Sân golf Tân Sơn Nhất. (Ảnh Internet) |
Cả nước gồng mình chống dịch Covid-19
Hiện nay, dịch Covid-19 đã lan rộng ra nhiều nước trên thế giới. Tại các nước châu Âu, tình trạng dịch đang lan rộng và nhanh khủng khiếp. Nhiều nước đang căng mình đối phó vấn nạn này. Mới đây nhất, WHO đã ban bố tình trạng Covid-19 là đại dịch của toàn cầu.
Tại Việt Nam, hiện đã có hơn 50 trường hợp nhiễm Covid-19. Đa phần các ca bệnh mới đều có liên quan hoặc đã từng tiếp xúc với những người trong chuyến bay VN0054.
Ở Tp.HCM, hiện nay công tác phòng chống dịch Covid-19 đang diễn ra rất khẩn trương. Các trường học đều cho học sinh, sinh viên nghỉ đến hết tháng 3. Nhiều lễ hội bị huỷ bỏ, các dịch vụ, vui chơi tụ tập đông người như quán bar, vũ trường...cũng bị yêu cầu đóng cửa để phòng chống dịch.
Nhiều bệnh viện dã chiến tiếp tục mọc lên để ứng phó với tình trạng khẩn cấp khi Covid-19 bùng nổ. Hiện nay, các bệnh viện dã chiến đều cách xa trung tâm Tp.HCM, nên gây vô số khó khăn nếu xảy ra dịch tràn lan.
Công tác di chuyển từ trung tâm về các bệnh viện dã chiến như ở Củ Chi, Nhà Bè… sẽ cực kỳ khó, khi giao thông thành phố luôn ùn tắc. Chính vì thế, nhiều người dân mong muốn có một khu bệnh viện dã chiến gần trung tâm để tiện cách ly nếu xảy ra dịch trên diện rộng.
“Cần trưng dụng ngay đất quốc phòng (sân golf Tân Sơn Nhất) làm bệnh viện dã chiến là thích hợp nhất. Mùa dịch này, kinh doanh bết bát, không khéo nơi đây sẽ là nguồn lây Covid-19 cho nhiều người giống như các địa điểm công cộng khác. Sân golf Vân Trì ở Hà Nội là một ví dụ điển hình”, một người dân nêu ý kiến.
Tại buổi họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 ở Tp.HCM mới đây, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Tp.HCM, đã đề nghị Bộ Tư lệnh thành phố phối hợp với Quân khu 7 và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất lập bệnh viện dã chiến gần sân bay.
“Sân golf Tân Sơn Nhất là phù hợp nhất”
Theo tìm hiểu của PV, hiện nay khu vực gần sân bay Tân Sơn Nhất đã chật kín người dân. Chỉ duy nhất một khu vực rộng rãi, thoáng mát đó chính là sân golf Tân Sơn Nhất. Sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất có quy mô gần 160 ha, 36 lỗ, kết hợp các dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp, trung tâm hội nghị, khách sạn 5 sao, khu nhà ở cho thuê và công trình công cộng. Đây chính là khu vực gần sân bay nhất và đủ rộng để lập bệnh viện dã chiến trong phòng chống dịch Covid-19.
Theo nhiều người, sân golf Tân Sơn Nhất là địa điểm thích hợp nhất để lập bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung. |
Dưới góc nhìn báo chí, nhà báo Hoàng Diệp (báo Tuổi trẻ) khẳng định nếu lấy được sân golf để làm bệnh viện dã chiến thì quá tốt. Theo nhà báo Hoàng Điệp thì sân golf Tân Sơn Nhất có mấy điểm thuận lợi: Gần sân bay, gần khu quân đội, khu đất này rộng, nhiều nơi còn để trống lại cách xa trung tâm thành phố.
“Riêng đối với khu sân golf, nếu trưng dụng để làm khu cách ly hoặc bệnh viện thì quá tốt. Ngoài sân golf thì ở đây còn có cơ sở hạ tầng là hệ thống nhà hàng, khách sạn rất rộng và đẹp. Diện tích sân golf lớn, lại sạch sẽ nên rất phù hợp với việc phòng chống dịch. Khu này cũng rất cách biệt với khu dân cư nên không sợ bị ảnh hưởng đến khu dân cư", nhà báo nói.
