Hà Nội, Chủ nhật Ngày 28/04/2024

Tài xế, doanh nghiệp “khóc ròng” vì ách tắc cửa khẩu do virus corona

Theo Dân Việt 14:05 11/02/2020

Không chỉ nông sản bị ùn ứa ở cửa khẩu mà các lái xe chở hàng từ Trung Quốc trở về cũng bị cách ly 14 ngày. Rất nhiều doanh nghiệp rơi vào khó khăn, người lao động thất thu.

“Nếu biết trước sau khi về phải bị cách ly tôi đã không đi”

Mặc dù đã được thông quan từ ngày 5/2, tuy nhiên, đến nay, tại cửa khẩu Hữu Nghị, vẫn có hàng chục xe chở các mặt hàng nông sản ùn ứ chờ làm thủ tục. Từ sáng tới tối, xung quanh khu vực làm thủ tục thông quan tại cửa khẩu Hữu Nghị, các xe chở nông sản vẫn phải nổ máy liên tục, đặc biệt với các container lạnh.

Được biết, các xe tại đây chủ yếu chở hàng nông sản như: thanh long, mít, sầu riêng, dưa hấu,… được vận chuyển từ các tỉnh miền Nam, miền Tây. Theo chia sẻ của một số lái xe, họ đã phải chờ tại cửa khẩu từ 2 đến 3 ngày. Tính cả thời gian di chuyển từ một số tỉnh miền Tây như: Long An, Sóc Trăng,… đến khu vực cửa khẩu, các lái xe này đã phải di chuyển trên đường gần 1 tuần.

Khu cách ly tài xế trở về từ Trung Quốc tại bến xe Xuân Cương (cửa khẩu Hữu Nghị)

Tại khu cách ly thuộc nhà nghỉ Xuân Cương (thuộc bến xe Xuân Cương, gần cửa khẩu Hữu Nghị), trao đổi với Dân Việt, một số tài xế vừa trở về từ Trung Quốc cho biết, họ cảm thấy sốt ruột và không yên lòng khi phải cách ly tới 14 ngày. Nhiều tài xế cho hay, nếu biết trước thông tin sau khi lái xe sang Trung Quốc trở về phải bị cách ly, họ sẽ không nhận lời chở chuyến hàng đó.

Theo Phan Đình Sơn, tài xế người An Giang cho biết, sau khi chở hàng từ Trung Quốc về, anh đã phải ở khu cách ly này chung phòng cùng 4 người với giá 300.000 đồng/phòng. Bên cạnh đó, hàng ngày, mối tài xế đang được cách ly tại đây tốn khoảng 50.000 đồng/bữa ăn.

“Thu nhập một tháng của tôi khoảng 20 triệu, hiện tại, bị cách ly như vậy tiền không kiếm ra được mà mất thêm rất nhiều chi phí. Tôi cũng có nghe nói sẽ được hỗ trợ nhưng không biết cụ thể như thế nào. Thú thực là trước khi đi tôi cũng không biết thông tin là khi trở về sẽ bị cách ly như vậy, nếu biết trước dù có trả bao nhiêu tiền tôi cũng không đi.” Anh Sơn buồn rầu chia sẻ.

Cùng hoàn cảnh với anh Sơn, Thân Viết Long, một tài xế khác cũng đang trong khu cách ly bến xe Xuân Cương cho hay, việc cách ly các tài xế trở về từ Trung Quốc là cần thiết. Tuy nhiên, là lao động chính trong nhà có vợ và 2 con nhỏ, anh Long không khỏi lo lắng, sốt ruột khi nghĩ tới người thân.

“Là lao động chính trong nhà, hiện tại, khi phải cách ly tới 14 ngày, tôi rất lo lắng cho gia đình mình, không biết kinh tế sẽ xoay xở thế nào. Tuy nhiên, bây giờ có được về tôi cũng không dám vì sợ nguy hiểm cho vợ con.” Anh Long chia sẻ.

Doanh nghiệp bến xe thiệt hại tiền tỷ

Trao đổi với Dân Việt, đại diện bến xe Xuân Cương cho biết, cùng kỳ các năm trước, đây là thời điểm “vào mùa” khi các mặt hàng xuất khẩu liên tục được đưa lên, các dịch vụ bến bãi, nhà nghỉ,… có lượng khách rất đông.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, do ảnh hưởng của dịch bệnh do virus corona, lượng xe, hàng hóa rất ít, trong khi vẫn phải huy động lực lượng lớn nhân viên phục vụ các hoạt động phòng chống dịch. Theo ước tính, trong đợt dịch bệnh này, doanh nghiệp này có thể sẽ giảm tới 90% doanh thu so với cùng kỳ năm ngoái.

Xe hàng nối đuôi nhau chờ dài ở cửa khẩu Lạng Sơn

“Trong đợt dịch bệnh lần này, bến xe Xuân Cương cũng thiệt hại rất nhiều. Có thể thấy rất rõ, số lượng nhân công của doanh nghiệp phải làm việc rất đông, trong khi đó, hàng hóa lại không có. Ngoài ra, lương nhân viên từ dịp Tết tới giờ còn phải tăng gấp 3 lần.

Cùng kỳ năm ngoái, chúng tôi có doanh thu khoảng 10 tỷ/tháng nhưng năm nay ước tính sẽ giảm ít nhất là 90%.” Đại diện bến xe Xuân Cương cho hay.

Ngoài ra, bến xe Bảo Nguyên có chức năng hoạt động tương tự tại cửa khẩu Tân Thanh, cũng rơi vào tình trạng tương tự. Thậm chí, theo đại diện bến xe này, nếu tình trạng đóng cửa khẩu kéo dài, doanh nghiệp có thể sẽ phải chịu lỗ trong những tháng này.

“Hiện tại, vẫn có hàng trăm xe đỗ tại bến Bảo Nguyên với giá 400.000 đồng/ngày/đêm. Tuy nhiên, hiện tại, thời gian lưu trú rất lâu, điện phục vụ xe lạnh chạy liên tục nên có thể chúng tôi còn không đủ bù chi phí. Chưa kể các khoản khác như lương nhân viên, hàng trăm khối nước mỗi ngày… Thời gian này, ước tính chúng tôi thiệt hại từ 4 đến 6 tỷ đồng.” đại diện bến xe Bảo Nguyên thông tin.

Mới đây, theo thông tin từ Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc) vừa có công điện gửi Sở Ngoại vụ các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Hà Giang cho biết, chiều 7/2, Sở Thương mại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã trao đổi về việc khôi phục hoạt động trao đổi, giao thương của cư dân biên giới.

Theo ý kiến của Hải quan Nam Ninh, thời gian khôi phục sẽ phải lùi tới cuối tháng này thay vì ngày 10/2. Lý do, phía Hải quan Nam Ninh không đủ nhân sự vì nhiều cán bộ đang bị cách ly do dịch bệnh.

Tổng lãnh sự quán Việt Nam đang yêu cầu Sở Thương mại tỉnh Quảng Tây sớm gửi công hàm chính thức để phía Việt Nam chủ động thông tin cho các địa phương biên giới.

Bạn đang đọc bài viết Tài xế, doanh nghiệp “khóc ròng” vì ách tắc cửa khẩu do virus corona tại chuyên mục Thị trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thị trường
Giá vàng thế giới tăng nhẹ so với cuối tuần qua khi giới đầu tư chuyển hướng sang mặt hàng kim loại quý trước những lo ngại về tác động của virus corona đến nền kinh tế châu Á và toàn cầu.