Áp lực tỷ giá liên tục đạt đỉnh
Năm 2023 khép lại với “diễn biến êm đềm” về biến tỷ giá giữa VND và USD. Tính đến cuối năm 2023, tỷ giá trung tâm đạt mức 23.866 VND/USD, tăng gần 1,1% so với cuối năm 2022.
Bước sang năm 2024 xuất hiện những “sóng lớn tỷ giá”, theo cách nói của nhóm chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) trong Báo cáo Triển vọng kinh tế Việt Nam quý I. Đến cuối tháng 4, tỷ giá VND/USD đã tăng 4,4% so với đầu năm, và trong tháng 5 tỷ giá vẫn diễn biến căng thẳng. “Từ đầu năm đến nay, thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong nước chịu áp lực từ những biến động khó lường của thị trường tài chính toàn cầu, cộng hưởng với những thách thức, khó khăn trên thị trường trong nước”, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xác nhận.
Cụ thể, ông Quang cho biết, lạm phát duy trì cao tại Mỹ, khiến thị trường quốc tế liên tục điều chỉnh dự báo và lùi thời điểm dự kiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) giảm lãi suất. Sự thay đổi kỳ vọng của thị trường về lộ trình chính sách tiền tệ, cắt giảm lãi suất của FED, cùng với gia tăng căng thẳng địa chính trị tại một số vùng lãnh thổ khiến đồng USD quốc tế tăng giá mạnh. Có thời điểm, chỉ số USD (DXY) tăng 5% so với đầu năm 2024, tạo áp lực mất giá lên các đồng tiền khác, trong đó có VND.
Bên cạnh đó, từ đầu năm đến giữa tháng 5.2024, nhập khẩu của nước ta phục hồi mạnh - ước đạt 132,23 tỷ USD, tăng 19,7 tỷ USD (tăng 17,5%) so với cùng kỳ năm 2023, làm tăng nhu cầu mua ngoại tệ, đặc biệt nhu cầu ngoại tệ để thanh toán nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu.
Cũng theo ông Quang, trong khi Mỹ tiếp tục giữ lãi suất USD ở mức cao thì lãi suất VND thấp hơn so với lãi suất USD quốc tế - khiến chênh lệch lãi suất giữa 2 đồng tiền âm. Điều này thúc đẩy các tổ chức kinh tế mua ngoại tệ kỳ hạn để phục vụ thanh toán trong tương lai, tức là nhu cầu ngoại tệ trong tương lai bị chuyển về hiện tại; đồng thời khách hàng có nguồn thu ngoại tệ lại trì hoãn bán cho các ngân hàng, khiến cân đối cung cầu ngoại tệ kém thuận lợi trong ngắn hạn và gây áp lực lên tỷ giá. Tính chung từ đầu năm 2024 đến nay, VND giảm giá khoảng 5% so với USD, tương tự xu hướng mất giá của các đồng tiền trong khu vực: Đô-la Đài Loan (-5,06%); Baht Thái (-6,31%); Won Hàn Quốc (-5,66%); Yên Nhật (-10,87%); Rupiah Indonesia (-3,87%); Peso Philippines (-4,82%); Nhân dân tệ (-2,04%), ông Quang cho biết.
Khó khăn chỉ là ngắn hạn
Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ khẳng định tất cả các khó khăn, thách thức chỉ là ngắn hạn. Lý do là, trong thời gian tới, với đà phục hồi khả quan của xuất khẩu thì nguồn cung ngoại tệ của thị trường sẽ được hỗ trợ gia tăng. Hơn nữa, doanh nghiệp vừa qua đã tăng mạnh mua ngoại tệ kỳ hạn, đây là yếu tố làm giảm bớt nhu cầu ngoại tệ trong tương lai. Vì vậy, cân đối cung - cầu ngoại tệ có nhiều khả năng được cải thiện tích cực hơn tới đây. Đồng thời, giới tài chính quốc tế duy trì quan điểm dự báo nhiều khả năng FED sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối năm 2024, từ đó giảm bớt áp lực mất giá cho các đồng tiền trên thế giới, trong đó có VND.
