Hội chợ nhằm kết nối các doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ với các làng nghề, làng nghề truyền thống để thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển sản xuất góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương.
Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Hội chợ Làng nghề là sự kiện thường niên của ngành nông nghiệp nhằm quảng bá, tuyên dương các làng nghề, phố nghề truyền thống; các nghệ nhân, thợ giỏi có các sản phẩm tiêu biểu, giới thiệu các mô hình làng nghề, phố nghề độc đáo khắp cả nước; kết nối tiêu thụ các sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP. Đồng thời, Hội chợ cũng tạo môi trường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức về sản xuất kinh doanh các mặt hàng thủ công mỹ nghệ và kết nối các doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ sản phẩm.
Theo Ban Tổ chức Hội chợ, sẽ có 100 gian hàng tiêu chuẩn và trên 1.000m2 diện tích trưng bày được thiết kế, trang trí đặc biệt. Tính đến thời điểm hiện tại, Ban Tổ chức đã nhận được đăng ký tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm của gần 100 đơn vị, doanh nghiệp đến từ 31 tỉnh, thành phố trong cả nước như: Hà Nội; Bắc Giang, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Nông, Tiền Giang...
Hội chợ sẽ trưng bày, giới thiệu nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng của các làng nghề, phố nghề truyền thống. Ngoài ra, Hội chợ còn trưng bày nhiều sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, sản phẩm hữu cơ, sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm chủ lực và các sản phẩm tiềm năng của các địa phương.
Đáng chú ý, Ban Tổ chức dành 8 gian hàng đặc biệt bằng chất liệu tre với diện tích khoảng 80m2, bố trí cho 8 nghệ nhân đại diện cho 8 nhóm ngành hàng thủ công mỹ nghệ tham gia trình diễn trực tiếp tại Hội chợ: Nghề chạm khắc bạc, thêu, dệt thổ cẩm, dệt lụa, đục tượng gỗ, nghề mây tre đan, khảm trai, nặn tò he.
Được biết, trong chương trình Hội chợ Làng nghề lần thứ 20, Ban tổ chức sẽ tiếp tục tổ chức những phiên livestream, mời các cái nhà bán hàng cũng như các nhân vật có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội đến livestream vào ngày thứ 7, ngày 4 tháng 10 để giới thiệu về các làng nghề, làng nghề truyền thống của Thủ đô Hà Nội cũng như của 31 địa phương khác trên cả nước.
Cũng trong dịp này, Ban Tổ chức sẽ trao giải các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiêu biểu; tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như: Diễn đàn “Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm làng nghề truyền thống và sản phẩm OCOP qua các sàn thương mại điện tử” (sáng 04/10) nhằm trao đổi, chia sẻ thông tin, giải pháp nhằm phát triển và nhân rộng các mô hình quảng bá, kinh doanh sản phẩm làng nghề truyền thông, sản phẩm OCOP thành công qua các sàn thương mại điện tử; Kinh nghiệm, kỹ năng tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường bằng các công cụ hiện đại cũng như chia sẻ kinh nghiệm phát triển sản phẩm/dịch vụ gắn với thiết kế, sáng tạo sản phẩm/dịch vụ theo xu hướng thị trường và các mô hình quảng bá, kinh doanh sản phẩm làng nghề truyền thông, sản phẩm OCOP qua các sàn thương mại điện tử.
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương