Hà Nội, Chủ nhật Ngày 24/11/2024

Thị trường ngày 12/8: Giá vàng lao dốc mạnh mất hơn 5%, bạc giảm 13%

TDVN 09:11 12/08/2020

Vàng vừa trải qua phiên giảm sâu nhất trong 7 năm, dầu thô cũng giảm giá...

Chốt phiên giao dịch ngày 11/8, giá vàng lao dốc mạnh giảm hơn 5%, dầu giảm trở lại, bạc giảm hơn 13%, trong khi khí tự nhiên cao nhất 7 tháng, nhôm cao nhất 6,5 tháng, quặng sắt, đường, ngô, đậu tương và lúa mì đồng loạt tăng.

Giá dầu giảm trở lại

Giá dầu giảm khoảng 1% sau khi tăng trong đầu phiên giao dịch, do các trường hợp nhiễm virus corona trên toàn cầu gia tăng, làm lu mờ kỳ vọng gói kích thích nhằm cứu trợ nền kinh tế Mỹ.

Chốt phiên giao dịch ngày 11/8, dầu thô Brent giảm 49 US cent tương đương 1,1% xuống 44,5 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI giảm 33 US cent tương đương 0,8% xuống 41,61 USD/thùng.

Giá dầu chịu áp lực giảm do hoạt động bán ra chốt lời trước số liệu tồn trữ dầu thô của Mỹ được đưa ra. Viện Dầu mỏ Mỹ cho biết, tồn trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước giảm 4 triệu thùng, cao hơn so với dự kiến giảm 2,9 triệu thùng của các nhà phân tích .

Giá khí tự nhiên cao nhất 7 tháng

Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 12/2019, do sản lượng giảm, dự báo thời tiết nóng đến cuối tháng 8/2020 và xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng tăng.

Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn New York tăng 1,8 US cent tương đương 0,8% lên 2,171 USD/mmBTU, cao nhất kể từ ngày 26/12/2019.

Giá vàng giảm hơn 5%, bạc giảm hơn 13%

Giá vàng giảm hơn 5% - ngày giảm mạnh nhất trong 7 năm, do nhu cầu rủi ro tăng trở lại sau con số kinh tế đáng khích lệ và kỳ vọng gói cứu trợ virus corona mới thúc đẩy chỉ số S&P 500 lên gần mức cao kỷ lục.

Vàng giao ngay trên sàn LBMA giảm 5,2% xuống 1.921,5 USD/ounce, giảm từ mức cao kỷ lục (2.072,5 USD/ounce) trong ngày 7/8/2020 và có ngày giảm mạnh nhất kể từ tháng 6/2013. Vàng kỳ hạn tháng 12/2020 trên sàn New York giảm 4,6% xuống 1.946,3 USD/ounce.

Đồng thời, giá bạc giảm 13,4% xuống 25,24 USD/ounce, trong phiên có lúc giảm 13,8% - ngày giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2008

Giá sản xuất của Mỹ trong tháng 7/2020 tăng hơn so với dự kiến và chỉ số S&P 500 tăng lên gần mức cao kỷ lục.

Giá đồng giảm, nhôm cao nhất 6,5 tháng

Giá đồng giảm do các nhà đầu tư lo ngại về căng thẳng Mỹ - Trung và tác động kinh tế của đại dịch Covid-19.

Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 0,2% xuống 6.386,5 USD/tấn, sau khi giảm xuống mức thấp nhất 1 tháng trong ngày 7/8/2020 và tăng trở lại 1,4% trong phiên trước đó.

Tuy nhiên, tính đến nay giá đồng tăng 45% kể từ mức thấp nhất 4 năm (4.371 USD/tấn) trong tháng 3/2020.

Đồng thời, giá nhôm trên sàn London giảm 0,1% xuống 1.786 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 1.792,5 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 24/1/2020.

Giá quặng sắt tăng, thép giảm

Giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng, rời khỏi chuỗi giảm 2 phiên liên tiếp, bởi tồn trữ quặng sắt tại các cảng giảm và nhu cầu tại các lĩnh vực hạ nguồn tăng.

Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn Đại Liên tăng 2,3% lên 834 CNY (119,89 USD)/tấn, trong đầu phiên giao dịch giá quặng sắt tăng 4,5% lên 852 CNY/tấn.

Tồn trữ quặng sắt tại các cảng của Trung Quốc tính đến tuần kết thúc ngày 7/8/2020 giảm tuần thứ 2 liên tiếp xuống 116,15 triệu tấn, công ty tư vấn SteelHome cho biết.

