Staycation hay xu hướng du lịch gần nhà đang trỗi dậy trở thành một xu hướng mạnh trong thời Covid-19. Khách du lịch hạn chế phương tiện công cộng, lười đi xa bằng máy bay, quan tâm nhiều hơn đến sức khoẻ và đi du lịch gần nhà bằng phương tiện cá nhân thường xuyên hơn. Đó chính là cơ hội cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ngoại ô tăng tốc như ý kiến của hầu hết các diễn giả tham gia toạ đàm “Đầu tư bất động sản hậu Covid-19: Dẫn dắt dòng tiền” do TheLEADER tổ chức mới đây.
Nếu như ở phía Nam, khu vực Bảo Lộc của tỉnh Lâm Đồng hay Bà Rịa Vũng Tàu đang thu hút sự quan tâm rất lớn của người mua ngôi nhà thứ hai thì ở phía Bắc, tỉnh Hoà Bình đang trỗi dậy như một điểm đến có sức hút đối với dòng tiền đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng.
Từ hơn chục năm trước, người Hà Nội đã tạo ra làn sóng mua ngôi nhà thứ hai và làn sóng đó luôn âm ỷ và khi xảy ra dịch Covid-19 lại bắt đầu bật lên. “Đây là một món ngon cho những người đã có sự dư giả về tiền bạc và thời gian”, như nhận xét của ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty CP Phát triển nghỉ dưỡng Ngoại Ô.
Tuy nhiên, là một nhà đầu tư với thâm niên 15 năm ở thị trường nhà nghỉ dưỡng ngoại ô Hà Nội, nhất là ở khu vực huyện Ba Vì của Hà Nội và tỉnh Hoà Bình, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty CP Phát triển nghỉ dưỡng Ngoại Ô chỉ ra một số sai lầm cơ bản của người mua nhà nghỉ dưỡng ven đô Hà Nội.
Đối với những nhà đầu cơ, ông Trung cho rằng, Hoà Bình là một nơi tiềm năng vì đang đón làn sóng đầu tư tốt về hạ tầng, và thị trường này đơn giản tới mức nhà đầu tư chỉ cần chọn mua đất ở chỗ nào thuận tiện giao thông để chờ cơ hội tăng giá.
Nhưng, những người mua nhà ngoại ô với mục đích nghỉ dưỡng cuối tuần thường mắc hai lỗi lớn khiến họ dễ bị mất tiền.
“Một là họ dễ bị cảm xúc đánh lừa”, ông Trung nói và chỉ ra một thực tế là những khách hàng này thường bị tác động bởi một yếu tố nhỏ mà bỏ qua tổng thể. Ông Trung đã gặp nhiều nhà khách hàng thấy cây mít đẹp, quả ngon nên quyết mua luôn cả lô đất. Nhưng khi chuyển đến ở, mùi từ chuồng lợn, chuồng gà từ các nhà xung quanh khiến họ không thể chịu nổi.
“Vì thế, cố gắng khi mua thì dùng lý trí, đừng để cảm xúc đánh lừa. Hãy cân nhắc về đất, giao thông và tiềm năng có thể làm gì cho khu đất đó”, ông Trung đưa ra lời khuyên đối với những ai đang tìm kiếm một mảnh đất ở ngoại ô để xây nhà nghỉ ngơi cuối tuần.
Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty CP Phát triển nghỉ dưỡng Ngoại Ô, trao đổi với phóng viên bên lề toạ đàm "Đầu tư bất động sản hậu Covid-19: Dẫn dắt dòng tiền" do TheLEADER tổ chức
“Hai là, khách hàng bị cảm giác hợp lý đánh lừa. Thực trạng này đang cực kỳ nhiều”, ông Trung tiếp tục nói về sai lầm khi đầu tư nhà nghỉ dưỡng ngoại ô.
Lấy tứ từ tiếng Anh là second home, ông Trung cho rằng ngôi nhà thứ hai để nghỉ dưỡng hàm chứa tính cá nhân, thoả mãn nhu cầu cá nhân, bởi chỉ để chủ nhân tận hưởng và những người này thường giàu về thời gian và tiền bạc.
“Nếu nghĩ rằng mua xong dùng mà vẫn tăng giá để bán dễ dàng thì là sai lầm lớn nhất”, ông Trung cảnh báo.
Nguyên nhân là do ngôi nhà nghỉ dưỡng thứ hai mang tính cá nhân hoá rất cao nên phải tìm người có cùng gu thì mới bán được mà tìm được những khách hàng này lại không dễ dàng nên thanh khoản kém.
“Người mua chỉ đánh giá đất bao nhiêu tiền mỗi m2, nhà xây lên mất bao nhiêu tiền, chứ họ không đánh giá được một bộ sofa Ý cao cấp giá 300 triệu đồng. Những giá trị đầu tư cho cảm xúc không được định giá, khiến các giá trị đã đầu tư vào second home khi bán lại bị gạt đi”, ông Trung nói.
“Bên cạnh đó, đừng nghĩ vừa dùng vừa cho thuê hiệu quả, mặc dù vẫn có những sản phẩm đáp ứng được. Vì nếu muốn vận hành cho thuê hiệu quả cần tính đồng bộ và bỏ bớt đi tính cá nhân, phải đúng mục đích thuê”, nhà đầu tư này cho biết thêm.
Vì thế, ông Trung cho rằng, khách hàng cần cân nhắc khi đầu tư mua đất riêng lẻ để tự xây nhà vừa nghỉ dưỡng, vừa có thể cho thuê hoặc bán lại kiếm lời.
Một xu hướng tích cực hiện nay được ông Trung chỉ ra là xuất hiện một số dự án bất động sản nghỉ dưỡng ở ngoại ô Hà Nội được đầu tư và quản lý vận hành chuyên nghiệp. Những dự án này không chỉ là một nơi nghỉ dưỡng đẳng cấp mà còn mang lại thu nhập cho chủ sở hữu từ cho thuê.
Đối với mô hình này, ông Trung khuyên người mua quan tâm vào bốn yếu tố chính là khu nghỉ dưỡng thiết kế đẹp, tiện ích tốt, quản lý chuyên nghiệp và thân thiện với tự nhiên.
Những yếu tố này dễ thấy nhưng có những vấn đề người mua có thể không nhìn ra. Đơn cử, nói dự án được quản lý chuyên nghiệp bởi một công ty quản lý khách sạn nhưng cũng cần cảnh giác là xem đơn vị quản lý có uy tín không, họ chỉ quản lý một phần dự án hay toàn bộ dự án. Đôi khi chủ đầu tư lấp lửng dự án được quản lý bởi một đơn vị quốc tế nhưng thực chất chỉ quản lý một hợp phần nhỏ.
Một yếu tố khác người mua cần lưu ý khi mua bất động sản nghỉ dưỡng trong dự án là xem chủ đầu tư có quan tâm đến yếu tố thiên nhiên hay không. Nếu dự án không phá vỡ cảnh quan, không san gạt quá lớn, chú trọng đến thiết kế thân thiện với thiên nhiên, sử dụng cây nội địa, thì không những góp phần tăng sức hút đối với khách du lịch sau này mà còn góp phần hạn chế chi phí vận hành, sửa chữa cảnh quan về lâu dài.
“Thị trường bất động sản ngoại ô nóng lên trong dịch nhưng hội tụ đủ yếu tố và lợi thế để tiếp tục tăng trưởng sau Covid-19. Nhưng lưu ý, do đặc thù thị trường đa dạng nên các nhà đầu tư tham gia cố gắng tỉnh táo để tránh bị trúng gió”, ông Trung khuyến nghị.