Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, hôm 11/6 trích dẫn bình luận của ông Vadym Skibitsky, Phó Cục trưởng Cục tình báo thuộc Bộ Quốc phòng Ukraine, cho rằng Nga đang “điều chỉnh thêm các mục tiêu quân sự của mình trong nỗ lực sửa chữa những thiếu sót ban đầu” trong cuộc xung đột với Ukraine hiện đang ở tháng thứ tư và chưa có dấu hiệu kết thúc.
Ông Skibitsky cho biết, các quan chức tình báo Ukraine đã nhận được thông tin xác nhận rằng các lực lượng Nga đã lập kế hoạch giao tranh cho 120 ngày tới, khiến cuộc chiến có khả năng sẽ kéo dài ít nhất là tới tháng 10/2022, theo ISW.
Ông Skibitsky cho biết, các lực lượng Nga sẽ điều chỉnh kế hoạch giao tranh của mình tùy thuộc vào việc liệu họ có tiếp tục thành công ở Donbass hay không.
Thành phố Severodonetsk đứng trước nguy cơ bị cô lập
Các quan chức địa phương Ukraine hôm 12/6 đã cáo buộc các lực lượng Nga cho nổ tung một cây cầu nối thành phố Severodonetsk của Ukraine với thành phố Lysychansk bên kia sông Siverskyi Donets, cắt đứt con đường sơ tán dân thường.
Severodonetsk, trung tâm đô thị cuối cùng còn sót lại ở vùng Luhansk vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine, đã trở thành điểm nóng giao tranh khi Nga chuyển trọng tâm sang việc mở rộng quyền kiểm soát ở Donbass, miền Đông Ukraine, nơi các lực lượng ly khai thân Nga hoạt động từ năm 2014.
Nhiều phần của thành phố đã bị hủy hoại trong một số cuộc giao tranh đẫm máu nhất kể từ khi xung đột quân sự Nga-Ukraine bùng phát hôm 24/2.
Bản đồ đánh giá tình hình thực địa trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, tính đến ngày 12/6/2022. Nguồn: Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW). Đồ họa: Al Jazeera |
Các lực lượng Ukraine và Nga vẫn giao tranh trên đường phố ở Severodonetsk hôm 12/6, ông Serhiy Haidai, Thống đốc vùng Luhansk, cho biết.
Các lực lượng Nga đã chiếm được hầu hết thành phố, nhưng Quân đội Ukraine vẫn kiểm soát một khu công nghiệp và nhà máy hóa chất Azot, nơi hàng trăm thường dân đang trú ẩn, ông Haidai cho biết, đồng thời nói: “Khoảng 500 dân thường vẫn còn trên lãnh thổ của nhà máy Azot ở Severodonetsk, 40 trong số đó là trẻ em”.
"Tình hình ở Severodonetsk vô cùng khó khăn. Địch đã phá hủy cây cầu thứ hai dẫn đến trung tâm thành phố vào ban đêm", ông Haidai cho biết, đồng thời cáo buộc quân Nga đang nã pháo vào cây cầu thứ ba và cũng là cây cầu cuối cùng vào thành phố nhằm cô lập Severodonetsk.
"Nếu sau những đợt pháo kích mới mà cây cầu cuối cùng này bị sập, thành phố sẽ thực sự bị chia cắt. Sẽ không có cách nào để rời Severodonetsk bằng xe cộ", ông Haidai nói, đồng thời lưu ý rằng không có thỏa thuận ngừng bắn nào cũng như không có các hành lang sơ tán được thống nhất.
Reuters không thể xác nhận các lời tường thuật trên một cách độc lập.
Nếu Severodonetsk thất thủ, Nga sẽ tiến thêm một bước dài tới một trong những mục tiêu mà Nga đã đặt ra trong cái họ gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine.
Bình luận về việc các cây cầu ở Severodonetsk bị phá hủy, ISW cho rằng các lực lượng Nga nên tìm cách kiểm soát các cây cầu hơn là phá hủy chúng, vì quân đội Nga đã từng phải vật lộn để vượt qua sông Siverskyi Donets.
Trong bản cập nhật đánh giá xung đột Nga-Ukraine đến ngày 12/6 của mình ISW cho biết, động thái này có khả năng là một nỗ lực nhằm cắt đứt các đường liên lạc cơ sở của Ukraine chạy từ Bakhmut đến Lysychansk và Severodonetsk.
Nga có thể hy vọng sẽ cô lập được quân phòng thủ Ukraine ở Severodonetsk bằng cách cắt đứt đường rút lui của họ, ISW cho biết, đồng thời nhận định điều này không tương xứng với cái giá mà Nga phải trả khi vượt sông trong điều kiện có tranh chấp.
Khói bốc lên trên nhà máy hóa chất Azot ở Severodonetsk, tỉnh Lugansk, miền Đông Ukraine. Nhà máy này vẫn ngoài vòng kiềm tỏa của Nga, Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết ngày 12/6/2022. Ảnh: DW |
Trong một diễn biến khác, tên lửa hành trình của Nga đã phá hủy một kho lớn chứa vũ khí Mỹ và châu Âu ở vùng Ternopil, miền Tây Ukraine, hãng thông tấn Interfax của Nga đưa tin.
