Hà Nội, Thứ Ba Ngày 17/09/2024

Nông sản Việt mở rộng thị phần trong nước

TDVN 14:29 21/08/2024

Với dân số hơn 100 triệu người, thị trường trong nước là khu vực có tiềm năng lớn để đẩy mạnh tiêu thụ hàng nông sản.

Nông sản Việt cần tiếp tục nâng cao chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Câu chuyện kết nối thị trường, xúc tiến thương mại không chỉ cần thiết đối với hàng hóa xuất khẩu mà còn thực sự cấp thiết đối với hàng hoá trong nước. Các kênh bán lẻ chính là cầu nối hiệu quả giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Ông Lê Minh Sang - Giám đốc hợp tác xã trái cây Tân Mỹ (Bình Dương) từng chia sẻ kênh phân phối siêu thị đã hỗ trợ rất nhiều đầu ra sản phẩm cho bà con nông dân. Việc hợp tác giữa các nhà sản xuất nông sản với chuỗi bán lẻ rất có lợi cho nhà sản xuất khi đầu ra trôi chảy hơn, tránh được sụt giảm doanh thu và gia tăng được lợi nhuận. Từ đó hướng đến ổn định nguồn nguyên liệu không chỉ cho sản xuất tiêu thụ nội địa mà còn cho chế biến xuất khẩu.

Song, theo ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NNPTNT), hiện hầu hết với các doanh nghiệp (DN) lớn kinh doanh nông sản, đặc biệt là nông sản có giá trị cao đa số tập trung vào thị trường xuất khẩu; giá trị xuất khẩu trên thị trường quốc tế cao hơn thị trường trong nước.

Tuy nhiên, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay thị trường nội địa có dấu hiệu “nóng” lên khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng từ đầu năm đến nay đạt 3.625,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 2.801,1 nghìn tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Lê Việt Nga nêu rõ, điều đáng nói trong quá trình tăng trưởng của thị trường nội địa là hệ thống phân phối đã tập trung tiêu thụ hàng Việt, qua đó góp phần kích thích sản xuất trong nước. “Hiện trên các kệ hàng siêu thị, cửa hàng tiện lợi, ở thành thị, nông thôn… hàng Việt luôn chiếm tỷ trọng 85-90%” - bà Nga dẫn chứng.

Theo phân tích của giới chuyên gia, nếu DN bỏ thị trường nội địa tức là đã tạo cơ hội cho hàng nước ngoài. Chẳng hạn, nếu không chăm chút phát triển thị trường nội địa cho trái cây Việt Nam, trái cây ngoại nhập với những lợi thế về giá cả và mẫu mã sẽ chiếm ưu thế trên chính thị trường nội địa. Người nông dân và DN phải xác định rằng dù phục vụ thị trường nào cũng đều phải chăm chút để có sản phẩm nông nghiệp ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm... Thị trường trong nước cũng phải phân cấp ngay từ nơi sản xuất, chế biến, đóng gói bao bì nhãn mác đẹp.

Trước đây các DN lớn tập trung vào thị trường xuất khẩu thì nay đã bắt đầu quan tâm tới thị trường trong nước. Để các DN lớn trong nước ưu tiên cung cấp các nông sản chất lượng cao thì cần rất nhiều yếu tố. Đặc biệt khi thương mại điện tử bùng nổ, Bộ NNPTNT cần hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các DN, hợp tác xã đẩy mạnh quảng bá trên nền tảng mạng xã hội, vì những phiên livestream tạo ra hiệu ứng lan tỏa rất lớn. Qua các phiên livestream, người tiêu dùng sẽ nhận thức được giá trị từ sản phẩm, theo đó, khả năng chi trả của họ cho sản phẩm sẽ ở mức cao hơn.

Theo Đại đoàn kết

Link gốc : https://daidoanket.vn/nong-san-viet-mo-rong-thi-phan-trong-nuoc-10288413.html

Bạn đang đọc bài viết Nông sản Việt mở rộng thị phần trong nước tại chuyên mục Thị trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thị trường
Dù kết nối với địa phương, nhiều nhà bán lẻ lo ngại nguồn hàng do sản xuất nhỏ lẻ không đáp ứng được đơn hàng lớn, bảo quản và giao nhận khó khăn, gây chậm trễ và ảnh hưởng chất lượng sản phẩm.