Trong thế chiến thứ 2, khi Mỹ rơi vào tình trạng thiếu nguồn cung vũ khí, các hãng xe quốc nội đã tạm dừng sản xuất ô tô, để chế tạo vũ khí, phục vụ chiến tranh. Chẳng hạn, Ford đã chế tạo máy bay ném bom hạng nặng, trong khi GM bắt tay vào sản xuất tàu đổ bộ tấn công, và một số khí tài quân sự khác.
Vì vậy, theo một lẽ rất tự nhiên, trong cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid - 19, khi nước Mỹ thiếu trầm trọng máy thở, các hãng xe cũng sẽ là những người đi tiên phong đồng hành cùng đất nước.
Cho đến nay, ít nhất 4 hãng xe bao gồm: Ford, GM, Toyota và Tesla - những nhà sản xuất ô tô của Mỹ, mà trước đó đã phải đóng cửa nhà máy vì đại dịch, đã đưa ra những cam kết, tuyên bố sẵn sàng chế tạo máy thở chống Covid - 19.
Chuyển từ sản xuất ô tô sang sản xuất máy thở
Hôm thứ Sáu, Tổng thống Trump tuyên bố ông sẽ sử dụng đạo luật Sản xuất Quốc phòng, để yêu cầu GM "chấp nhận, và ưu tiên thực hiện" các hợp đồng sản xuất máy thở của liên bang.
Điều đó sẽ giúp giải quyết phần nào những khó khăn của nước Mỹ về các thiết bị y tế trong thời điểm này.
Trong bối cảnh đó, các hãng xe hàng đầu nước Mỹ đã tuyên bố họ đang hợp tác với các doanh nghiệp chuyên sản xuất máy thở hiện có, để giúp đỡ trong bước đầu sản xuất. Ford và GM thì đang nghiên cứu chế tạo một mẫu máy thở của riêng họ.
Nhưng, máy thở hiện nay là một cuộc đua với thời gian, Các bệnh viện tại New York đang quá tải bởi số bệnh nhân nhiễm Covid - 19. Nhà Trắng lo ngại rằng nước Mỹ đang dần trở thành một Italia thứ hai, nơi tình trạng thiếu máy thở nguy hiểm đến nỗi, buộc các bác sĩ phải đưa ra quyết định nên cho bệnh nhân nào được sử dụng máy, đồng nghĩa với việc được tiếp tục sống, và bệnh nhân nào thì không.
"Số lượng máy thở mà chúng tôi đang thiếu là rất lớn", Thống đốc bang New York, ông Andrew Cuomo cho biết hôm thứ Năm. Thống đốc nói thêm rằng, các bệnh viện tại đây đang phải "sáng tạo" những giải pháp chưa từng có trong lịch sử y học, như cho hai bệnh nhân sử dụng chung một máy thở.
Hiện ở Mỹ đang có sẵn khoảng 160.000 máy thở, nhưng thực tế nước này phải cần đến 740.000 máy, theo Trung tâm y tế dự phòng Johns Hopkins.
Máy thở là loại máy chuyên dụng, giúp các bệnh nhân nhiễm Covid - 19 trong tình trạng nguy kịch nhất, bị mất khả năng tự thở, có thể duy trì hô hấp. Các thiết bị này hỗ trợ việc hô hấp nhẹ nhàng, để phổi có thể nghỉ ngơi, trong khi họ điều trị các biến chứng khác của Covid - 19.
"Muốn đi xa thì phải đi cùng nhau"
Không phải tất cả các loại máy thở đều có cấu tạo giống nhau, một số phức tạp hơn những cái khác. Phổi bệnh nhân nhiễm Covid - 19 trong trường hợp diễn biến nặng sẽ bị cứng lại, đòi hỏi phải sử dụng các loại máy thở cao cấp có giá lên tới 50.000 USD. Những thiết bị này sẽ được thiết kế chuyên dụng cho bệnh nhân, và chỉ được vận hành bởi các chuyên gia y tế đã qua đào tạo.
"Việc sản xuất và lắp ráp các thiết bị cao cấp này nên để giành cho các doanh nghiệp chuyên sản xuất máy thở truyền thống", Vafa Jamali - Phó Chủ tịch của Medtronic, một số ít các công ty sản xuất máy thở trên thế giới, nói."Các bộ phận chính được thực hiện trong các công xưởng bởi những công nhân có kinh nghiệm và tay nghề cao", Jamali nói thêm. "Các nhà sản xuất ô tô bên ngoài không có khả năng tạo ra những cỗ máy cao cấp này, ít nhất là trong khoảng thời gian ngắn".
