Theo Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2019, xuất khẩu các sản phẩm mây tre của Việt Nam đạt 474 triệu USD, tăng 44,4% so với năm 2018, là nhóm sản phẩm cho giá trị cao nhất trong lâm sản ngoài gỗ.
Thị phần xuất khẩu của ngành mây tre Việt Nam mới chỉ chiếm chưa đến 3% thị trường thế giới. (Ảnh: Internet) |
Sản phẩm mây, tre, cói của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang các nước EU chiếm 31,44% tỷ trọng và tăng 35,36% so với năm trước. Tiếp đến là thị trường Mỹ, chiếm 19,5% và tăng gần gấp đôi so với năm 2018; thị trường Nhật Bản chiếm 9,3% và tăng trưởng 10,8%. Sản phẩm mây, tre, cói của Việt Nam còn xuất sang các thị trường khác như: Đức, Trung Quốc, Ba Lan, Đan Mạch…
Nhiều triển vọng, nhưng thiếu nguyên liệu
Nhìn chung trong năm vừa qua, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm mây, tre, cói của Việt Nam đều tăng trưởng ở hầu khắp các trường, đặc biệt vào Ấn Độ tăng gấp 2,3 lần, cho dù kim ngạch vào thị trường này vẫn còn rất nhỏ.
Hiện nay, cả nước có 723 làng nghề chế biến mây, tre đan và hơn 1.000 doanh nghiệp tham gia sản xuất và xuất khẩu mặt hàng này, thu hút 342.000 lao động. Mặc dù có số lượng doanh nghiệp và hộ gia đình sản xuất đông đảo và kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, nhưng thị phần xuất khẩu của ngành mây tre Việt Nam mới chỉ chiếm chưa đến 3% thị trường thế giới. Trong khi quy mô thương mại sản phẩm mây tre đan toàn cầu lên tới 14-15 tỷ USD, ngành mây tre đan Việt Nam vẫn ì ạch ở giá trị xuất khẩu vài trăm triệu USD mà chưa thể tiến được vào câu lạc bộ 1 tỷ USD như các ngành hàng nông lâm thủy sản khác.
Ông Thái Đại Phong, Giám đốc Công ty TNHH Đức Phong (TP Vinh, Nghệ An) cho biết, mặc dù đơn vị đang sản xuất, tiêu thụ ổn định các loại đèn treo, đèn bàn hộp đựng đồ, giỏ đựng trái cây... tại các nước châu Âu, châu Mỹ, châu Á, nhưng thách thức không hề nhỏ với doanh nghiệp khi nguồn nguyên liệu không ổn định về số lượng và chất lượng, giá cả ngày càng cao.
Tuy có nhiều tiềm năng, lợi thế để trồng và phát triển tre nứa, luồng, song mây nhưng hiện Việt Nam vẫn phải nhập khẩu nhóm nguyên liệu này cho sản xuất chế biến từ một số nước trong khu vực. Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, hàng năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 900 triệu cây tre nứa cho các mục đích khác nhau, dự kiến năm 2020 là 1 tỷ cây. Việt Nam hiện có xấp xỉ 1,5 triệu ha tre nứa với trữ lượng ước tính khoảng 6 tỷ cây. Tuy vậy, phần lớn diện tích tre nứa này là rừng phòng hộ, rừng nguyên sinh cần phải bảo tồn, không được khai thác. Diện tích tre trồng sản xuất cả nước hiện có khoảng 85.000 ha, trữ lượng 350 triệu cây, mới chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất hàng mây tre đan.
Thúc đẩy trồng tre, luồng
GS.TS Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho hay, tre nứa chính là nhóm lâm sản ngoài gỗ có diện tích lớn nhất hiện nay. Các nhà khoa học đã điều tra phân loại được trên 200 loài tre, trúc, luồng ở Việt Nam. Trong đó, hơn 10 loài tre nứa có tiềm năng sản xuất dùng trong thương mại, như: luồng, lung, bương, mai, diễn, tre gai, nứa, vầu, trúc, lồ ô, tầm vuồng, giang, le… Tuy nhiên, một số loại tre chủ yếu là khai thác chứ chưa nhân được giống trồng, bắt đầu có các thử nghiệm chiết gốc ra để trồng nên không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, không đồng nhất về chất lượng. Tình hình khai thác chưa được quy hoạch, khai thác quá mức, dẫn đến thoái hóa tre, không có tổ chức, không bền vững.
Bên cạnh đó, sự liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị tre còn lỏng lẻo, thiếu hiệu quả, không đảm bảo tính công bằng và minh bạch. Chính điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng, khả năng truy xuất nguồn gốc của sản phẩm và làm giảm sức cạnh tranh của mặt hàng thủ công mỹ nghệ và gia dụng làm từ tre của Việt Nam trên thế giới
Tiềm lực, lợi thế của chuỗi ngành tre được đánh giá chưa phát triển xứng tầm bởi quy mô còn hạn chế, hệ thống thu gom, buôn bán tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu phục vụ xây dựng, đan lát giá trị thấp. Đặc biệt, Việt Nam chưa có đủ tiêu chuẩn kỹ thuật về chất lượng tre, chứng chỉ rừng, giải pháp lâm sinh ứng dụng cho tre nứa còn nhiều hạn chế, thiếu các phương án quản lý rừng bền vững, vùng nguyên liệu vẫn còn phân tán.
Nhìn thấy tiềm năng, thế mạnh của mây, tre, luồng, một số địa phương đang phát triển trồng tre luồng hàng hóa. Hiện có Dự án “Phát triển bền vững chuỗi giá trị nghêu và tre tại Việt Nam” trị giá 4,3 triệu Euro do EU và Oxfarm đồng tài trợ được thực hiện trong 4 năm (2018 - 2022) tại 5 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Bến Tre, Trà Vinh và Tiền Giang. Dự án đang mang lại lợi ích cho 150 nhóm sản xuất trồng tre với 35.000 thành viên và 60 doanh nghiệp chế biến mây tre vừa và nhỏ.
Thanh Hóa là địa phương có trữ lượng tre, luồng lớn nhất cả nước, với 152.659 ha tre, luồng phân bố chủ yếu ở 11 huyện phía Tây của tỉnh. Trong đó, hàng chục nghìn ha tre, luồng là rừng trồng. Hàng năm, Thanh Hóa cung cấp ra thị trường khoảng 0,8 triệu tấn tre, luồng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, năng suất trồng tre, luồng ở Thanh Hóa vẫn còn thấp, nếu được quản lý, bảo vệ, chăm sóc thâm canh, khai thác đúng quy trình kỹ thuật, hàng năm có thể cung cấp ra thị trường khoảng 1,6 triệu tấn.
Để phát huy tiềm năng, thế mạnh này, tỉnh Thanh Hóa có nhiều chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp chế biến tre luồng. Qua đó, trên địa bàn tỉnh đã có 126 cơ sở chế biến sản phẩm từ tre, luồng, gồm 9 HTX, 17 công ty trong nước, 1 công ty nước ngoài và 99 hộ kinh doanh cá thể. Cuối năm 2019, Hiệp hội tre luồng tỉnh Thanh Hóa đã được thành lập với Quyết định số 2869/ QĐ-UBND tỉnh, nhằm quảng bá hình ảnh, tiềm năng tre luồng xứ Thanh; thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến tre luồng của địa phương.
Theo Thời báo Kinh doanh