Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Hội nghị được tổ chức qua phần mềm Zoom với hơn 300 điểm cầu trên cả nước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - Ông Đặng Ngọc Sơn cho biết, hiện nay bưởi Phúc Trạch trồng tại 19 xã thuộc vùng chỉ dẫn địa lý bưởi Phúc Trạch với gần 3.000ha. Trong đó có 2.000ha bưởi thời kỳ cho quả; 160 doanh nghiệp, HTX, Tổ hợp tác và gần 2.800 hộ gia đình sản xuất; tổng sản lượng hằng năm trên 21.000 tấn.
Năm 2019, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp công nghệ cao giúp sản lượng bưởi Phúc Trạch đạt 16.267 tấn, giá trị ước đạt trên 569 tỷ đồng.
Năm 2020, toàn huyện Hương Khê có 2.000ha bưởi có năng suất chất lượng cao, trong đó 60-70% diện tích cho quả.
Các đại biểu tham gia triển lãm kết nối tiêu thụ bưởi Phúc Trạch - Hà Tĩnh. Ảnh ST |
Do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các thị trường tiêu thụ lượng lớn Bưởi Phúc Trạch như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Vinh, Quảng Bình đang thực hiện Chỉ thị 16 nên việc phân phối, vận chuyển bưởi vào các thị trường này đang gặp khó khăn.
Thời gian qua, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cây bưởi Phúc Trạch, kết nối khoảng 2.800 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh bưởi Phúc Trạch, đơn vị cung cấp phân bón, vật tư và cây giống.
Đồng thời, phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số xây dựng gian hàng Bưởi Phúc Trạch Hà Tĩnh trên các sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam như Voso, Postmart, Sendo, Shopee và sàn thương mại điện tử của tỉnh. Từ ngày 10/8 đến nay trên sàn Thương mại điện tử Postmart và Voso và các sàn thương mại điện tử khác đã tiêu thụ trên 50 tấn bưởi Phúc Trạch và dự kiến các sàn này sẽ tiêu thụ từ 700-1.000 tấn trong mùa bưởi năm 2021. Trên các sàn TMĐT, bưởi Phúc trạch đang có giá dao động từ 30.000 - 50.000 đồng/ 1 quả.
Sản phẩm bưởi Phúc Trạch của doanh nghiệp. Ảnh ST |
Khi tham gia sàn TMĐT, sản phẩm của hộ sản xuất nông nghiệp có thể tiếp cận với hàng triệu khách hàng tiềm năng không chỉ trong khu vực lân cận mà ở khắp mọi miền trên đất nước. Đó là cơ hội không thể bỏ lỡ để giúp thương hiệu bưởi Phúc Trạch của bà con đến với đông đảo người tiêu dùng.
Không chỉ đưa bưởi Phúc Trạch lên sàn TMĐT, bà con còn được hướng dẫn thực hiện livestream bán hàng trên Facebook, các trang mạng xã hội cá nhân. Về lâu dài, bà con cũng có thể dễ dàng tự livestream mà không cần hỗ trợ để có thể hoàn toàn tự chủ động vận hành hoạt động kinh doanh của mình.
Các hộ kinh doanh chủ động bán sản phẩm của mình trên MXH. Ảnh ST |
Việc xúc tiến, kết nối tiêu thụ bưởi Phúc Trạch được kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, bảo đảm thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, việc đưa nông sản lên sàn TMĐT sẽ mở ra nhiều cơ hội mới, thay đổi tư duy sản xuất, bán hàng truyền thống, đưa sản phẩm nông sản sạch đến gần hơn với người tiêu dùng
Ngày 9/11/2010, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đã ra Quyết định số 2180/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00022 cho sản phẩm bưởi Phúc Trạch nổi tiếng. Ủy ban nhân dân huyện Hương Khê là cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý bưởi “Phúc Trạch”. Ngày 1/8/2020, thương hiệu “Bưởi Phúc Trạch” được EU bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đây là 1 trong 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đã được EU cam kết bảo hộ. |
Theo VietQ