Nếu như các năm trước, bắt đầu vào tháng 7 âm lịch trên các tuyến phố ở Hà Nội đã xuất hiện hàng loạt điểm bán bánh Trung thu của nhiều thương hiệu thì năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các điểm bán này ít hơn hẳn, quy mô cũng không rộng và khá vắng khách.
Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng năm nay các hãng vẫn tung ra nhiều sản phẩm mang phong cách riêng cho mùa Trung thu. Theo đó, ở phân khúc bánh cao cấp, lấy cảm hứng từ hoa sen, bộ sưu tập bánh Trung thu chủ đề hoa sen được Công ty cổ phần thực phẩm Hữu Nghị (Hữu Nghị) giới thiệu với khách hàng. Không chỉ kết tinh từ hương vị truyền thống và những sản vật quý hiếm, bộ sản phẩm này của Hữu Nghị còn gửi gắm những nét đẹp của nghệ thuật ẩm thực qua các hộp Thanh Nguyệt tinh khôi, Tinh hoa, Trứ danh, Trác tuyệt và cả những lời chúc Thu như ý với hộp Thanh Nguyệt đoàn viên, Bình an, Phú túc, Ðại phát.
Bên cạnh đó vẫn có các loại bánh hương vị truyền thống. Công ty Hữu Nghị cũng xây dựng chính sách giá phù hợp với các khoảng giá khác nhau hướng tới đa dạng đối tượng khách hàng. Giá bánh năm nay dao động từ 40 nghìn đồng đến 100 nghìn đồng/chiếc, các hộp đặc biệt với thiết kế tinh tế và nguyên liệu hảo hạng có giá từ 330 nghìn đồng đến 1,3 triệu đồng/hộp.
Các thương hiệu khác như Rivral, Brodard, Kinh Đô, Đồng Khánh, Bibica... cũng đồng loạt tung ra những sản phẩm thế mạnh có giá từ vài trăm đến vài triệu đồng. Nhiều cơ sở sản xuất bánh Trung thu home made đến thời điểm này cũng đồng loạt đăng hàng chào khách, giá của bánh Trung thu home made bán online thường rẻ hơn thương hiệu của các doanh nghiệp, với giá từ 200 nghìn/ hộp 4 chiếc đến 500 nghìn/ hộp cho dòng cao hơn.
Với sự ảnh hưởng của dịch Covid- 19, thay vì đến các điểm bán bánh Trung thu để mua bánh, nhiều người tiêu dùng đã thay đổi thói quen bằng cách chuyển sang mua hàng online. Chính vì vậy, thị trường bánh Trung thu trực tuyến nhộn nhịp, sôi động hơn hẳn thị trường truyền thống.
Tuy nhiên, bên cạnh các loại bánh Trung thu có thương hiệu, rõ về nguồn gốc, xuất xứ, các loại bánh Trung thu được quảng cáo là hàng nội địa Trung Quốc cũng đang dồn dập “đổ bộ” trên hàng loạt trang web bán hàng trực tuyến. Theo đó, các sản phẩm bánh Trung thu mi-ni nội địa Trung Quốc đang được khá nhiều người quan tâm với 24 vị cả chay và mặn với giá bán từ 65 nghìn đồng đến 115 nghìn đồng/20 chiếc hoặc bán theo cân từ 89 nghìn đồng đến 99 nghìn đồng/kg. Hay bánh ngàn lớp trứng muối chảy với giá từ 79 nghìn đồng đến 99 nghìn đồng/hộp/6 cái...
Để sản xuất, kinh doanh đưa sản phẩm bánh kẹo nói chung và bánh Trung thu ra thị trường đòi hỏi doanh nghiệp cần công bố tiêu chuẩn chất lượng phù hợp, đảm bảo các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Việc công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm mà cụ thể trong trường hợp này là sản phẩm bánh trung thu là việc bắt buộc phải làm. Quan trọng nhất là thực hiện đầy đủ việc công bố tiêu chuẩn thực phẩm đúng quy định sẽ là cơ sở đảm bảo an toàn tránh rủi ro cho người tiêu dùng. Ngoài việc công bố tiêu chuẩn chất lượng bánh Trung thu, cơ sở sản xuất, kinh doanh cần phải đáp ứng các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định pháp luật. |
Các loại bánh này có trọng lượng khoảng 40 gram, kích thước bằng một phần tư bánh Trung thu thông thường, bao bì ghi chữ Trung Quốc, không có tem phụ bằng tiếng Việt, người mua không rõ hạn sử dụng, không rõ nơi sản xuất, thành phần…
Thực tế, với các sản phẩm còn đang mập mờ thông tin như trên, người tiêu dùng cần hết sức cẩn trọng khi liên tiếp trong thời gian gần đây, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các đơn vị phát hiện, kiểm tra và thu giữ hàng nghìn sản phẩm bánh Trung thu nhập lậu. Ðiểm chung của các sản phẩm này là không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ, hạn sử dụng, không rõ chất lượng, không bảo đảm an toàn sử dụng, được nhập lậu với giá rẻ từ Trung Quốc về để bán kiếm lời.
