Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Điện gió ngoài khơi có thể tạo giá trị gia tăng 60 tỷ USD cho Việt Nam vào năm 2030

kinhtechungkhoan.vn 11:33 26/01/2022

Ngày 20/1, Tập đoàn Orsted và Tập đoàn T&T Group đồng tổ chức Hội nghị về chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi (ĐGNK) tại Việt Nam cũng như các tiềm năng phát triển ngành công nghiệp phụ trợ ĐGNK.

Tham dự Hội nghị có đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam và hơn 40 tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu về cung ứng sản phẩm, dịch vụ phục vụ ngành công nghiệp ĐGNK.

Đây là hoạt động đầu tiên nằm trong chuỗi sáng kiến nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp phụ trợ năng lượng tái tạo tại Việt Nam do hai tập đoàn hàng đầu của Việt Nam và Đan Mạch là T&T Group và Ørsted khởi xướng và tổ chức.

Điện gió ngoài khơi có thể tạo giá trị gia tăng 60 tỷ USD cho Việt Nam vào năm 2030
Tập đoàn Orsted và T&T Group đồng tổ chức Hội nghị về chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi tại Việt Nam cũng như các tiềm năng phát triển ngành công nghiệp phụ trợ ĐGNK dưới hình thức trực tuyến

Tiềm năng điện gió ngoài khơi tại Việt Nam lên đến gần 500 GW

Trong phần khai mạc hội nghị, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa với đường bờ biển trải dài trên 3.200 km, vì vậy tiềm năng phát triển năng lượng gió nói chung và ĐGNK nói riêng là rất lớn. Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển thị trường ĐGNK với quy mô 5-10 GW vào năm 2030, giúp tạo ra tổng giá trị gia tăng hơn 60 tỉ USD cho nền kinh tế. Nhiều tổ chức quốc tế cũng khuyến nghị quy mô để bảo đảm tính hiệu quả của ngành ĐGNK của Việt Nam ở giai đoạn đầu tiên tối thiểu khoảng 5 GW. ĐGNK có thể đóng vai trò quan trọng trong tổng cung năng lượng của Việt Nam trong thời gian tới. Phát triển ĐGNK tại Việt Nam còn giúp lan tỏa, góp phần tạo ra công ăn việc làm và từng bước hình thành ngành công nghiệp phụ trợ đi kèm theo.

“Tuy nhiên, phát triển ĐGNK tại Việt Nam là lĩnh vực mới. Vì vậy, còn nhiều vấn đề cần được đặt ra và giải quyết thoả đáng bao gồm việc xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng lưới điện, nâng cao năng lực thi công, xây lắp và đặc biệt quan trọng là phát triển chuỗi cung ứng nội địa", ông Anh Lê Tuấn Anh Vụ trưởng Vụ kinh tế CN - Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Ông Phạm Nguyên Hùng – Phó Cục trưởng Cục điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công thương nhận định tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam ước tính khoảng gần 500 GW về mặt kỹ thuật, là nguồn điện rất lớn so với khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, công nghệ năng lượng mới nói chung và năng lượng tái tạo (NLTT) nói riêng ngày càng phát triển với chi phí ngày càng cạnh tranh so với nguồn điện truyền thống. Vì vậy, nguồn năng lượng điện gió được đánh giá sẽ giữ vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, gia tăng việc làm, tăng cường cung ứng trong nước và thúc đẩy tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tại nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra mục tiêu “Tỉ lệ các nguồn NLTT trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030; 25 - 30% vào năm 2045”. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 cũng nhấn mạnh: “Tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu”. Trong đó, năng lượng là một lĩnh vực trọng tâm, ưu tiên với các giải pháp đột phá nhằm xanh hóa các ngành kinh tế và xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng để có thể hiện thực hoá cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP 26, giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050, giảm 30% lượng phát thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030.

Điện gió ngoài khơi có thể tạo giá trị gia tăng 60 tỷ USD cho Việt Nam vào năm 2030
Tàu vận hành dịch vụ (SOV) đầu tiên của Châu Á được đóng tại xưởng của VARD tại Vũng Tàu, Việt Nam

Tại hội thảo, Ông Lê Tuấn Anh nhận định với những lợi thế về tự nhiên cũng như chiến lược phát triển rõ ràng, để trở thành Trung tâm phát triển - cung ứng điện gió thì Việt Nam cần phát huy tốt nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển ngành công nghiệp điện gió nói chung và ĐGNK nói riêng gắn với chuỗi giá trị công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistic trong thời gian tới. Chính phủ cũng đã bước đầu hiện thực hoá bằng một số chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp phụ trợ, cùng điện gió như nghị định số 111/2015/NĐ-CP, quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 17/1/2017 của Chính phủ...