Thống đốc Ternopil cho biết, tên lửa bắn từ Biển Đen vào thành phố Chortkiv đã phá hủy một phần cơ sở quân sự và làm 22 người bị thương. Một quan chức địa phương cho biết, không có mẩu vũ khí nào được cất giữ ở đó.
Reuters không thể xác nhận các tuyên bố trên một cách độc lập.
Moscow đã chỉ trích Mỹ và các quốc gia khác về việc gửi vũ khí cho Ukraine, đe dọa tấn công các mục tiêu mới nếu phương Tây cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine.
Các nhà lãnh đạo Ukraine gần đây đã tiếp tục yêu cầu viện trợ thêm nhiều vũ khí hạng nặng. Hôm 12/6, Bộ tổng tham mưu Ukraine cho biết trên Facebook rằng Tổng Tư lệnh Các Lực lượng Vũ trang Ukraine Valerii Zaluzhnyi đã nói chuyện với Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, và nhắc lại yêu cầu của Ukraine về các hệ thống trọng pháo.
Ông Zaluzhnyi đã đề nghị ông Milley giúp Ukraine có thêm hệ thống pháo 155 mm trong thời gian ngắn nhất có thể.
Tổng Tư lệnh Ukraine cũng cập nhật tình hình trên tiền tuyến. Ông cho biết, chiến tuyến ở Ukraine hiện rộng 2.450 km, trong đó 1.105 km là khu vực có hoạt động thù địch. Tình hình ở thành phố Severodonetsk đặc biệt phức tạp, nhưng người Ukraine đã ngăn chặn bước tiến của người Nga.
"Có tới 7 tiểu đoàn chiến thuật (BTG) được đối phương triển khai ở đó. Bất chấp hỏa lực dày đặc, chúng tôi đã ngăn chặn được kẻ địch", ông Zaluzhnyi cho biết.
Ukraine cần 300 hệ thống tên lửa phóng loạt
Khi nói đến viện trợ vũ khí, ông Mykhailo Podolyak – người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Ukraine, cho biết, Ukraine hiện muốn nhận khoảng 300 hệ thống tên lửa phóng loạt (MLRS) từ các nước phương Tây.
"Khi nói đến các hệ thống tên lửa, chúng tôi không cần 3 hay 4 hệ thống, con số chúng tôi cần là 300", ông Podolyak cho biết trong một cuộc phỏng vấn được công bố vào tối 11/6 trên trang web của tờ báo Anh “The Daily Telegraph”.
Ông Podolyak cho biết thêm, hiện tại, khoảng 90% tổn thất chiến đấu trong các lực lượng vũ trang Ukraine là do tác chiến của pháo binh Nga, lực lượng này vượt trội hơn hẳn so với lực lượng pháo binh Ukraine.
Trước đó, The Times đưa tin rằng Vương quốc Anh sẽ gửi 3 hệ thống tên lửa phóng loạt như vậy tới Ukraine, ít nhất là trong giai đoạn đầu. Về phần mình, Mỹ sẽ gửi, theo công bố, không quá 10 hệ thống.
Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace thông báo rằng London sẽ chuyển giao việc sản xuất các hệ thống hỏa lực phóng loạt của Mỹ cho Ukraine với tên lửa có khả năng bắn trúng mục tiêu cách xa tới 80 km. Ông nói thêm rằng Quân đội Ukraine sẽ được đào tạo để sử dụng các hệ thống ở Anh để họ "có thể tối đa hóa hiệu quả của chúng".
Dân quân Ukraine tham gia khóa huấn luyện chiến thuật ở thành phố Lviv, miền Tây Ukraine, ngày 11/6/2022, để học các kỹ năng quân sự trong bối cảnh xung đột với Nga. Ảnh: UPI |
Công ty Đức sẵn sàng bàn giao 6 xe chiến đấu bộ binh Marder
Công ty Rheinmetall của Đức đã hoàn thành việc nâng cấp các xe chiến đấu bộ binh (IFV) Marder đầu tiên. Một phát ngôn viên của công ty cho biết trong một bình luận với hãng thông tấn Đức DPA hôm 12/6, đã có 6 chiếc "sẵn sàng".
Công ty đang trong quá trình sửa chữa 100 xe Marder, Chủ tịch Rheinmetall là ông Armin Papperger nói với tờ báo Đức Bild am Sonntag.
Liên quan đến khả năng giao hàng cho Ukraine, ông cho biết thêm: "Thời gian và địa điểm các xe Marder được chuyển giao là quyết định của Chính phủ Liên bang".
Theo ông Papperger, 88 xe tăng Leopard 1 và một số xe tăng Leopard 2 cũng đang ở trong kho tại Rheinmetall để chờ nâng cấp.
Ukraine muốn Đức cung cấp vũ khí hạng nặng hơn để nước này có thể tự vệ trước Nga tốt hơn. Nhưng Chính phủ Đức vẫn chưa cho phép gửi xe chiến đấu bộ binh Marder đến Ukraine.
Theo Người Đưa Tin