Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động, Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng GDP tích cực trong nửa đầu năm 2025, với 7,56%, riêng quý II đạt 7,67%. Ba động lực chính, xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng, tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, giúp kinh tế duy trì đà phục hồi.
Xuất khẩu duy trì đà tăng
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm đạt 219,83 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ 2024. Trong đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến – chế tạo chiếm tới 85% tổng kim ngạch và ghi nhận mức tăng 12%, cho thấy vai trò xương sống của lĩnh vực sản xuất công nghiệp trong thúc đẩy tăng trưởng.
Sầu riêng mặt hàng xuất khẩu triệu đô ( Nguồn: Báo VOV )
Tiêu dùng trong nước ổn định
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 3,4 triệu tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, ngành du lịch đóng góp tích cực với gần 10,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng hơn 20%, nhờ chính sách visa thuận lợi và hoạt động xúc tiến hiệu quả.
Đầu tư trong và ngoài nước tăng tốc
Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong 6 tháng đầu năm ước đạt gần 1.592 nghìn tỷ đồng, tăng 9,8%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đạt 21,52 tỷ USD, tăng hơn 32% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn FDI thực hiện đạt 11,72 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm qua.
Theo ông Nguyễn Quang Huân – Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, môi trường chính trị ổn định, chi phí cạnh tranh và chính sách ưu đãi đang khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh cần điều chỉnh chính sách để thu hút thêm nhà đầu tư công nghệ cao.
Triển vọng và thách thức
Dù triển vọng tăng trưởng tích cực, kinh tế Việt Nam vẫn đối diện nhiều thách thức. Theo các chuyên gia, căng thẳng thương mại toàn cầu, chính sách thuế quan của Mỹ và rủi ro chuỗi cung ứng có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu và thu hút đầu tư trong thời gian tới.
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng (ĐH Kinh tế Quốc dân) cho rằng việc làm cần được thúc đẩy mạnh hơn để mở rộng tổng cầu. Đồng thời, cần nâng cao năng lực cạnh tranh thực chất của hàng hóa Việt, khi khu vực FDI vẫn chiếm ưu thế trong cán cân thương mại.
Xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng tiếp tục là những điểm sáng trong bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm 2025. Việc phát huy hiệu quả ba trụ cột này, đồng thời nâng cao khả năng thích ứng trước thách thức, sẽ là yếu tố then chốt giúp Việt Nam duy trì mục tiêu tăng trưởng 8% trong cả năm.