Hà Nội, Chủ nhật Ngày 24/11/2024

Grab trần tình sau vụ việc hàng trăm tài xế tắt app đình công

Doanh nhân Việt Nam 16:22 08/12/2020

Trước những phản đối của tài xế đòi quyền lợi, Grab khẳng định sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng để cân bằng quyền lợi giữa các bên liên quan.

Tài xế đình công

Như đã đưa tin, vào chiều ngày 7/12, hàng trăm tài xế GrabBike tắt ứng dụng, kéo đến trụ sở Grab ở đường Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) để phản đối mức khấu trừ mỗi chuyến xe vừa tăng từ 20% lên hơn 27,2%.

Theo đó, tỷ lệ khấu trừ tính trên doanh thu cuốc xe bao gồm hoa hồng trả cho hãng, 10% thuế VAT và 1,5% thuế thu nhập cá nhân của tài xế.
Hàng trăm tài xế tắt app, đình công tại Hà Nội. Ảnh: Một thế giới

Hàng trăm tài xế đều cho rằng mức phí khấu trừ này quá cao, ảnh hưởng đến thu nhập của họ.

Mức này tăng từ 20-25% lên 27,273-32,841% (tùy theo hợp đồng hợp tác 2 bên). Tuy nhiên, Grab cho biết vẫn giữ nguyên mức hoa hồng, việc tăng khấu trừ là ở phần tăng thuế VAT theo Nghị định 126. Để bù lại lại phần tăng thuế VAT lên 10%, Grab chủ động tăng giá dịch vụ GrabBike thêm 6%.

Không chỉ kéo đến trụ sở Grab ở Duy Tân, các tài xế chạy qua nhiều tuyến phố như Cầu Giấy, Kim Mã, Nguyễn Chí Thanh để kêu gọi tắt ứng dụng, nhưng ngay sau đó đã bị lực lượng chức năng giải tán.

Liên quan đến vụ việc này, tối 7/12, đại diện Grab cho hay doanh nghiệp này đang tuân thủ chặt chẽ Luật Thuế giá trị gia tăng 2008, Luật Quản lý thuế 2019, các văn bản hướng dẫn thi hành của cơ quan chức năng. Đặc biệt là Nghị định 126/2020/NĐ-CP (NĐ 126), có hiệu lực từ ngày 5/12/2020.

Theo quy định của NĐ 126, thuế VAT 10% (theo pháp luật thuế mà Grab đang thực hiện) được áp dụng cho toàn bộ doanh thu từ hoạt động kinh doanh vận tải, trong đó gồm cả phần doanh thu vận tải của đối tác tài xế.
Hàng trăm tài xế Grab đều cho rằng mức phí khấu trừ này quá cao, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của họ. Ảnh: Saostar

Grab đã cân nhắc cẩn trọng để đề xuất giá cước mới phù hợp, đồng thời khấu trừ nghĩa vụ thuế VAT 10% từ cước phí chuyến xe mà người dùng hiện đang chi trả. Chiết khấu khi sử dụng ứng dụng Grab đối với đối tác tài xế vẫn giữ nguyên.

Tuy nhiên, theo NĐ 126, cá nhân hợp tác kinh doanh mà cụ thể là đối tác tài xế không thuộc trường hợp trực tiếp khai thuế, nộp thuế nên doanh nghiệp có trách nhiệm thu hộ, nộp hộ thuế cho đối tác tài xế.

Vì vậy, phần thuế Grab khấu trừ khoản thuế phải nộp, kê khai, và nộp hộ cho các đối tác tài xế là tuân thủ quy định của NĐ 126. Số thuế này đã được nộp cho Kho bạc Nhà nước và đã được cơ quan thuế xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

“Về việc các tài xế tụ tập căng băng rôn khẩu hiệu, còi xe inh ỏi, gây rối trật tự công cộng, trong ngày hôm nay, sai tới đâu thì phía cơ quan chức năng sẽ xử lý tới đó. Còn Grab không giải quyết vấn đề này. Việc các tài xế thắc mắc thì chúng tôi cũng đã giải thích”, đại diện Grab thông tin.