Trong khi đó, trên sàn Thượng Hải giá thép cây kỳ hạn tháng 10/2020 giảm 0,7% xuống 3.795 CNY/tấn, giá thép cuộn cán nóng giảm 0,5% xuống 3.872 CNY/tấn. Giá thép không gỉ giảm 1,9% xuống 13.975 CNY/tấn.

Giá cao su giảm

Giá cao su tại Osaka giảm lần đầu tiên trong 6 phiên, khi con số chính thức cho thấy tác động của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế Nhật Bản và nhu cầu hàng hóa suy giảm.

Giá cao su kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn OSE giảm 3,3 JPY tương đương 1,9% xuống 174,4 JPY/kg.

Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Thượng Hải giảm 90 CNY xuống 12.365 CNY/tấn.

Nhật Bản ghi nhận thặng dư tài khoản vãng lai chạm mức thấp nhất trong hơn 5 năm, do xuất khẩu suy giảm khi nhu cầu nước ngoài bị ảnh hưởng nặng nề bởi virus corona bùng phát.

Giá đường tăng

Giá đường tăng do lo ngại nguồn cung tại Thái Lan – nước xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới sau Brazil – giảm và dấu hiệu nhu cầu tại châu Á hồi phục.

Giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2020 trên sàn ICE tăng 0,19 US cent tương đương 1,5% lên 12,74 US cent/lb, sau khi đạt mức cao nhất (13 US cent/lb) kể từ ngày 6/3/2020 trong ngày 7/8/2020.

Đồng thời, giá đường trắng giao cùng kỳ hạn trên sàn London tăng 1,3 USD tương đương 0,4% lên 371,9 USD/tấn.

Mối lo ngại về hạn hán tại Thái Lan và các dấu hiệu nhu cầu tại châu Á cải thiện đã hỗ trợ giá đường. Thái Lan dự kiến sẽ sản xuất ít đường hơn trong niên vụ 2020/21 sau khi sản lượng chạm mức thấp nhất 1 thập kỷ trong niên vụ này, Cơ quan mía đường Thái Lan cho biết. Đồng thời, đồng real Brazil suy yếu cũng thúc đẩy giá đường tăng.

Giá cà phê giảm

Giá cà phê giảm do đồng real Brazil suy yếu và vụ thu hoạch tại nước sản xuất hàng đầu – Brazil – bội thu.

Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 12/2020 trên sàn ICE giảm 1,7 US cent tương đương 1,5% xuống 1,136 USD/lb, giảm phiên thứ 4 liên tiếp kể từ mức cao nhất 4,5 tháng trong ngày 5/8/2020.

Đồng thời, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 11/2020 trên sàn London giảm 20 USD tương đương 1,5% xuống 1.337 USD/tấn.

Giá đậu tương, lúa mì và ngô tăng

Giá ngô tại Mỹ tăng, do tác động của cơn bão ảnh hưởng đến năng suất cây trồng tại khu vực trung tây Mỹ, làm lu mờ dự kiến vụ thu hoạch bội thu.

Trên sàn Chicago, giá ngô kỳ hạn tháng 12/2020 tăng 1/2 US cent lên 3,23-1/2 USD/bushel, trong phiên có lúc đạt mức cao nhất 1 tuần (3,27-1/2 USD/bushel). Giá đậu tương kỳ hạn tháng 8/2020 tăng 1/4 US cent lên 8,73-3/2 USD/bushel. Giá lúa mì kỳ hạn tháng 9/2020 tăng 4 US cent lên 4,95 USD/bushel.

Giá dầu cọ tăng

Giá dầu cọ tại Malaysia tăng theo xu hướng các loại dầu thực vật khác trên sàn Đại Liên và Chicago tăng, song mức tăng bị hạn chế bởi lo ngại nhu cầu khi số liệu điều tra cho thấy rằng, xuất khẩu trong giai đoạn đầu tháng 8/2020 suy giảm.

Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 10/2020 trên sàn Bursa Malaysia tăng 24 ringgit tương đương 0,89% lên 2.277 ringgit (542,53 USD)/tấn, sau khi tăng 1,78% trong đầu phiên giao dịch.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 12/8

Theo CafeF

Link gốc : https://cafef.vn/thi-truong-ngay-12-8-gia-vang-lao-doc-manh-mat-hon-5-bac-giam-13-20200812065821685.chn

Bạn đang đọc bài viết Thị trường ngày 12/8: Giá vàng lao dốc mạnh mất hơn 5%, bạc giảm 13% tại chuyên mục Thị trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thị trường