Về pháp lý, thì Covid19 là đại dịch toàn cầu, nên ưu tiên phòng chống dịch nên nhà nước có thể mượn, thuê, trưng dụng tài sản của nhân dân để sử dụng vào mục đích dập dịch. Hơn nữa, trong thỏa thuận cho Him Lam lấy đất làm sân golf có nêu rõ, khi Bộ quốc phòng cần cho mục đích quốc thì có thể thu hồi lại đất này.
Một số nghệ sỹ nổi tiếng của Tp.HCM như ca sĩ Hồ Quang Hiếu, ca sỹ Nguyên Vũ... cũng cho rằng, cần phải lấy sân golf Tân Sơn Nhất làm bệnh viện giả chiến khi dịch Covid-19 đang leo thang. “
Trao đổi với Tài chính Doanh nghiệp, nhiều doanh nhân cũng đồng tình cho rằng nên lấy sân golf Tân Sơn Nhất làm bệnh viện dã chiến. Ông Thế Mai, Giám đốc Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Việt Tin (VIET TIN REAL) cho rằng nếu Him Lam đồng ý tạm bàn giao sân golf Tân Sơn Nhất cho Tp.HCM làm bệnh viện dã chiến là điều tuyệt vời. Cùng chung tay vì cộng đồng là điều doanh nghiệp nên làm.
"Đây là trách nhiệm của doanh nghiệp với Chính phủ"
Ngày 6/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Chỉ thị 11 với những giải pháp cấp bách, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh nhằm thực hiện nhiệm vụ "kép" vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, xã hội.
Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... với khách hàng gặp khó khăn vì Covid-19. Trước hết, các ngân hàng đưa ra gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng cho giải pháp này.
Theo Thủ tướng, Bộ Tài chính cũng cần trình Chính phủ ban hành nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19... báo cáo Thủ tướng trong tháng 3. Bộ Tài chính được yêu cầu khẩn trương trình Chính phủ cơ chế miễn, giảm thuế, lệ phí; đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế và chi ngân sách nhà nước... ước tính khoảng 30.000 tỷ đồng để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.
Mới đây, tại cuộc làm việc với các tập đoàn kinh tế tư nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, WHO đã công bố Covid-19 là đại dịch. Việt Nam có 800.000 doanh nghiệp (DN) và hàng triệu hộ kinh doanh cá thể, do đó lúc này các doanh nghiệp, tập đoàn là các “pháo đài” cùng cán bộ, công nhân lao động trong phòng, chống dịch.
Theo Thủ tướng, hơn lúc nào hết, Chính phủ, người dân, cộng đồng doanh nghiệp hiểu rõ, những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 chỉ được hạn chế khi có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, của chính các doanh nghiêp.
Điều đáng nói, cũng chính vì chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trước đại dịch Covid-19, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính tiến hành hoãn, giãn, gia hạn nhiều loại thuế, phí với giá trị lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Chính vì vậy, việc doanh nghiệp góp nhân lực, vật lực ngược trở lại với Chính phủ để cùng đẩy lùi dịch bệnh cũng thể hiện trách nhiệm của chính doanh nghiệp với Chính phủ và cộng đồng.
Theo nhiều chuyên gia, việc Him Lam bàn giao tạm thời sân golf Tân Sơn Nhất cho Tp.HCM để trưng dụng làm bệnh viện dã chiến là điều hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh hiện nay.
Luật sư Trần Đình Dũng, Đoàn luật sư Tp.HCM:“Trong bối cảnh cả nước đang căng mình phòng chống dịch bệnh do covid-19 gây ra, mọi phương tiện có thể đều cần phải đưa vào trưng dụng phòng dịch. Như thủ tướng Chính phủ mới đây đã nói "Chống dịch như chống giặc". Sân golf gần sân bay Tân Sơn Nhất cần phải đưa vào trưng dụng lập các bệnh viện dã chiến, khu cách ly tạm thời, tiện lợi cho việc di chuyển người nghi nhiễm và các điều kiện khác về tiếp tế thực phẩm. Mọi cá nhân, tổ chức đều phải có trách nhiệm phòng chống dịch. Tài sản đất đai của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào cũng phải tuân theo pháp luật và phải đưa vào trưng dụng tạm thời để phòng chống dịch bệnh theo tinh thần tại Điều 72 Luật đất đai 2013. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm, là phải tuân thủ theo sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Trung ương, như qui định tại Điều 7 Luật phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm 2007”. |
Theo Tài chính doanh nghiệp