Bản thân Medtronic cho biết doanh nghiệp đã tăng sản lượng sản xuất máy thở lên tới 40% hàng tuần, kể từ tháng 1/2019, bằng một trong những cách như vận hành quy trình sản xuất liên tục không ngừng nghỉ 24/7. Công ty cũng đang có kế hoạch tăng sản lượng lên 200% trong vài tuần tới bằng cách tăng gấp đôi số lượng công nhân cùng làm việc trên các dây chuyền sản xuất hiện có.
"Mục tiêu của chúng tôi là tăng sản lượng máy thở lên 500 chiếc mỗi tuần, tăng gấp 5 lần so với thời gian trước đó", Phó Chủ tịch Medtronic cho biết. Tuy nhiên, công ty này cũng chỉ có thể cung ứng một phần rất nhỏ lượng máy thở đang thiếu trên thị trường. Đó là lí do tại sao Medtronic nói rằng họ rất hoan nghênh các ý tưởng sản xuất máy thở từ những hãng xe hơi, để giúp lấp đầy khoảng trống.
"Chúng tôi đã nói chuyện với Tesla, GM và Ford. Mặc dù các bên chưa có kế hoạch chính thức nào để làm việc cùng nhau", Medtronic nói với phóng viên CNN.
GM cho biết vào thứ Sáu tuần trước, rằng họ đã làm việc với một nhà sản xuất máy thở khác, là Ventec Life Systems, để hỗ trợ tăng sản lượng của Ventec. Trong một báo cáo, công ty này cho biết họ sẽ tăng cường sản xuất 10.000 máy thở mỗi tháng, hoặc hơn. Trong số đó, một số máy thở sẽ được chế tạo tại nhà máy lắp ráp điện tử của GM ở Kokomo, bang Indiana. Lô máy thở đầu tiên dự kiến sẽ được giao trong tháng 4.
Cuối ngày thứ Năm, tờ New York Times đưa tin rằng Nhà Trắng sắp tới sẽ công bố liên doanh giữa GM và Ventec, với công suất tới 80.000 máy thở mỗi tháng. Tuy nhiên, cơ quan Phòng ngừa tình trạng khẩn cấp liên bang, cho biết họ cần thời gian để đánh giá xem liệu liên doanh này có quá tốn kém hay không.
Trả lời báo chí, GM tuyên bố rằng họ đang nỗ lực để sản xuất các loại máy thở của Ventec trong các nhà máy sản xuất ô tô của mình ở vùng Kokomo.
"Chúng tôi đang bắt đầu tuyển dụng công nhân cho liên doanh này", GM nói. Về phần mình, Ford tuyên bố họ đang hợp tác với GE Healthcare, để tăng sản lượng sản xuất máy thở của GE.
Jim Baumbick là Phó Chủ tịch phụ trách tất cả các dòng sản phẩm xe của Ford. Tuy nhiên gần đây, ông đã tập trung vào việc thúc đẩy sản xuất công nghệ chăm sóc sức khoẻ.
Jim Baumbick cho biết Ford đã thành công trong việc sản xuất hàng loạt đối với ngành công nghiệp ô tô, và giờ đây công ty cũng đã xác định được hiệu quả có thể đạt được tương tự trên các quy trình sản xuất máy thở của GE Healthcare. Điều này sẽ giúp hãng sản xuất máy thở GE Healthcare có thể nhanh chóng tăng sản lượng chỉ trong vài tuần.
Ford cũng đã tìm thấy một số các nhà cung cấp bổ sung, cung cấp những bộ phận tạo nên máy thở. Jim Baumbick nói điều đó sẽ giúp việc sản xuất của đối tác GE không vấp phải những gián đoạn vì chuỗi cung ứng.
Các nhà sản xuất ô tô thậm chí còn đề xuất thay đổi các bộ phận của máy thở, để chúng có thể được sản xuất dễ dàng hơn bởi các nhà cung ứng khác nhau.
GE Healthcare từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết về sự hợp tác với Ford. Tuy nhiên, họ cho biết doanh nghiệp đang lên kế hoạch tăng sản lượng gấp đôi vào cuối tháng 6.