Chia sẻ trên Báo Lao động, Ông Trần Bằng Việt - nhà sáng lập kiêm CEO Công ty Giải pháp Phát triển DongA Solutions, cựu CEO Mai Linh Taxi cho biết, việc thu thuế VAT 10% đối với dịch vụ taxi, xe ôm công nghệ là đúng, sòng phẳng và công bằng với các ngành khác và các đơn vị cạnh tranh khác trên cùng ngành.


Ông Trần Bằng Việt. Ảnh: Forbes Việt Nam

Tuy nhiên, cần phải hiểu đúng - thuế VAT này là tính trên doanh thu, chứ không phải thuế thu nhập cá nhân. "Thuế 10% này là hành khách trả, doanh nghiệp thu hộ, lái xe chỉ là người làm thuê nên không có liên quan gì ở đây cả. Đừng ghép lái xe vào rồi chụp cái mũ "làm ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động", ông Việt cho hay.

Theo ông Việt, xe công nghệ bây giờ sẽ có hai lựa chọn: Một là tăng giá để bù khoản 7% thuế tăng thêm; hai là không tăng giá để giữ được nhiều khách hàng hơn.

Hai là, hai bên bị ảnh hưởng sẽ là công ty vận hành app (Grab/Gojek) và chủ xe. Sẽ tuỳ vào điều khoản cụ thể trong hợp đồng giữa chủ xe và hãng để biết ai thiệt hại như thế nào và bao nhiêu.

"Nếu khách hàng bị tăng giá cước, thì có thể không lựa chọn dịch vụ của hãng xe này nữa", ông Việt nói, đồng thời cho biết, ông ủng hộ việc ứng dụng công nghệ vào quản lý và trong trường hợp cụ thể này là vào ngành giao thông vận tải.

Còn theo luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội trao đổi với Saostar cho rằng, trong các loại hình vận tải thì xe ôm công nghệ, taxi công nghệ là loại hình mới mà hệ thống pháp luật đang dần dần từng bước hoàn chỉnh để quản lý loại hình vận tải này bởi vậy việc phát sinh những tranh chấp, khiếu kiện giữa các bên liên quan là có thể xảy ra.

Trong thời gian gần đây các văn bản pháp luật liên quan đến việc quản lý, thu thuế của loại hình xe công nghệ này có những thay đổi đáng kể. Cụ thể, theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế, thì từ ngày 05/12/2020, mức thuế GTGT với xe công nghệ sẽ là 10% trên doanh thu.
Luật sư Đặng Văn Cường

Theo luật sư Cường, quy định này, nếu thuế GTGT với xe công nghệ tăng từ 3% lên 10% trên doanh thu và cước vận tải giữ nguyên, thu nhập của tài xế sẽ giảm 8%. Ví dụ, một chuyến xe có cước phí 100.000 đồng thì tài xế nhận về khoản doanh thu 76.400 đồng (sau khi trừ thuế và phí dịch vụ kết nối).

Với quy định tại Nghị định 126, tài xế sẽ chỉ còn nhận được 70.800 đồng. Bản chất của thuế giá trị gia tăng là thu của người tiêu dùng, doanh nghiệp vận tải tăng vào giá cước để thu của người tiêu dùng nộp cho nhà nước chứ không phải là thuế mà doanh nghiệp phải nộp.

Luật sư Cường cho rằng, lái xe công nghệ có quyền thể hiện thái độ, nêu ý kiến của mình với doanh nghiệp. Tuy nhiên việc phản đối, tụ tập đông người không được gây mất an ninh trật tự.

Với taxi công nghệ thì lái xe phải nộp thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Còn thuế giá trị gia tăng được tính vào giá thì khách hàng phải nộp. Tuy nhiên việc xác định thuế giá trị gia tăng sẽ làm tăng giá cước phí.

Không những thế, doanh nghiệp này đang có xu hướng những chi phí, thiệt thòi về phía người lái xe. Theo một số lái xe cho biết họ phải thu nộp về công ty đến 20%, thậm chí đến 30 % thuế giá trị gia tăng chứ không phải 10% như quy định. Chính vì vậy một số lái xe đã phản đối chính sách của hãng xe công nghệ này.

