Tổng thống Mỹ. Với lời đề nghị khẩn khoản: Hãy lắng nghe khoa học.
Khoa học - với Friedman - là những nghiên cứu của các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực.
Như Tiến sĩ David Katz - chuyên gia y tế công cộng.
Như Tom Frieden, cựu giám đốc của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ.
Như Michael T. Osterholm, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách về Bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota - người đã cố gắng tạo ra các khảo sát trên diện rộng để cảnh báo về các nguy cơ và các điểm lây nhiễm cần khoanh vùng.
Và chính Thomas Friedman - với tư cách một cây viết am hiểu về kinh tế và toàn cầu hoá - đã vạch ra 1 kế hoạch gồm 3 bước để Tổng thống Trump điều hành (tất nhiên, nếu ngài Tổng thống chịu nghe theo). Bản kế hoạch này không chỉ tránh hoảng loạn cho nước Mỹ (ở thời điểm tháng 3 - khi dịch bệnh chưa bùng phát mạnh ở quốc gia này), mà còn tiên liệu đến việc khủng hoảng diện rộng, cũng như cách để nước Mỹ phục hồi.
Trách nhiệm của trí thức - ảnh 1

"Sự lãnh đạo của Ngài và tương lai trước mắt của nhân dân gắn bó chặt chẽ với nhau." - Thomas Friedman viết trong thư gửi Tổng thống Donal Trump

Đấy là cách hành xử một cách có trách nhiệm của trí thức.

Cũng như Huấn luyện viên Liverpool Jurgen Klopp - khi được hỏi về covid-19, ông cười: Việc người nổi tiếng nói ra ý kiến chẳng quan trọng gì cả. Chúng ta phải nói những vấn đề thuộc phạm trù mình biết, chứ không phải lấy một người không biết gì như tôi ra phỏng vấn. Một người có kiến thức về vấn đề này sẽ biết khuyên người khác làm thế này, thế kia, nhưng không phải một huấn luyện viên bóng đá. Tôi chỉ là một gã đội mũ bóng chày và râu ria lởm chởm.
Trí thức không nói cái mình không biết, nhưng phải nói cái mình biết nếu nó có ích cho cộng đồng.
Sự chậm trễ vì loay hoay với thực tế

Về chính sách kinh tế, Việt Nam có 1 tổ tư vấn cho Chính phủ và Thủ tướng, gồm 17 người, là các chuyên gia kinh tế hàng đầu đang làm việc ở trong và ngoài nước.
Có thể nhờ thế, các quyết sách trong thời gian chống dịch của Chính phủ và Thủ tướng là khá kịp thời. Chẳng hạn như Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 ra ngày 27/3. Hay gói cứu trợ 62.000 tỷ cho các đối tượng khó khăn, người nghèo trong xã hội.
Thế nhưng thực tế, các chính sách nhắm đến các đối tượng gặp khó khăn vì dịch Covid-19 vẫn triển khai rất chậm.
Cấp bách nhất, gói 62.000 tỷ, tiền thì đã có, nhưng lấy được thì rất khó. Ở Bắc Ninh chẳng hạn, các lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, Tài chính, Bảo hiểm xã hội… của tỉnh ngồi họp với nhau và thấy rằng trong 5-10 ngày, với các điều kiện này không thể xử lý hết được. Doanh nghiệp đưa lên, Sở Tài chính không dám thẩm định. Chưa kể, việc hướng dẫn không rõ sẽ khiến tình trạng mỗi nơi làm một kiểu. Họ đề nghị, Nghị quyết hướng dẫn triển khai cần phải cụ thể, khả thi và đơn giản các thủ tục.
“Đến bây giờ, sau gần 3 tháng tình hình dịch bệnh diễn ra, nhiều lao động mất việc đã bắt đầu không đủ sức cầm cự được nữa. Nghị quyết của Chính phủ ban hành gần 10 ngày rồi, các bộ, ngành cần sớm có hướng dẫn chi tiết để triển khai gói hỗ trợ. Người dân và các cơ quan ở dưới đang rất sốt ruột”, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội nói.
Còn bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, hiện các địa phương đã có danh sách của nhóm đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo. Nếu, Chính phủ ra Nghị quyết trong tuần này, ngay trong tháng 4, những đối tượng này có khả năng thụ hưởng chính sách. Còn những đối tượng như lao động không có hợp đồng, lao động tự do… phải chờ các đơn vị rà soát, thống kê nên sang tháng 5 có thể bắt đầu nhận được hỗ trợ.
Cho đến lúc này, bản dự thảo bổ sung đối tượng lần thứ... 3 đang được Bộ LĐ-TB&XH trình lên Chính phủ (!!!).