Trong một thông báo gửi qua email hôm thứ Sáu, Toyota nói rằng hãng đã "hoàn tất các thoả thuận, và bắt đầu làm việc với ít nhất hai công ty sản xuất máy thở, mặt nạ phòng độc, để hỗ trợ việc tăng năng suất". Hãng xe không cho biết thêm thông tin chi tiết.
Một cỗ máy đơn giản hơn
Medtronic đã tạo ra một loại máy thông khí đơn giản cho những người bệnh nhiễm Covid - 19 thể nhẹ. Và công ty đang xem xét để chế tạo ra một hoặc hai thiết bị tương tự mã nguồn mở, giúp các doanh nghiệp ngoài ngành có thể dễ dàng sản xuất làm theo.
Jamali cho biết ông tự tin rằng với những cỗ máy ít phức tạp các nhà sản xuất ô tô sẽ dễ dàng hoàn thành.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Medtronic cũng nói thêm rằng: "Đâu sẽ là mốc thời gian các hãng xe bắt tay vào sản xuất, và khi nào họ mới đưa sản phẩm ra thị trường. Điều đó mới là quan trọng nhất".
Là một phần của mối quan hệ hợp tác với GE Healthcare, Ford cũng đang giúp thiết kế một loại máy thở mới, đơn giản, tương đối dễ sản xuất. Để làm được điều này, các nhà thiết kế của Ford và GE đang bắt đầu với một chiếc máy được sử dụng để gây mê. Đó cũng là một dạng máy được chế tạo dựa trên nền tảng của máy thở."Một khi chiếc máy này được thiết kế thành công, nó có thể được sản xuất tại một cơ sở khác bên ngoài GE", Baumbick nói. "Thậm chí nó có thể được thực hiện ở một nhà máy của Ford".
Tuy nhiên, liên doanh này không đưa ra được mốc thời gian cụ thể khi nào việc sản xuất đó sẽ bắt đầu.
Cục Quản lí Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Hoa Kỳ, cho biết họ đã thực hiện các thay đổi mạnh mẽ về quy định để cho phép các nhà sản xuất ô tô và các nhà sản xuất phi y tế khác nhanh chóng đảm nhận các công việc như vậy.
"Thông điệp của FDA đã rõ ràng. Nếu doanh nghiệp muốn mở rộng sản xuất máy thở để cứu người Mỹ trong đại dịch này, chúng tôi sẽ sẵn sàng quét mọi rào cản trên đường đi, để hỗ trợ doanh nghiệp tới cùng", cơ quan này viết trong một tuyên bố hồi cuối tháng 3.
Rào cản sở hữu trí tuệ?
Quyền sở hữu trí tuệ cũng là một trong những rào cản. Các thiết kế máy thở, phần mềm hoặc các bộ phận chính của chúng, thường được cấp bằng sáng chế hoặc liên quan tới bí mật thương mại.
Debbie Wang, nhà phân tích của Morningstar, đồng thời là người chịu trách nhiệm pháp lí của Medtronic, cho biết ngành công nghiệp thiết bị y tế "trong lịch sử cực kì nhạy cảm với vấn đề bảo vệ tài sản trí tuệ của mình".
"Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng những quy định này sẽ biến mất, ngay cả khi đại dịch xảy ra", Debbie Wang nói.
Luật sư Patrick Keane cũng đồng tình với quan điểm này. Và cho rằng chính những lo ngại về sở hữu trí tuệ có thể khiến các nhà sản xuất máy thở truyền thống ngần ngại làm việc với bên thứ ba.
Đạo luật Sản xuất Quốc phòng của Mỹ là công cụ mạnh mẽ nhất, để Chính phủ đảm bảo điều đó sẽ không xảy ra. Các công ty nhận được chỉ thị của chính quyền sẽ được phép sản xuất máy thở, và họ sẽ không phải chịu trách nhiệm cho việc vi phạm bằng sáng chế khi đại dịch qua đi.
Vấn đề giờ đây tiếp tục quay trở lại việc thiếu hụt nguồn cung máy thở rất lớn, và cuộc chạy đua với thời gian. Sản lượng máy thở hiện tại không thể đáp ứng kịp nhu cầu của nước Mỹ, và xây dựng một dây chuyền sản xuất mới không phải là nhiệm vụ đơn giản.
Theo Việt Nam Mới