Luật sư Cường cho rằng, trong trường hợp các lái xe công nghệ không đồng ý với chính sách mới của doanh nghiệp thì có quyền thể hiện thái độ, nêu ý kiến của mình với doanh nghiệp. Tuy nhiên việc phản đối, tụ tập đông người không được gây mất an ninh trật tự, gây rối trật tự công cộng.

"Trường hợp các lái xe quá khích tập trung đông người hò hét, đập phá, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội làm doanh nghiệp không thể hoạt động được hoặc gây ách tắc giao thông thì sẽ bị xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng.

Còn trường hợp những người lái xe phản đối một cách "có trật tự", có kỷ luật không ảnh hưởng đến an ninh trật tự an toàn xã hội thì vấn đề này pháp luật cho phép.

"Có thể nói rằng người lái xe công nghệ mà người lao động vất vả, họ là lực lượng chính tạo ra giá trị cho các hãng xe công nghệ và họ đang phải chịu rất nhiều những thiệt thòi, rủi ro. Mỗi khi có chính sách mới thay đổi thì doanh nghiệp thường đẩy phần trách nhiệm, thiệt thòi cho người lái xe bởi vậy đã không ít lần các lái xe phản đối các chính sách mới của các hãng xe công nghệ.

Vấn đề này các cơ quan quản lý nhà nước cần phải xem xét cân nhắc để có những điều chỉnh phù hợp trên cơ sở pháp lý cũng như đảm bảo đời sống của người lao động", luật sư Cường chia sẻ quan điểm.

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên tài xế tập trung đình công để phản đối Grab.


Tháng 8/2019, hàng trăm tài xế GrabBike đình công tập thể, tập trung trước cửa văn phòng của Grab tại TP.HCM để phản đối chính sách thu hộ thuế thu nhập cá nhân mà nhóm tài xế cho rằng còn nhiều điểm chưa minh bạch.
Theo luật sư Cường, lái xe công nghệ có quyền thể hiện thái độ của mình với doanh nghiệp nhưng việc phản đối, tụ tập đông người không được gây mất an ninh trật tự. Ảnh: Một thế giới

Khi đó, đại diện Grab đã phải làm việc với các tài xế, giải đáp thắc mắc của đối tác. Do quá đông tài xế GrabBike tập trung tại một chỗ, có nguy cơ mất an ninh trật tự, công an khu vực đã phải có mặt để đảm bảo, phối hợp với Grab giải quyết vấn đề.

Tháng 1/2018, rất đông đối tác của Grab đã tập trung trước tòa nhà Kim Ánh (Cầu Giấy, Hà Nội), nơi có văn phòng của Grab, để phản đối việc hãng này đơn phương nâng mức chiết khấu.

Cụ thể, khoảng hơn 100 tài xế cả GrabCar và Grabbike đã tập trung phản đối, làm đoạn đường tại ngõ 78 phố Duy Tân, trước cửa tòa nhà Kim Ánh, bị tắc nghẽn. Lực lượng công an phường đã phải tham gia điều tiết giao thông tại đây.

Phía Grab sau đó đã mời một số tài xế đại diện lên văn phòng để trao đổi nhằm "hạ hỏa" đám đông.

Cũng thời điểm này, nhiều tài xế Grabbike tại TP.HCM kéo đến văn phòng của doanh nghiệp này tại quận 10, để phản đối mức chiết khấu mà hãng nâng từ 20% lên 23,6%, áp dụng ngày 1/1/2018. Không đồng ý với yêu cầu của giới tài xế, nhưng Grab sau đó đã âm thầm đưa mức chiết khấu về lại 20%, bắt đầu từ 10h ngày 13/1.

Chưa hết, hồi giữa tháng 8/2017, nhiều tài xế Grabbike tại Hà Nội cũng đồng loạt tắt ứng dụng và kêu gọi đình công phản đối khi mức chiết khấu từ 5% lên 20%. Bất chấp Grab giải thích việc thay đổi để cạnh tranh so với các dịch vụ tương tự, đồng thời thống nhất giữa hai thị trường lớn là TP HCM và Hà Nội, nhiều tài xế vẫn cho rằng mức chiết khấu này quá cao và bất hợp lý.

