Liên tiếp thu giữ thiết bị y tế không rõ nguồn gốc
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 tại một số địa phương như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội và một số tỉnh phía Nam, những trang thiết bị, vật tư y tế thiết yếu như khẩu trang y tế, bộ bảo hộ y tế, nước sát khuẩn,… phục vụ cho công tác phòng, chống dịch đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Thế nhưng, sau một thời gian tạm lắng xuống, tình trạng sản xuất, kinh doanh trang thiết bị, vật tư y tế không rõ nguồn gốc, xuất xứ, lại tiếp tục “nóng” trở lại. Một số đối tượng đã bất chấp sự nguy hiểm đến tính mạng của người dân, đặc biệt là các lực lượng tuyến đầu chống dịch như: bác sĩ, y tá, điều dưỡng, quân đội, công an, lực lượng làm nhiệm vụ phục vụ công tác cách ly tập trung,… để tiếp tục thực hiện hành vi sản xuất, kinh doanh mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Thực tế đã không ít các vụ việc bị lực phát hiện, triệt phá.
Mới đây nhất Công an huyện Hoài Đức (Hà Nội) phối hợp với Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội, đã kiểm tra, phát hiện 1.000 bộ van máy thở không có nguồn gốc đang chuẩn bị phân phối ra thị trường.
Theo đó, lực lượng liên ngành đã kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát 12C-062.98 đang giao, nhận hàng hóa tại đường nội bộ khu đất dịch vụ thuộc xã An Khánh, huyện Hoài Đức. Qua đó phát hiện trên xe có một lượng lớn hàng hóa gồm 50 thùng, mỗi thùng có 20 bộ van máy thở.
Ghi nhận ban đầu cho thấy, toàn bộ số thiết bị y tế này đều không có tem nhãn phụ tiếng Việt, không có đăng ký tiêu chuẩn chất lượng của Bộ Y tế và không được cấp phép lưu hành, không ghi nguồn gốc xuất xứ trên thân vỏ hộp. Ước tính giá trị tổng số hàng hóa khoảng 700 triệu đồng.
Lái xe bước đầu thừa nhận, số hàng hóa trên được một công ty thuê chở về trụ sở Công ty Dathaso, địa chỉ tại xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức.
Khoảng 1.000 bộ van máy thở không rõ nguồn gốc bị thu giữ. |
Liên quan tới thiết bị y tế không rõ nguồn gốc, trước đó Đội QLTT số 14 đã phối hợp với Đội Chống buôn lậu - Phòng PC03, Công an Hà Nội kiểm tra và tạm giữ hàng nghìn que test nhanh COVID-19 do nước ngoài sản xuất, chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ.
Cụ thể, Đội QLTT số 14 phối hợp với Đội Chống buôn lậu - Phòng PC03, Công an Hà Nội phát hiện một đường dây mua bán que test nhanh Covid-19 do nước ngoài sản xuất tại 2 cơ sở kinh doanh trên địa bàn quận Hoàng Mai và quận Thanh Xuân.
Lực lượng chức năng kiểm tra đối với cơ sở xoa bóp bấm huyệt tại phòng 304, chung cư HH3B Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện và tạm giữ 1.000 que test COVID-19 nhanh mang nhãn hiệu NASOCHECKcomfort. Tại thời điểm kiểm tra chủ lô hàng chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc của số que test trên.
Làm việc với đoàn kiểm tra, chủ lô hàng khai mua số que test Covid-19 kể trên của đối tượng có địa điểm kinh doanh tại số 69 ngách 12 ngõ 470 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội.
Ngay sau đó, lực lượng chức năng kiểm tra đối với địa điểm kinh doanh trên, phát hiện, tạm giữ thêm 2.100 que test COVID-19 cùng loại NOSOCHECKcomfort, Tại thời điểm kiểm tra, chủ lô hàng chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc của số que test trên.
Không thể nương tay cho hành vi kinh doanh thiết bị y tế không rõ nguồn gốc, không đảm bảo tiêu chuẩn
Theo các chuyên gia y tế, đối với hành vi sản xuất, buôn bán trang thiết bị, vật tư y tế không rõ nguồn gốc xuất xứ trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 như hiện nay không thể nương tay khi xử lý…
Thực tế, khi các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch sử dụng phải những trang thiết bị, vật tư y tế không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng sẽ trực tiếp bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe,… từ đó có thể dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực phục vụ công tác điều trị bệnh nhân, phục vụ công tác phòng, chống dịch. Vì vậy, phải kiên quyết ngăn, phát hiện, xử lý triệt để các hành vi sản xuất, buôn bán mặt hàng khẩu trang y tế nói riêng, thiết bị, vật tư y tế thiết yếu nói chung phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra ở nước ta hiện nay.
Một số ý kiến cho rằng, Bộ Y tế - cơ quan quản lý Nhà nước đối với các mặt hàng vật tư y tế thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 cần công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các cá nhân, doanh nghiệp đủ điều kiện được phép sản xuất khẩu trang y tế, trang phục phòng chống dịch COVID-19. Cần kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ đối với những doanh nghiệp được phép nhập khẩu các mặt hàng trang thiết bị vật tư y tế thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.
Các lực lượng chức năng tăng cường công tác quản lý địa bàn, cá nhân, doanh nghiệp có họat động sản xuất, kinh doanh các mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch, để có thể kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm, xử lý nghiêm trước pháp luật.
Ngoài ra, việc đưa trang thiết bị, vật tư y tế giả, kém chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ vô tình đã gây hại rất nghiêm trọng cho đội ngũ y, bác sĩ và lực lượng trên tuyến đầu chống dịch, ảnh hưởng chung đến công tác phòng chống dịch trên cả nước, đi ngược lại với tính thần “chống dịch như chống giặc” hiện nay.
Các vi phạm liên quan đến sản xuất, kinh doanh trang thiết bị, vật tư y tế là hàng giả, hàng kém chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, không thể chỉ xử lý hành chính, mà cần phải khởi tố, xử lý hình sự mới đủ sức răn đe.
Theo VietQ