Hà Nội, Thứ Năm Ngày 21/11/2024

EVFTA : Cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu của EU có gì đặc biệt?

TDVN 18:20 05/06/2020

Với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), gần như toàn bộ 100% biểu thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn (tối đa là 7 năm)

EVFTA sẽ là cú hích quan trọng cho xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU. Ảnh: Internet

Lần đầu đạt tỷ lệ ưu đãi cao nhất

Phát biểu tại Hội nghị "Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tận dụng cơ hội thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA" sáng nay, 5/6, tại Hà Nội, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết, về cơ bản, tiến trình cắt giảm thuế nhập khẩu vào thị trường EU theo EVFTA được chia thành 4 nhóm.

Thứ nhất là nhóm xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay. Đây là nhóm hàng hóa mà thuế nhập khẩu sẽ được xóa bỏ ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Thứ hai là nhóm xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình. Với nhóm này, thuế nhập khẩu sẽ được đưa về 0% (từ mức thuế cơ sở) sau một khoảng thời gian nhất định (lộ trình).

Theo Hiệp định EVFTA, gần như 100% số dòng thuế và kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của hai bên sẽ được xóa bỏ theo lộ trình ngắn. Với EU tối đa là 7 năm và với Việt Nam tối đa là 10 năm. Tuy nhiên, cá biệt có một số dòng thuế nhạy cảm như thuốc lá, bia, xăng dầu..., Việt Nam được hưởng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu sau 15 năm.

Thứ ba là nhóm áp dụng hạn ngạch thuế quan (TRQ). Đối với nhóm hàng hóa này, thuế nhập khẩu chỉ được xóa bỏ hoặc cắt giảm đối với một khối lượng hàng hóa nhất định (lượng hàng hóa trong hạn ngạch). Với khối lượng nhập khẩu vượt quá lượng hạn ngạch trong biểu cam kết, mức thuế nhập khẩu áp dụng sẽ cao hơn, hoặc không được hưởng ưu đãi.

Thứ tư là nhóm hàng hóa không cam kết. Đây là nhóm hàng không cam kết xóa bỏ hoặc cắt giảm thuế nhập khẩu. Việc áp dụng thuế nhập khẩu sẽ theo quy định trong nước của mỗi bên.

Cụ thể, ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.

Đối với một số ít mặt hàng còn lại (tương đương khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu), EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan (TRQ) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định: "Đối với EVFTA, ngay trong vòng 7 năm đầu tiên khi thực thi Hiệp định, việc cắt giảm thuế quan cho các mặt hàng sản phẩm của Việt Nam sang EU lên tới 97%. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đạt tới tỷ lệ ưu đãi cao nhất trong số các đối tác thương mại của Việt Nam".

Dệt may, nông, thủy sản lợi lớn

Xét ở góc độ ngành hàng, các ngành như dệt may, da giày, thủy sản... được nhận định sẽ hưởng lợi lớn, tăng khả năng thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường EU khi EVFTA có hiệu lực.

Vụ Chính sách thương mại đa biên thông tin chi tiết, đối với dệt may, trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế quan với 77,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam; 22,7% kim ngạch còn lại sẽ được xóa bỏ sau 7 năm.

Cam kết này của EU được đưa ra phù hợp với khả năng đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ “2 công đoạn” (từ vải trở đi) của ngành dệt may Việt Nam (tức là để được hưởng thuế quan ưu đãi theo Hiệp định EVFTA thì hàng dệt may của Việt Nam phải được làm từ vải có xuất xứ từ Việt Nam). Ngoài ra, EU cũng chấp nhận linh hoạt với quy tắc này như cộng gộp xuất xứ từ Hàn Quốc để sản xuất một số hàng dệt may xuất khẩu sang EU.

Với giày dép, EU cam kết giảm thuế xuống 0% đối với 42,1% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Sau 3 năm và 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực thì tỷ lệ này sẽ lần lượt là 73,2% và 100%.

Tương tự, với ngành thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên), EU sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 86,5% kim ngạch xuất khẩu của ta trong vòng 3 năm; 90,3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm.

Đáng chú ý, mặt hàng gạo được EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm (cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm). Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 đến 5 năm.

"Gần như toàn bộ các sản phẩm rau quả tươi, rau củ quả chế biến, cà phê, hạt tiêu, túi xách, vali, sản phẩm nhựa, sản phẩm gốm sứ thủy tinh về cơ bản sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực", ông Lương Hoàng Thái nhấn mạnh.

Lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên đánh giá: "Nếu được đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là cú hích quan trọng cho xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường hơn 500 triệu dân này".

Hiện nay EU là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, với kim ngạch hai chiều năm 2019 đạt 56,4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đạt 41,5 tỷ USD, nhập khẩu từ EU đạt 14,9 tỷ USD.

Đặc điểm nổi bật trong cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung lẫn nhau rất lớn, ít mang tính cạnh tranh đối đầu trực tiếp do thế mạnh và đặc tính hàng hóa xuất khẩu của hai bên khác nhau.

Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu các mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng dệt may, thủy sản, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác... sang EU. Ngược lại, EU xuất khẩu các mặt hàng sản phẩm máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dược phẩm; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hóa chất sang thị trường Việt Nam.

Theo Hải quan Online

Link gốc : https://haiquanonline.com.vn/cam-ket-xoa-bo-thue-nhap-khau-cua-eu-trong-evfta-co-gi-dac-biet-127858.html

Bạn đang đọc bài viết EVFTA : Cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu của EU có gì đặc biệt? tại chuyên mục Tiêu dùng quốc tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tiêu dùng quốc tế