Trách nhiệm của trí thức - ảnh 2

Thực tế trong cuộc chiến chống dịch, các hoạt động tự phát của các tổ chức và cá nhân mặc dù nhỏ lẻ nhưng đã phát huy hiệu quả nhất định, hỗ trợ nhiều người khó khăn trong lúc cấp bách.
(Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN)

Trí thức - các anh ở đâu?

Để những quyết sách đúng và trúng, trúng rồi lại nhanh chóng triển khai, thì trước hết cần có những khảo sát cụ thể để đưa ra tham vấn.
Doanh nghiệp cần hỗ trợ, nhưng là doanh nghiệp nào, kinh doanh trong lĩnh vực gì, thiệt hại do dịch như thế nào, hỗ trợ theo dạng gì, bài toán phục hồi ra sao...?
Người dân khó khăn cần hỗ trợ, thuộc diện chính sách nào, sống ở nông thôn hay thành thị, đối mặt với khó khăn gì, cần hỗ trợ ra sao, có vướng mắc gì về thủ tục chính sách không?
Rồi học sinh, sinh viên và các thày cô giáo, các trường công lập lẫn tư thục, có gặp khó khăn gì và cần hỗ trợ như thế nào?
Hàng loạt câu hỏi đặt ra, mà để có câu trả lời, nhất thiết phải có những con số khảo sát, thống kê. Nhiệm vụ thống kê thì đã có Tổng cục thống kê, nhưng khảo sát lại là việc khác. Khảo sát, không chỉ để đưa ra các giả thuyết và chứng minh (hoặc phủ nhận), mà khảo sát trước hết là để có cái nhìn chân xác nhất về thực tế. Việc tiếp theo, là phân tích, nhận định, có cái nhìn tổng quan về thực tại, và đặt ra tầm nhìn xa cho hoạch định chiến lược lâu dài.
Việc đó, Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ không làm được.
Việc đó, báo chí có thể hỗ trợ việc phản ánh, thậm chí phân tích, nhưng đó vẫn chỉ là những ý kiến không có chuyên môn sâu và vì thế chỉ để tham khảo.

Đó là trách nhiệm của các viện nghiên cứu, các trường đại học với các chuyên gia và nghiên cứu sinh đông đảo, lại có chuyên môn. Nhưng các viện nghiên cứu, các trường đại học, các giáo sư tiến sĩ, nghiên cứu sinh và sinh viên đã và đang làm gì cho xã hội thời gian qua?
Xin để câu hỏi mở như vậy.
Trách nhiệm của trí thức - ảnh 3

Ảnh chụp trang chủ website của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương

Trách nhiệm của trí thức - ảnh 4

Ảnh chụp trang chủ website của Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam

Còn kèm theo đây là 2 bức ảnh chụp trang chủ của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương và Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam. Những thông tin về những công trình hoặc cũ kỹ hoặc cao xa, không liên quan gì tới thực tế nóng bỏng của đất nước. Bài năm nguyên ở trang nhất Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, là tin bổ nhiệm ngài chủ tịch viện, đã từ tháng 11 năm ngoái.

Theo Ngày Nay

Link gốc : trach-nhiem-cua-tri-thuc-

Bạn đang đọc bài viết Trách nhiệm của trí thức tại chuyên mục Vấn đề hôm nay. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Vấn đề hôm nay