“Dựa trên các yếu tố căn bản trong và ngoài nước như đề cập nêu trên, nhiều tổ chức quốc tế dự báo khả năng VND tăng giá trở lại khi các yếu tố căn bản này dần được hiện thực hóa trong thời gian tới”, ông Quang cho biết.
Cũng theo ông Quang, mức giảm giá của VND thời gian qua có thể nhận định là mức trung bình so với các đồng tiền khác trong khu vực và trên thế giới. Với cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm và biên độ +/-5% hiện nay, tỷ giá thị trường đã có đủ dư địa để diễn biến linh hoạt. Ông khẳng định, một số thông tin gần đây về thay đổi điều hành tỷ giá của NHNN là không chính xác, tạo tâm lý bất ổn trên thị trường, do đó, doanh nghiệp và người dân cần thận trọng.
Lãi suất sẽ là công cụ hữu hiệu nhất
Để ổn định thị trường ngoại tệ, hạn chế áp lực lên tỷ giá, thời gian qua, NHNN điều hành tỷ giá linh hoạt; đồng thời phát hành tín phiếu với kỳ hạn và khối lượng phù hợp nhằm điều tiết lượng tiền VND dư thừa, hạn chế các yếu tố gia tăng áp lực lên tỷ giá. Cùng với đó, từ ngày 19.4, NHNN bán ngoại tệ can thiệp hỗ trợ thanh khoản thị trường. Lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, các giải pháp này cũng sẽ được duy trì trong thời gian tới nếu tỷ giá tiếp tục chịu áp lực lớn.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cần có thêm giải pháp hiệu quả hơn. “Mặc dù các cơ quan quản lý đã rất nỗ lực để kiểm soát tỷ giá nhưng trong bối cảnh xuất siêu giảm, áp lực lên cung cầu ngoại tệ còn kéo dài, các giải pháp vừa qua là hút thanh khoản hay bán dự trữ ngoại hối sẽ khó đủ để tiếp tục ổn định tỷ giá. Lãi suất sẽ là công cụ hữu hiệu nhất để kiểm soát đồng VND”, nhóm nghiên cứu của VEPR nhận xét.
Báo cáo của VEPR cho biết, về lý thuyết, lãi suất là nhân tố quyết định hàng đầu đến giá trị đồng tiền. Kể từ năm 2022, lãi suất đồng VND đã không còn cao hơn USD. Đặc biệt, kể từ cuối 2023 đến nay khoảng cách chênh lệch này đã được nới rộng khi lãi suất ở Việt Nam đã xuống mức “thấp nhất 20 năm”.
Theo Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), chênh lệch lãi suất USD và VND ở mức âm sẽ kích thích các giao dịch chênh lệch lãi suất. Chênh lệch lãi suất USD và VND lớn khiến việc mua và nắm giữ USD trở nên hấp dẫn hơn, khuyến khích tăng các giao dịch; từ đó, gây áp lực lên tỷ giá.
“Chênh lệch lãi suất VND - USD vẫn duy trì ở mức âm” cũng là một nhận định được in nghiêng, có lẽ mang hàm ý nhấn mạnh hoặc đặc biệt lưu ý, trong báo cáo thẩm tra kinh tế - xã hội của Ủy ban Kinh tế tại kỳ họp đang diễn ra của Quốc hội.
Trong bối cảnh những yếu tố tác động bên ngoài khó lường, đặc biệt là lạm phát ở Mỹ khiến FED chưa có động thái rõ ràng về việc có giảm lãi suất hay không, điều hành tỷ giá ổn định không có nghĩa là cố định mà linh hoạt, VEPR khuyến nghị.
Theo Báo Đại biểu Nhân dân