Bên cạnh đó, các sản phẩm bánh Trung thu sản xuất trong nước dưới dạng home made được sản xuất với nguyên liêu trôi nổi cũng được rao bán khá nhiều trên mạng xã hội. Theo đó, các loại bánh này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATVSTP.
Trước tình hình này, để góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng dịp Tết Trung thu năm 2020, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã có công văn yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp trước, trong và sau Tết Trung thu 2020. Theo đó, trước Tết Trung thu, cần kiểm tra việc vận chuyển, sản xuất, kinh doanh các nguyên liệu làm bánh Trung thu như nhân bánh, mứt bí, hạt dưa, lạp xưởng, nước đường, trứng muối... để kịp thời ngăn chặn các hành vi nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm trên địa bàn được phân công quản lý.
Tổng cục QLTT lưu ý các Cục QLTT địa phương tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh Trung thu quy mô lớn, đầu mối cung cấp, địa điểm tập kết nguồn hàng; yêu cầu các Cục QLTT tỉnh, thành phố khu vực biên giới và các tỉnh, thành phố dọc theo tuyến vận chuyển từ biên giới vào địa bàn tỉnh, thành phố có phương án kiểm tra đột xuất, ngăn chặn và xử lý vi phạm về vận chuyển, kinh doanh các loại nhân bánh làm sẵn, bánh Trung thu giá rẻ, nghi ngờ có nguồn gốc từ nước ngoài nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, tăng cường quản lý địa bàn, lập danh sách các cơ sở sản xuất bánh Trung thu và chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn kiểm tra điều kiện chung về an toàn thực phẩm như: Ðiều kiện vệ sinh cơ sở sản xuất, nhà xưởng, trang thiết bị dụng cụ, nhất là các cơ sở sản xuất tự phát, hoạt động không phép, không bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất; chú ý kiểm tra các loại bánh Trung thu được sản xuất theo phương thức cổ truyền, bánh tự làm không công bố chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ...
Cùng với những biện pháp của ngành chức năng, để bảo vệ sức khỏe của gia đình và người thân, các chuyên gia trong ngành vệ sinh an toàn thực phẩm cho rằng, hiện nay việc mua bánh Trung thu online còn tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, bởi việc bán các sản phẩm này qua mạng hiện nay rất tự phát, tràn lan, thiếu sự kiểm soát về quy chuẩn thực phẩm đối với các sản phẩm này. Do vậy, người tiêu dùng cần hết sức cẩn trọng khi đặt mua bánh Trung thu online không rõ nguồn gốc bởi các sản phẩm này rất có thể sẽ tiềm ẩn các nguy cơ về mất vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh mua hàng trôi nổi, hàng không có giấy tờ kiểm định của cơ quan chức năng.
Theo PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban BQL ATTP TP.HCM, để sản xuất và kinh doanh bánh trung thu đòi hỏi các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải đáp ứng các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm như Giấy chứng nhận Cơ sở đủ điều kiện An toàn thực phẩm hoặc cơ sở đã được cấp một trong số các Giấy chứng nhận chất lượng khác như HACCP, ISO 22000, IFS, BRC, FSSC 22000 hoặc tương đương còn hiệu lực.
Đồng thời, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh bánh trung thu phải thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, sử dụng phụ gia thực phẩm nằm trong danh mục được cho phép của Bộ Y tế và phải thực hiện việc tự công bố chất lượng sản phẩm và quy định về nhãn sản phẩm như tên hàng hóa, tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá, định lượng, ngày sản xuất và hạn sử dụng, xuất xứ hàng hoá, thành phần và định lượng, thông số kỹ thuật, thông tin cảnh báo, các nội dung khác thể hiện trên nhãn hàng hóa… Riêng đối với sản phẩm nhập khẩu phải có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt rõ ràng, đảm bảo đầy đủ nội dung theo quy định.
“Nếu như bắt được bánh trung thu không có nhãn mác nguồn gốc lưu hành trên thị trường thì tất cả sẽ bị tịch thu tiêu hủy và xử phạt rất nặng chứ không loay hoay thử nghiệm chứa chất này chất kia nữa, vì tất cả những mặt hàng không được kiểm tra, kiểm soát thì không được đưa ra thị trường”, bà Lan nói.