Thuốc giảm đau mang lại hiệu quả nhanh chóng, đặc biệt là thuốc có chứa Paracetamol. Tuy nhiên bệnh nhân cần nắm được thuốc giảm đau sử dụng như thế nào là hợp lý để mang lại hiệu quả tối ưu nhất.
Đối với thuốc giảm đau không kê đơn có tác dụng làm giảm những cơn đau nhẹ như đau đầu, sốt, cảm, đau răng, đau bụng kinh, cúm, viêm khớp,... Có 2 nhóm thuốc giảm đau không kê đơn đó là thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAID) và paracetamol (Acetaminophen). Acetaminophen có hoạt tính của hơn 600 các loại thuốc kê đơn và không kê đơn (bao gồm thuốc giảm đau, thuốc ho, thuốc cảm,...). NSAID là nhóm những loại thuốc thông dụng thường dùng để hạ sốt, giảm đau mức độ khá nhẹ như naproxen, aspirin, ibuprofen cùng rất nhiều thuốc khác được dùng điều trị cảm lạnh, dị ứng và viêm xoang.
Những thuốc giảm đau kê đơn thường thấy bao gồm các loại thuốc opioid cùng các thuốc không opioid. Các thuốc opioid có tác dụng rất mạnh. Chúng tác động bằng cách tác động lên trên não, tủy sống và ống tiêu hoá và từ đó có thể làm thay đổi cảm giác đau.
Rõ ràng các loại thuốc giảm đau đều có những tác dụng khác nhau tuy nhiên có nhiều bệnh nhân thường tự ý ra cửa hàng mua thuốc mà không theo chỉ dẫn từ bác sĩ nên gây ra hậu quả đáng tiếc. Vậy cần phân biệt và hiểu các loại thuốc giảm đau thế nào, cách dùng và những tác dụng phụ ra sao để đảm bảo an toàn khi sử dụng?
Thuốc celecoxib có tác dụng phụ xấu tới tiêu hóa
Theo các dược sĩ Nguyễn Thị Trang- Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, thuốc celecoxib mà bệnh nhân dùng thuộc nhóm NSAID. Đây là nhóm các thuốc giảm đau kê đơn, dùng cho các cơn đau khi viêm, thoái hóa khớp... Do tác dụng phụ xấu đến tiêu hóa, bác sĩ thường kê liều thấp nhất và trong thời gian ngắn nhất có thể.
Nhóm thuốc NSAID có tác dụng phụ làm tổn thương thận
Sử dụng thuốc nhóm NSAID có thể làm tăng nguy cơ bị tổn thương thận cấp và các biến cố trên tim mạch. Đặc biệt, phụ nữ mang thai từ tháng thứ 6 thai kỳ là đối tượng chống chỉ định dùng NSAID, vì nguy cơ tổn thương thận, tim, phổi có thể gây tử vong cho thai nhi.
Các thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol (OTC)
Đây là loại thuốc dành cho các cơn đau nhẹ, được các bác sĩ đánh giá khá an toàn. Tuy nhiên, nhóm thuốc này vẫn có tác dụng phụ. Trên thực tế, nhiều trường hợp bị ngộ độc paracetamol do dùng không đúng cách, dẫn đến suy gan cấp, đe dọa đến tính mạng.
Nhóm opioid có thể khiến người bệnh bị nghiện
Đây là thuốc giảm đau mạnh nhất thuộc nhóm thuốc kê đơn. Nổi bật nhất là morphin, fentanyl, tramadol, được bác sĩ kê điều trị cho bệnh nhân ung thư, đau sau mổ. Tác dụng phụ rõ rệt nhất của nhóm này là buồn nôn, táo bón, lệ thuộc thuốc. Nếu tuân thủ điều trị, được giám sát y tế sát sao, hiệu quả giảm đau tốt, chất lượng cuộc sống người bệnh được cải thiện. Tuy nhiên, người bệnh có thể nghiện thuốc, ức chế hô hấp, thậm chí nguy hiểm tính mạng nếu dùng không đúng chỉ định.
Sử daụng thuốc giảm đau đúng cách như thế nào?
Theo dược sĩ Đặng Nguyễn Đoan Trang, Trưởng khoa Dược, thông tin thêm, tình trạng người bệnh tự mua thuốc giảm đau, tự quyết định liều sử dụng hiện nay rất phổ biến. Một số người ngại đi tái khám định kỳ mà tự mua thuốc giảm đau theo đơn thuốc cũ. Thực tế, tình trạng bệnh thường diễn biến khác nhau theo thời gian, cần được bác sĩ điều chỉnh lại thuốc để đảm bảo hiệu quả, hạn chế tối đa tác dụng phụ có thể gặp phải.
Khi dùng thuốc giảm đau phải có sự tư vấn của bác sĩ hoặc dược sĩ. Đồng thời, người bệnh cần cung cấp đầy đủ thông tin về triệu chứng, mức độ đau, tiền sử dùng thuốc điều trị... để giúp dược sĩ lựa chọn loại thuốc giảm đau phù hợp, tránh các biến chứng có thể xảy ra. Người bệnh không được tự ý nhai, bẻ hay nghiền viên thuốc hay tự thay đổi liều sử dụng, mua thêm thuốc hoặc ngưng thuốc đột ngột.
Trước khi dùng thuốc, người bệnh nên chủ động kiểm tra thành phần hoạt chất trên bao bì, tờ hướng dẫn sử dụng để tránh nguy cơ quá liều, do uống nhiều thuốc cùng một lúc không theo tiêu chuẩn hướng dẫn nào. Ngoài ra cũng cần phải biết các chống chỉ định, liều dùng tối đa, tác dụng phụ có thể xảy ra để cân nhắc sử dụng.