Lễ cúng ông Công ông Táo 23 tháng Chạp mỗi năm trở thành một phần không thể thiếu trong phong tục truyền thống của người Việt, mang ý nghĩa tiễn các Táo về trời báo cáo công việc năm qua của gia chủ. Thời gian này các tiểu thương cũng đã tấp nập trưng bày hàng cúng lễ, nhận đặt lễ chuẩn bị cho ngày ông Công ông Táo.
Hàng hoá bày sẵn chờ khách. Ảnh: TXVN. |
Tiểu thương chờ khách
Kinh doanh mặt hàng đồ thờ cúng ở chợ Gia Lâm, Long Biên hơn 10 năm nay, chị Hoàng Thị Nhàn chia sẻ thông tin, bộ vàng mã lễ Táo Quân từ 30.000 - 150.000 đồng/bộ, tùy theo kích thước và loại giấy, chất lượng. Năm nào, cửa hàng của chị cũng chuẩn bị hơn 150 bộ kèm với vàng mã.
“ Các loại đồ bày ra treo ở đây chỉ mang tính tượng trưng, trong kho còn nhiều hơn nữa. Thời gian này người dân chưa đi mua sắm nhiều, phải 10 ngày nữa thì chợ sẽ tấp nập người hơn. Giá vàng mã thực ra cũng chẳng tăng giá như đồ tươi sống, và lượng khách cũng đã được ước chừng từ trước rồi” – chị Nhàn chia sẻ.
Cũng theo lời chị Nhàn, hơn 3 năm nay người dân cũng ít đốt vàng mã hơn. Đến sát ngày thì nhà nhà người người đi mua sắm. Cửa hàng của chị, sau 1 tuần nữa là phải huy động thêm cả người thân ra bán hàng.
Đon đả kéo khách và kể ra những đồ mã nên chuẩn bị trong ngày lễ ông Công, ông Táo, bà Mỹ Lan có cửa hàng chuyên bán đồ mã tại phố Tam Khương ( phường Khương Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội) nói, một năm vất vả rồi, chuẩn bị lễ cho ông Táo về trời cũng phải đầy đủ.
Bà Mỹ Lan kể chuyện với sự am hiểu phong tục, khách hàng già trẻ, nhất là người trẻ mà chưa có kinh nghiệm mua đồ lễ thì cứ mua sẵn cho đầy đủ, không lo bị thiếu. Trên thị trường ngày càng có nhiều sản phẩm đa dạng về mẫu mã, tính năng để đáp ứng yêu cầu từng gia đình. Một bộ vàng mã cúng ông Công ông Táo thường bao gồm: 2 chiếc mũ của 2 ông Táo, 1 chiếc mũ dành cho Táo bà, 3 cặp hài, 3 chú cá chép vàng, 3 bộ quần áo ông Công ông Táo.
Thời điểm này người bán hàng chờ khách song đến ngoài 20 âm lịch là các gia chủ hối hả đi mua. Lúc đó khách hàng chen chân nhau mua đồ lễ cho cả ông Công ông Táo và cả đồ lễ cho ngày Tết âm lịch, trung bình mỗi ngày bầ Lan bán hơn 30 bộ.
Khi hỏi về giá cả bà Mỹ Lan nói, hàng lấy từ xưởng bao nhiêu thì bán ra bấy nhiêu. Xưởng không tăng giá thì người bán cũng không dám tăng giá. Mua thời điểm này hay 10 ngày nữa mua giá cũng chỉ có vậy. Đồ lễ thường giao động từ 30.000 đồng/bộ – 250.000 đồng/bộ.
Ngoài đồ lễ là hàng mã, mặt hàng cá chép sống cũng được nhiều người dân tìm mua. Cá chép sống dùng để phóng sinh, thường được bày bán từ ngày 19 tháng Chạp.
Chủ cửa hàng Quyền Hà, bán cá ở chợ La Khê, quận Hà Đông cho biết, cá chép năm nay giá bán dự báo cũng không tăng so với năm ngoái, vào khoảng 40.000 đồng/cặp, loại nhỏ thì từ 20.000 đồng - 30.000 đồng/cặp, giá đổ buôn từ 60.000 đồng đến 90.000 đồng/kg. Các tiểu thương ở các chợ dân sinh, chợ truyền thống mua về và chia vào các túi nhỏ bán cho người dân, phục vụ nhu cầu lễ tiễn ông Táo về trời của nhiều gia đình.
Chị Thanh Nga trú tại phường Thành Công, quận Đống Đa đã đưa ra tính toán, năm nay ngày ông Công, ông Táo rơi vào thời điểm giữa tuần, nên chị sẽ chị tranh thủ đi mua đồ lễ và làm cúng sớm vào cuối tuần. Chị cũng cho hay, mua sớm giá phải chăng hơn mà đỡ phải chen chúc nhau.
“Kinh tế khó khăn nên mua đồ lễ cũng tiết kiệm, hợp lý. Hi vọng giá cả ngày cận tết sẽ không biến động so với trong năm”, chị Nga nói.
Đẩy mạnh bán hàng online
Để chuẩn bị cho lễ cho ngày ông Công ông Táo, nhiều gia chủ ngoài hàng mã còn sắm thêm lễ mặn. Ghi nhận tại các chợ truyền thống như chợ Ngọc Thuỵ, chợ Gia Lâm, chợ Thái Hà, chợ Hà Đông các tiểu thương đều cho biết thời điểm này lượng hàng hóa bày bán chưa nhiều.
