Các đại lý xe máy Honda (Head) liên tục tăng giá cuối năm với các dòng xe như Vision, Lead, SH, SH Mode, Airblade... mỗi dòng bị chênh từ một đến vài triệu đồng.
Tính đến thời điểm hiện tại, trừ một số dòng xe số vẫn có giá ổn định hoặc tăng nhẹ, hầu hết xe máy của Honda đều đã tự nâng giá tại các Head, trong đó mức chênh cao nhất thuộc về SH. Với lý do “cháy hàng”, nhiều đại lý đang bán SH với mức cao hơn đề xuất lên gần 40 triệu đồng.
Giá xe máy bán chênh hàng chục triệu đồng ngày tết |
Cụ thể, theo khảo sát mới nhất tại các Head, SH 125 CBS 2019 đang có giá bán 88 triệu đồng, SH 150 ABS 2019 giá 118 triệu đồng, cả hai mẫu xe này đều đang được bán cao hơn tới 35 triệu đồng so với đề xuất của hãng. Đối với SH 150 ABS 2019 bản đen mờ thì có giá lên tới 133 triệu đồng, cao hơn tới 40 triệu đồng so với giá đề xuất của hãng.
Việc, các đại lý Honda Hà Nội đẩy giá cao hơn mức niêm yết lấy lý do nguồn cung hạn hẹp khiến người tiêu dùng bức xúc.
Theo thông tin từ đại lý Honda Hồng Hạnh, thời điểm hiện tại, nhiều mẫu xe khác của Honda như Vision, Lead, Air Blade cũng đều được điều chỉnh bán với giá chênh từ 500.000 đồng đến 3 triệu đồng so với giá niêm yết. Ví dụ, xe Honda Air Blade có giá niêm yết 37 triệu nhưng thực tế giá tại đại lý bán là 40 triệu đồng.
Được biết, trong giao dịch mua bán xe máy Honda, việc bán chênh giá không được ghi vào hóa đơn do có sự thỏa hiệp giữa chính khách hàng và đại lý. Nguyên do là khi hóa đơn ghi thấp hơn mức giá bán thật, khách hàng "trốn" được một khoản phí trước bạ, còn các đại lý trốn kê khai đủ thuế VAT theo giá trị hàng hóa thực tế đã bán.
Trước thực trạng trên, người tiêu dùng phải mua xe với giá "trên trời", các đại lý siêu lợi nhuận trong khi nhà nước thất thu thuế.
Giữa lúc các hãng xe khác đang phải tung ra hàng loạt các chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu tết thì các dòng xe máy của Honda lại đi ngược lại, tăng giá chóng mặt, loạn giá ở nhiều nơi nhưng khách hàng vẫn phải ngậm ngùi móc hầu bao chấp nhận.
Tình trạng “tết đến, găm hàng, hét giá” không phải đến giờ mới xảy ra, suốt nhiều năm qua bài ca “lạ lùng” tại các đại lý ủy nhiệm của Honda (Head) vẫn tiếp tục tái diễn và năm sau, mức chênh lệch lại còn “khủng” hơn năm trước.
Trước đó, tại thời điểm cận tết Nguyên Đán Kỷ Hợi 2019, trong khi giá các hãng xe khác có tăng cũng chỉ ở mức tượng trưng thì giá xe máy Honda đã tăng mạnh.
Theo khảo sát, tại thời điểm tháng 1/2019, giá một chiếc Honda SH 2019 (cả SH 125 và SH 150) được bán ra cao hơn so với mức giá đề xuất từ 13 đến 22 triệu đồng. Trong đó, giá bán của phiên bản SH 150 đen mờ chênh 19 đến 22 triệu đồng cho phiên bản CBS hoặc ABS. Mẫu xe SH mode cũng được bán cao hơn đề xuất từ 7,5 đến 13 triệu đồng tùy phiên bản.
Mức bán chênh lệch tùy theo đại lý và khác nhau theo từng khu vực. Thậm chí có nơi, SH 2019 1250 ABS có giá lên tới 116 đến 117 triệu đồng, cao hơn mức đề xuất của hãng tới 27 triệu đồng với màu sắc đen mờ. Với các dòng xe như Vision và Lead, giá cũng tăng từ 500 nghìn đồng đến vài triệu đồng.
Trao đổi với báo chí, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, cơ quan chức năng khó lòng tìm cách giúp đỡ người tiêu dùng, nguyên nhân là do mối quan hệ giữa Honda và các đại lí là "mua đứt bán đoạn".
"Hiện tại, Honda Việt Nam (HVN) và các Head làm việc kiểu 'mua đứt bán đoạn' xe máy, nên chúng tôi cũng không còn cách nào. Chỉ có thể khuyến cáo người tiêu dùng mua nơi khác hoặc các sản phẩm thay thế." ông Tuấn cho hay.
Cụ thể, lãnh đạo Cục Bảo vệ người tiêu dùng giải thích thêm giá trên trang của Honda có chú ý rõ là "tham khảo", hãng không tham gia vào giá bán của đại lý. Ngoài ra, hiện nay, pháp luật vẫn chưa có cơ chế xử lý, kiểm soát vấn đề xe "đội giá".
"Bên phía Honda Việt Nam có hợp đồng cụ thể với các đại lý về việc mua bán xe máy này. Giá trên trang chủ chỉ là giá tham khảo, trong hợp đồng có ghi rõ rằng họ không can thiệp vào giá bán của đại lý. Thậm chí, các đại lý còn tranh nhau mua và phải trả tiền trước cho hãng.
Hiện tại, chưa có quy định pháp luật cụ thể để giải quyết nên cũng đành "bó tay" và vấn đề này còn liên quan đến quyền của doanh nghiệp. Tuy nhiên, quyền quyết định vẫn nằm trong tay người tiêu dùng." Ông Tuấn phân tích.