Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Thời cơ vàng cho nông sản

TDVN 00:35 14/06/2020

Sau 9 năm đàm phán, sáng ngày 8-6, Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) được Quốc hội thông qua đã mở ra cơ hội hợp tác rộng lớn, toàn diện hơn giữa Việt Nam và EU.

EVFTA đã mở cánh cửa lớn cho hàng hóa Việt Nam vào thị trường EU, nhất là nông sản. Bởi ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng nông sản được hưởng ngay thuế suất 0%: cà phê, rau quả, hạt tiêu, mật ong tự nhiên... Riêng sản phẩm gỗ, 83% dòng thuế được xóa bỏ ngay và 17% sẽ được xóa bỏ trong 3-7 năm sau như ván dăm, sợi, gỗ dán...

Các chuyên gia kinh tế dự báo, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này có thể tăng 42,7% vào năm 2025. Nhưng trước mắt, ngành nông nghiệp đang đứng trước thời cơ vàng để khôi phục sản xuất, đàm phán hợp đồng và tăng tốc xuất khẩu sau đại dịch Covid-19.

Thực tế, nông nghiệp Việt Nam đã trụ vững trước ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. 5 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông - lâm - thủy sản của Việt Nam ước đạt gần 27,6 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu ước đạt 15,5 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng điều đáng mừng là vẫn tiếp tục xuất siêu gần 3,3 tỷ USD.

Trước khi EVFTA được phê chuẩn, ngành nông nghiệp đã có những chuyển động tích cực để đón đầu cơ hội lớn.

Nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đang duy trì lợi thế ở nhóm hàng thủy sản, trái cây nhờ tính truyền thống, đặc thù, đặc sản. Hiện, chúng ta đã đưa nông sản đến 17/27 quốc gia trong EU, đều là những nơi có tiêu chuẩn rất cao và 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU bảo hộ.

Với đà phục hồi và dần kiểm soát dịch bệnh, nhu cầu nhập khẩu của thế giới sẽ gia tăng mạnh trở lại trong những tháng tới, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ để có thể đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 42 tỷ USD, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng GDP của cả nền kinh tế trong năm nay.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, cơ hội mà EVFTA đem lại sẽ “song hành” cùng khó khăn và thách thức, các doanh nghiệp không được xem ưu đãi về thuế quan là màu hồng vì đó chỉ là nhưng thuận lợi trước mắt.

Một trong những việc các doanh nghiệp Việt Nam cần làm ngay là đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa, năng lực chế biến nông sản nhằm củng cố tính cạnh tranh tại thị trường EU. Nông sản xuất khẩu cần chú trọng vấn đề vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý do EU quy định, coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất, đặc biệt đảm bảo quy tắc xuất xứ và bảo hộ sở hữu trí tuệ khi xuất khẩu vào EU.

Theo đó, các tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm không chỉ là VietGAP mà phải nâng lên GlobalGAP. Đấy là những thách thức tự nhiên, khi nông sản Việt muốn chinh phục thị trường có GDP lên đến 18.000 tỷ USD.

Ngoài ra, để phân phối sản phẩm sâu rộng vào thị trường EU, chúng ta cần tăng cường kết nối với các kênh phân phối lớn, hiện đại ở khu vực này thì mới duy trì được kim ngạch xuất khẩu nông sản. Qua đó cũng giải quyết được những tiêu cực qua trung gian đang khiến người nông dân bị thương lái trục lợi, ép giá.

Rõ ràng, EVFTA đang là đòn bẩy, thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp toàn diện và đồng bộ hơn, đặc biệt là việc nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp. Yêu cầu tất yếu đặt ra với ngành nông nghiệp là tăng cường liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân.

Bên cạnh đó, người nông dân và các doanh nghiệp cũng phải thúc đẩy phát triển thương hiệu. Không chỉ thương hiệu quốc gia mà còn là thương hiệu ngành hàng, đồng bộ trên cả 3 trục sản phẩm gồm cấp quốc gia, cấp tỉnh và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Theo Biên phòng

Link gốc : https://www.bienphong.com.vn/thoi-co-vang-cho-nong-san-post429833.html

Bạn đang đọc bài viết Thời cơ vàng cho nông sản tại chuyên mục Tiêu dùng thông minh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tiêu dùng thông minh