Chị Đào Thu Thủy, người chuyên bán gà lễ cúng tại Chợ Hôm cho biết, từ đầu tháng 12 cửa hàng đã chuẩn bị hàng để phục vụ lễ tết. Nhiều khách hàng cẩn trọng ra chợ chọn từng đồ lễ, song xu hướng chung mọi người đặt mua online để đỡ tốn thời gian
Chị Mai Hương (chợ Gia Lâm – Long Biên, Hà Nội) cho biết, bên cạnh quầy hàng ở ngay cổng chợ bán đồ lễ, cửa hàng tập trung bán online. Online mang lại doanh thu tốt hơn và đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của giới trẻ hiện nay. Dịp ông Công ông Táo và lễ tết, gia đình chị nhận đặt đơn hàng qua điện thoại, qua facebook zalo. Khách hàng sẽ có thể có nhiều lựa chọn từ lễ chay đến lễ mặn…
Chợ Hàng Bè, phố Gia Ngư, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội vốn được biết đến là khu chợ chuyên bán đồ ăn ngon và giá khá cao với những món ăn nấu sẵn có chất lượng thuộc hàng chọn lọc và hương vị thơm ngon. Khu vực sầm uất nhất ở chợ Hàng Bè trước dịp lễ cúng ông Công, ông Táo cũng là địa chỉ bày bán đồ lễ thực phẩm như xôi, gà, canh măng, canh bóng... các ngày trong tuần.
Nhiều cửa hàng ở chợ Hàng Bè những ngày này khi khách đến mua hàng đã giới thiệu và quảng cáo dịch vụ “ship hàng tận nhà”, đưa số điện thoại cho khách nếu khách có nhu cầu mua hàng chỉ cần “ alo là có”.
Chị Hoành Anh, tiểu thương ở chợ Hàng Bè nói, càng cận tết ông Công ông Táo, cận Tết ta thì hàng càng lên giá. Năm ngoái, gà luộc sẵn ngậm thêm 1 bông hoa hồng có giá từ 500.000 đồng - 700.000 đồng/con tùy vào trọng lượng; canh măng, canh bóng có giá 150.000 đồng/bát, chim quay 150.000 đồng/con, tôm chiên 200.000 đồng/6 con, nộm 50.000 đồng/đĩa, xôi gấc 45.000 đồng - 80.000 đồng/đĩa… Năm nay, giá cũng tương tự như vậy.
Nhiều khách hàng ngoài việc đặt hàng ở chợ để đến ngày nhận hàng cũng lên mạng tìm các địa chỉ bán hàng online để mua. Theo tìm hiểu, một số cá nhân đã đăng tin, mâm cỗ cúng đầy đủ được bán với giá từ 1 triệu đồng - 1,3 triệu đồng/mâm tùy theo lựa chọn của từng khách hàng.
Chợ truyền thống hàng hoá dồi dào, siêu thị “ dàn trận” tung khuyến mãi
Qua khảo sát tại các chợ truyền thống, chợ đầu mối như chợ Kim Liên (Đống Đa), chợ Thành Công (Ba Đình), chợ gốc Đề (Hoàng Mai), chợ Nguyễn Công Trứ, chợ Hôm Đức Viên (Hai Bà Trưng), chợ đầu mối phía Nam (Hoàng Mai)… hàng hóa được các tiểu thương bày bán khá đa dạng, phong phú, dồi dào, giá cả ổn định, mặc dù sức mua chưa tăng.
Không chỉ các chợ truyền thống lên hàng phục vụ nhu cầu mua sắm lễ ông Công ông Táo, và tết Nguyên Đán Ất Tỵ sắp tới, các siêu thị lớn cũng "dàn trận" tung khuyến mãi để hút người dân.
Tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc siêu thị Co.op Mart Hà Đông cho biết, nhằm chủ động nguồn cung, đảm bảo giá cả ổn định phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong 3 tháng trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2025, siêu thị đã chủ động triển khai xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện dự trữ nguồn hàng ngay từ giữa năm 2024 với tổng sản lượng dự trữ hơn 12.000 tấn.
Phần lớn ngân sách ưu tiên cho 9 nhóm hàng bình ổn thị trường gồm: gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản với mức tăng từ 30 - 50% so với tháng thường, tương ứng tổng giá trị lên đến 10.000 tỉ đồng. Phần còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm khác và các loại đặc sản Tết, ngoài chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu phục vụ Tết Ất tỵ 2025.
Tương tự, hệ thống siêu thị Winmart tổ chức chương trình khuyến mại, giảm giá "Tết tuyệt nhất - Tết cùng Winmart".
Theo đó, từ nay đến hết ngày 15/1, hệ thống siêu thị Winmart tung ra chương trình giảm giá đến 50% cho mặt hàng thực phẩm, bánh kẹo, trái cây tươi, 200 mặt hàng tiêu dùng thiết yếu được áp dụng chương trình khuyến mại mua 1 tặng 1. Chương trình hội viên WiN tiếp tục ưu đãi 20% cho các sản phẩm rau sạch WinEco và thịt mát MEATDeli từ nay cho tới cuối năm.
Không chịu thua kém hệ thống siêu thị LOTTE Mart triển khai chương trình khuyến mãi "Tết đủ đầy Tỵ tấn tài" với nhiều ưu đãi hấp dẫn.
Để hỗ trợ người dân mua sắm Tết an toàn, tiết kiệm, đặc biệt là người dân ở vùng nông thôn, Co.opmart, Co.opXtra cũng mở dịch vụ giao hàng mở rộng với bán kính từ 6km và không điều kiện giá trị hóa đơn.
Theo Đại Đoàn Kết