Trong số các khách hàng trên, trước hết phải kể đến Trung Quốc.
Nguồn tin Moneycontrol ngày 16/11 cho biết, xuất khẩu gạo non-basmati của Ấn Độ trong giai đoạn tháng 01-10/2020 đã vượt quá khối lượng xuất khẩu của cả năm 2019, với hơn 6 triệu tấn (cả năm 2019 xuất khẩu 5,1 triệu tấn). Đáng chú ý, Trung Quốc đã mua khoảng 60.000 tấn gạo của 2 nhà máy Ấn Độ, và có thể sẽ mua khoảng 500.000 tấn/năm, không chỉ trong năm nay mà cả những năm sắp tới.
Trang Moneycontrol còn cho biết, có thông tin khách hàng Trung Quốc ngoài khối lượng gạo nhập khẩu chính ngạch thì đã mua một lượng lớn gạo của Ấn Độ qua các nước thứ ba, và số gạo đó có thể được giao dịch cả trên biển.
Trong khi đó, nguồn tin Thaibizmyanmar cũng cho biết, Bộ Thương mại Myanmar mới đây đưa tin nước này hiện không đáp ứng đủ nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc. Cụ thể, Trung Quốc hiện cần mua khoảng 80.000 bao gạo Myanmar mỗi ngày (1 bao = 50 kg), nhưng Myanmar chỉ có thể cung cấp trên 30.000 bao qua cửa khẩu Muse do những quy định nghiêm ngặt hơn trước để chống dịch Covid gây khó khăn cho việc vận chuyển.
Trung Quốc thường muốn mua gạo Pakistan vì mối quan hệ mật thiết giữa 2 bên, và gạo Myanmar xuất sang Trung Quốc ngoài đường chính ngạch có cả qua đường tiểu ngạch.
Việc Trung Quốc tích cực mua gạo vào lúc này cho thấy nguồn cung gạo trong nước có thể đã bắt đầu vào tình trạng khan hiếm, sau khi Chính phủ liên tục xả kho dự trữ gạo cũ suốt mấy năm qua, tiếp đến là dịch Covid-19 ảnh hưởng đến việc trồng lúa vụ đầu năm nay, rồi đến lũ lụt nghiêm trọng ảnh hưởng không nhỏ tới sản lượng lúa.
Các nguồn tin trong ngành gạo cho biết, thực trạng của ngành nông nghiệp Trung Quốc luôn là một bí ẩn, do thời tiết ở nước này suốt 5 năm qua có nhiều thay đổi thất thường (Mưa hoặc hạn hán đã ảnh hưởng đến một hoặc nhiều khu vực của nước này). Không ai biết chắc về tình trạng tồn kho thực tế của Trung Quốc, không chỉ đối với mặt hàng gạo mà cả những lương thực khác.
Theo các chuyên gia, Trung Quốc chắc chắn không muốn phụ thuộc vào một nguồn cung cấp duy nhất mà muốn đa dạng hóa nguồn cung. Do đó, nước này có thể xem xét việc mua khoảng 0,5 đến 1 triệu tấn gạo Ấn Độ mỗi năm trong dài hạn.
Tuy nhiên, khách hàng Trung Quốc mặc cả giá thấp hơn. Họ đã mua gạo trắng 100% tấm với mức giá khoảng 320 USD/tấn, trông khi giá gạo 25% tấm và 5% tấm dao động từ 330 đến 360 USD/tấn (FOB). So sánh, giá chào bán gạo cùng loại của Thái Lan và Việt Nam hiện ở mức trên 400 USD/tấn.
Ngoài Trung Quốc, Bangladesh là một khách hàng rất đáng lưu tâm.
Bangladesh là một trong những nước sản xuất gạo hàng đầu thế giới, nhưng mỗi khi gặp thiên tai nghiêm trọng đều phải nhập khẩu gạo, và khi đó sẽ tác động đẩy giá gạo Châu Á tăng mạnh. Gần đây nhất, Thiên tai năm 2014 đã buộc nước này phải tăng mạnh nhập khẩu gạo từ đó tới năm 2017, đẩy giá gạo thế giới lên cao kỷ lục trong năm 2017 và 2018.
Bangladesh thông báo sẽ mở thầu quốc tế từ ngày 26/11 đến 10/12 để mua 50.000 tấn gạo, và để ngỏ khả năng sẽ mua thêm 250.000 tấn nữa, nhằm giúp hạ nhiệt thị trường gạo nước này sau khi nguồn cung nội địa cạn kiệt vì thiên tai liên tiếp. Đây là lần đấu thầu nhập khẩu gạo đầu tiên của Bangladesh trong vòng 3 năm trở lại đây.
Chủ tịch Hiệp hội các nhà Xuất khẩu gạo, B.V. Krishna Rao, cho biết: "Lần cuối cùng Bangladesh mua gạo từ Ấn Độ đã khiến xuất khẩu gạo non-basmati của Ấn Độ tăng lên mức cao kỷ lục 8,6 triệu tấn. Giờ đây họ mua trở lại, và chúng tôi kỳ vọng xuất khẩu gạo năm nay sẽ đạt mức cao mới". Bangladesh cũng mua cả gạo đồ của Ấn Độ.
Theo ông Rao, Malaysia và Indonesia cũng đang xúc tiến mua gạo Ấn Độ và các nước xuất khẩu khác như Thái Lan và Việt Nam. Tuy nhiên, hạn hán nghiêm trọng ở Thái Lan từ năm ngoái kéo dài tới giữa năm nay, trong khi Việt Nam đang tập trung thực hiện các hợp đồng ký với Philippines, buộc Malaysia và Indonesia phải chuyển sang tìm mua gạo Ấn Độ với khối lượng lớn.
Như vậy, với thực trạng gạo Ấn Độ có nguồn cung dồi dào và giá đang rẻ hơn rất nhiều so với gạo Thái Lan và Việt Nam, trong khi vụ Kharif sắp tới dự báo sẽ cho sản lượng cao kỷ lục, sẽ là các điều kiện thuận lợi để Ấn Độ gia tăng mạnh mẽ xuất khẩu gạo trong thời gian tới. Nước này hy vọng năm nay tổng xuất khẩu gạo sẽ đạt 14 triệu tấn.
Tổng Công ty Lương thực Ấn Độ (FCI) tháng 4/2020 thông báo đã có 32,24 triệu tấn gạo dự trữ trong kho, ngoài 25,24 triệu tấn lúa - có thể cho 16,91 triệu tấn gạo. Kể ừ đó, dự trữ gạo của FCI giảm dần xuống 22,19 triệu tấn gạo và 10,97 triệu tấn lúa (có thể xay thành 7,3 triệu tấn gạo). Ngoài ra, chính quyền Liên minh đã mua 27,33 triệu tấn thóc và có thể sắp thu mua thêm 18,3 triệu tấn nữa.
Theo ước tính sơ bộ của Bộ Nông nghiệp Ấn Độ, sản lượng gạo vụ Kharif ước đạt 102,36 triệu tấn, so với 101,98 triệu tấn cùng vụ năm ngoái.
Tham khảo: Moneycontrol, Reuters,Thaibizmyanmar
Vân Chi
Theo Nhịp sống kinh tế