Theo thông tin từ Bệnh viện vinmec, bảo quản thực phẩm bằng hút chân không là một phương pháp đóng gói thực phẩm loại bỏ không khí ra khỏi gói thực phẩm trước khi hút. Phương pháp này bao gồm cả thủ công hoặc tự động, chúng ta thực hiện bằng cách đặt các thực phẩm cần bảo quản vào một túi được dùng để hút chân không, sau đó loại bỏ không khí từ bên trong và hút túi thực phẩm đó vào. Vậy bảo quản thực phẩm bằng hút chân không có an toàn hay không?
Về mặt lý thuyết môi trường chân không không tồn tại vật chất đồng nghĩa với việc không tồn tại môi trường cho các vi sinh vật có thể sinh sống được. Nhưng đó chỉ đúng với môi trường chân không tồn tại bên ngoài không gian vũ trụ. Còn đối với thực phẩm, hút chân không có nghĩa là hút hết toàn bộ không khí bao xung quanh bề mặt thực phẩm. Thực phẩm được đóng gói chân không sẽ luôn để được lâu hơn so với các phương pháp bảo quản khác, ngoài việc đóng hộp. Các loại túi ni lông, giấy bạc, túi có khóa zip thông thường, và thậm chí cả hộp kín khí cũng không thể bảo quản thực phẩm tốt như hút chân không.
Bảo quản thực phẩm sai cách trong môi trường hút chân không vẫn có thể gây ra độc tố nguy hiểm. Ảnh minh họa
Trái cây, rau và thịt sẽ bắt đầu hư hỏng sau một khoảng thời gian nhất định vì chúng tiếp xúc với không khí. Thường thì nấm mốc và vi khuẩn sẽ phát triển, khiến thực phẩm có sự thay đổi về mùi, màu sắc và kết cấu của chúng. Đôi khi vi khuẩn có thể phát triển mà không có không khí, nhưng nấm mốc không phát triển nếu không có nguồn cung cấp oxy lành mạnh.
Khi hút chân không hút thực phẩm của mình có thể loại bỏ gần như toàn bộ không khí khỏi túi. Một khi không khí bị loại bỏ, nấm mốc và một số vi khuẩn sẽ không thể sống hoặc phát triển. Tuy nhiên, theo thời gian, thực phẩm bảo quản chân không không đúng tiêu chuẩn có thể bị hỏng.
Đề cập tới vấn đề này, bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cảnh báo trên báo Dân Trí, những thực phẩm chứa độc tố nguy hiểm có thể hiện diện ngay trong bếp do việc bảo quản, sử dụng thực phẩm không đúng cách.
Bà Nga cho biết, vi khuẩn Clostridium Botulinum sinh ra trong môi trường yếm khí. Vì thế, bất cứ sản phẩm nào đóng hộp, thực phẩm hun khói, thực phẩm lên men yếm khí (thịt, cá ướp...), thực phẩm bảo quản trong môi trường yếm khí đều có thể sinh ra vi khuẩn.
Khi ăn phải độc tố của vi khuẩn sẽ phát tác gây tổn thương thần kinh nặng nề, khiến người bệnh nguy kịch thậm chí tử vong. Bà Nga ví dụ vụ ngộ độc pate chay trong bữa bún tự nấu tại Bình Dương, đến nay ghi nhận thêm nhiều người trong bữa ăn bị ngộ độc, trong đó 1 người tử vong, 2 trường hợp rất nặng. Hay trường hợp ở Kontum ngâm cá muối và đóng hộp cũng khiến người ăn nhiễm độc tố.
Cũng theo bà Nga, các vụ ngộ độc do Botulinum vốn rất hiếm gặp, nhưng thời gian gần đây gặp nhiều, liên quan nhiều đến những bữa ăn tự nấu, chế biến thủ công tại hộ gia đình, trào lưu bảo quản thực phẩm "hút chân không", đóng hộp thực phẩm không đúng cách là nguy cơ rất lớn nhiễm độc tố chết người Botulinum.
Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, nguy cơ này không chỉ hiện hữu tại Việt Nam. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã cảnh báo trên thế giới về trào lưu sử dụng túi hút chân không các hộ gia đình tự làm không đảm bảo an toàn thực phẩm, có nguy cơ gây ngộ độc, đặc biệt ngộ độc vi khuẩn yếm khí nguy hiểm như trong vụ pate chay.
Vì thế, bà Nga lưu ý, các hộ gia đình, cơ sở sản xuất thủ công không tự đóng gói, đóng kín thực phẩm (dạng hút chân không) để bảo quản trong thời gian dài. Vì những thực phẩm được đóng gói kín không đủ điều kiện công nghệ để tiệt trùng sẽ có nguy cơ sinh ra vi khuẩn yếm khí nguy hiểm.
Tốt nhất người dân nên sử dụng đồ ăn tươi mới, sau khi chế biến xong sử dụng trong 2 tiếng đồng hồ, nếu không ăn hết bảo quản trong tủ lạnh trong thời gian quy định để bảo đảm thực phẩm an toàn.
Đối với thực phẩm đóng trong đồ hộp, khi sử dụng người dân cần kiểm tra kỹ hướng dẫn sử dụng, thời hạn sử dụng. Tuyệt đối không sử dụng thực phẩm đã hết hạn, kiểm tra kỹ xem hộp có phồng, bẹp, móp không, mở ra mùi vị màu sắc có thay đổi không thì mới được dùng.
Bà Nga thông tin thêm, ngộ độc Botulinum là một ngộ độc nặng, có diễn biến lâm sàng nhanh, điều trị phức tạp, phải có liều đặc trị giải độc. Đây là loại ngộ độc có nguy cơ tử vong cao, dù qua khỏi cũng ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe. Biểu hiện của ngộ độc độc tố Botulinum như liệt, mắt song thị, sụp mi, cứng họng, khô miệng… và diễn biến rất nhanh. Độc tố này không được loại trừ dù đun sôi lại. Vì thế, hãy bảo quản sản phẩm an toàn, đúng cách để phòng nguy cơ ngộ độc.