Cũng theo Phó Cục trưởng cục QLTT TP.HCM Nguyễn Tiến Đạt, nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng thiếu xăng dầu là do cửa hàng thiếu nợ, dẫn đến đơn vị đầu mối không tiếp tục cung ứng xăng cho cửa hàng. Ông Đạt cho biết, trong 3 ngày gần đây, số lượng các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thiếu hụt nguồn hảng đã giảm đi, cụ thể: hôm 03/11 có 65 cửa hàng thiếu hụt nguồn hàng, hôm 02/11 là 87 cửa hàng. Tình trạng thiếu xăng, dầu cục bộ xảy ra rải rác, không riêng biệt địa bàn nào. Tuy nhiên, tình trạng đảm bảo tốt hơn ở các quận trung tâm.
“Không có địa bàn nào xảy ra tình trạng trắng cây xăng phục vụ. Trên địa bàn có cây xăng dừng hoạt động nhưng vẫn có cây xăng khác gần đó đảm bảo cung ứng xăng dầu cho người dân. Không có tình trạng cạn kiệt nguồn cung gây ra xáo trộn lớn đối với TP”, ông Đạt khẳng định.
Không có địa bàn nào tại TP.HCM xảy ra tình trạng trắng cây xăng phục vụ.
Thông tin về tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ tại 1 số địa phương, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, bối cảnh hiện nay thị trường mặt hàng xăng dầu trên thế giới có biến động rất bất thường do xung đột chính trị giữa các nước, nhất là kể từ khi cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine xảy ra gây khủng hoảng về nguồn cung xăng dầu trên toàn thế giới.
Trong khi đó, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu 20-30% lượng xăng dầu thành phẩm phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa và nhập khẩu nguyên liệu dầu thô để phục vụ hoạt động sản xuất xăng dầu thành phẩm của hai Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn và Nghi Sơn. Vì vậy, các vấn đề trên thị trường thế giới đã ảnh hưởng trực tiếp đến biến động của thị trường xăng dầu trong nước.
Bên cạnh đó, giá xăng dầu thế giới biến động nhiều và mạnh. Cụ thể, giá xăng dầu thành phẩm thế giới bình quân 10 tháng đầu năm 2022 đã tăng 57- 85% so với cùng kỳ năm 2021. Giai đoạn cuối tháng 6 đến cuối tháng 9/2022, giá xăng dầu có xu hướng giảm liên tục với biên độ lớn. Từ đầu tháng 10 đến nay, giá thành phẩm xăng dầu thế giới lại có xu hướng tăng trở lại do quyết định giảm sản lượng khai thác dầu của OPEC+ và hiện nay tiếp tục diễn biến phức tạp khó lường.
Nhiều DN đầu mối kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ do đã nhập khẩu khối lượng xăng dầu tương đối lớn với giá cao (trong quý II), từ quý III giá lại giảm liên tục. Do thua lỗ, nhiều DN đã thu hẹp hoạt động kinh doanh, nhập khẩu cầm chừng, cắt giảm chi phí kinh doanh trong đó có việc cắt giảm mạnh chiết khấu bán hàng dẫn đến DN bán lẻ xăng dầu không đủ chi phí duy trì kinh doanh và cắt giảm sản lượng hoặc gián đoạn việc bán hàng.
Tỉ giá USD/VND tăng cao; tình hình mưa bão ảnh hưởng đến việc vận chuyển xăng dầu cũng là những nguyên nhân làm chậm nguồn cung ứng xăng dầu trong một số thời điểm.
Về nhóm nguyên nhân chủ quan, Bộ Công Thương đưa ra 4 vấn đề: Các chi phí kinh doanh xăng dầu thực tế (chi phí vận chuyển, premium…) tăng cao nhưng những chi phí này chưa được rà soát, điều chỉnh tăng kịp thời; DN khó tiếp cận nguồn ngoại tệ, nguồn tín dụng; một số DN đầu mối khu vực phía nam bị tước Giấy phép kinh doanh xăng dầu trong thời gian 1-1,5 tháng (do vi phạm hành chính) dẫn đến ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu tại một số địa bàn; có DN đầu mối kinh doanh xăng dầu bị Tổng cục Hải quan ngừng thông quan mặt hàng xăng dầu do không đáp ứng điều kiện về việc kết nối dữ liệu điện tử.