Trước đó, Grab đã công bố thay đổi chính sách thuế áp dụng cho toàn bộ đối tác tài xế của mình và tăng giá cước cơ bản của các dịch vụ GrabCar, chính thức áp dụng từ trưa ngày 5/12.

Cụ thể, giá cước tối thiểu của GrabCar tại Hà Nội sẽ tăng thêm 2.000 đồng, từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2 km đầu, và tăng từ thêm 1.000 đồng (từ 8.500 đồng lên 9.500 đồng cho mỗi km tiếp theo).

Tương tự, GrabCar 7 chỗ tăng từ 30.000 đồng lên 32.000 đồng cho 2 km đầu và từ 10.000 lên 11.000 đồng cho mỗi km tiếp theo.

Tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, giá cước tối thiểu của GrabCar cũng tăng thêm 2.000 đồng, từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2 km đầu và tăng từ thêm 500 đồng cho mỗi km tiếp theo.

Từ 5/12/2020, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế có hiệu lực. Trong đó, cách tính thuế giá trị gia tăng (VAT) với các dịch vụ gọi xe công nghệ sẽ thay đổi.
Phía Grab sau đó đã mời một số tài xế đại diện lên văn phòng để trao đổi nhằm "hạ hỏa" đám đông. Ảnh: Saostar

Cụ thể, theo điểm c khoản 5 Điều 7 Nghị định này, tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân thì cá nhân không trực tiếp khai thuế.

Tổ chức có trách nhiệm khai thuế VAT đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế của tổ chức mà không phân biệt hình thức phân chia kết quả hợp tác kinh doanh, đồng thời khai thay và nộp thay thuế thu nhập cá nhân cho cá nhân hợp tác kinh doanh…

Như vậy, từ ngày 5/12/2020, các tổ chức hợp tác kinh doanh như Grap, Goviet (Gojek)… sẽ phải tiến hành khai thuế VAT cho toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh với mức thuế là 10% (thay vì 3% như trước đây) và khai thay, nộp thay thuế thu nhập cá nhân cho các tài xế hợp tác với các hãng xe công nghệ này.

Ngoài ra, một nội dung đáng chú ý khác nêu tại khoản 2 Điều 30 Nghị định 126 này là ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp các thông tin về tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo mã số thuế đã được cấp, ngày mở và đóng tài khoản cho cơ quan quản lý thuế khi có yêu cầu.

Grab hoàn tiền tài xế sau bão tắt app đình công

Theo thông tin mới nhất, sau khi phải hứng chịu nhiều phản đối, hôm nay ngày 8/12, Grab tung ra một chương trình hoàn tiền nhằm khuyến khích tài xế tiếp tục hoạt động với tên gọi "Hỗ trợ Đối tác hoạt động mùa lạnh, mưa rét".
Grab hoàn tiền tài xế giữa bão đình công. Ảnh: Grab
Chương trình có thời hạn 8/12 - 20/12 và ở trong các khung giờ 6h-9h; 11-13h và 16h-20h.TP.HCM không có trong danh sách các địa phương áp dụng. Chương trình hiện chỉ có hiệu lực với các tài xế tại Hà Nội, Bắc Ninh, Đã Nẵng, Quảng Nam với các dịch vụ cơ bản như GrabBike, GrabFood, GrabMart và Grab Express Siêu Tốc.
Theo đó, các tài xế sẽ nhận về 5% giá trị mỗi cuốc xe hoàn thành trong khung giờ chương trình qui định. Giá trị tối đa hoàn tiền cho mỗi cuốc là 10.000 đồng.
Trước những phản đối của tài xế đòi quyền lợi, Grab vẫn khẳng định sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng để cân bằng quyền lợi giữa các bên liên quan.
Hải Yến/DNVN

Link gốc : https://doanhnhanvn.vn/phia-grab-tung-goi-hoan-tien-cho-tai-xe-sau-lum-xum-tat-app--24846.html

Bạn đang đọc bài viết Grab trần tình sau vụ việc hàng trăm tài xế tắt app đình công tại chuyên mục Tiêu dùng thông minh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tiêu dùng thông minh