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định để đẩy nhanh tốc độ hiện thực hoá những mục tiêu ‘xanh” mà Chính phủ đề ra, cần cụ thế và ban hành thêm những chính sách để công nghiệp phụ trợ năng lượng xanh có thể phát triển trong thời gian tới, bởi đây là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng, tăng sức cạnh tranh của ngành.

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Group cho rằng theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, công suất ước tính của NLTT Việt Nam cho đến năm 2030 là khoảng 44.000 MW và sẽ tăng gấp 3 lần - khoảng 144.000 MW vào năm 2045. Trong khi đó, phần lớn trang thiết bị công nghệ nguồn điện tái tạo hiện nay đều đa phần phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Điều này dẫn tới sự phụ thuộc rất lớn về mặt công nghệ, kỹ thuật và trang thiết bị ngoại nhập, đồng thời, làm tăng chi phí đầu tư cũng như có những hạn chế, khó khăn trong việc chủ động cung ứng và định hướng nội địa hoá giảm giá thành sản xuất từ NLTT tại Việt Nam.

“Với tiềm năng mục tiêu phát triển NLTT của Việt Nam, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, cũng như cam kết của Chính phủ Việt Nam tại hội nghị COP 26, chúng tôi tin rằng trong thời gian tới nền công nghiệp NLTT cũng như nền công nghiệp phụ trợ cho NLTT phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu là rất sôi động bởi nhu cầu rất lớn”, bà Nguyễn Thị Thanh Bình nhấn mạnh.

Ông Sebastian Hald Buhl, Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam của Tập đoàn Ørsted cho biết Tập đoàn Ørsted và T&T Group cam kết trong việc hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Để cụ thể mục tiêu này, Orsted, T&T Group và các đơn vị cung ứng hàng đầu thế giới đã và đang xây dựng kế hoạch dài hạn hình thành chuỗi cung ứng cạnh tranh, đáp ứng không chỉ thị trường trong nước mà còn có thể đáp ứng nhu cầu thị trường khu vực Châu Á và trên thế giới.

Ông Pascal Langeais, Giám đốc bộ phận Mua sắm & Chuỗi cung ứng khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Tập đoàn Ørsted cho biết: “Mô hình đầu-cuối của Tập đoàn Ørsted mang lại cho chúng tôi tầm nhìn dài hạn và động lực mạnh mẽ để đầu tư xây dựng một ngành công nghiệp nội địa bền vững. Mặc dù ĐGNK là ngành còn mới tại Việt Nam nhưng Tập đoàn Ørsted thấy rằng Việt Nam có nền tảng vững chắc để xây dựng chuỗi cung ứng lớn mạnh và cạnh tranh.

“Chúng tôi tin rằng với kinh nghiệm toàn cầu của Orsted và hiểu biết sâu sắc thị trường trong nước của T&T Group, hai bên có thể khởi động một ngành công nghiệp công nghệ cao mới tại Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam đẩy nhanh quá trình hiện đại hoá”, Ông Sebastian Hald Buhl nhấn mạnh.

Nhìn về triển vọng tương lai, các cơ quan, các chuyên gia, công ty trong chuỗi cung ứng tham dự hội nghị đều nhận định chuyển dịch sang năng lượng xanh, sạch là xu hướng chung của thế giới, trong đó, việc phát triển chuỗi cung ứng cũng như ngành công nghiệp phụ trợ là không thể chậm trễ, cần sớm có những chính sách phát triển hỗ trợ phù hợp để công nghiệp năng lượng xanh có thể ‘cất cánh’ tại Việt Nam.

Link gốc : https://kinhtechungkhoan.vn/dien-gio-ngoai-khoi-co-the-tao-gia-tri-gia-tang-60-ty-usd-cho-viet-nam-vao-nam-2030-109171.html

Bạn đang đọc bài viết Điện gió ngoài khơi có thể tạo giá trị gia tăng 60 tỷ USD cho Việt Nam vào năm 2030 tại chuyên mục Thị trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thị trường