Hà Nội, Thứ Ba Ngày 05/11/2024

Chuyên gia chỉ ra những loại rau thủy sinh quen thuộc có thể là 'ổ chứa' ấu trùng sán gây bệnh

TDVN 07:54 03/10/2024

Theo các chuyên gia, có rất nhiều loại rau thủy sinh quen thuộc như rau cần, rau cải xoong...chứa ấu trùng sán gây bệnh. Đặc biệt các loại rau này được phát triển ở nguồn nước ô nhiễm.

Các chuyên gia Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sán lá ruột là loại sán nhỏ ký sinh trong ruột người và một số loại gia súc, đặc biệt là lợn. Sán lá ruột ký sinh trong ruột lợn và đẻ trứng. Trứng sán theo phân ra ngoài làm nhiễm bẩn các nguồn nước.

Sau một thời gian, ấu trùng hình thành, phát triển trong trứng và phá vỡ vỏ trứng ra ngoài tìm ốc để ký sinh. Sau khi ký sinh vào ốc, ấu trùng tiếp tục phát triển thành ấu trùng có đuôi. Lúc này chúng lại bỏ ốc, sống bám vào một số cây thủy sinh như bèo, ngó sen, củ niễng… và các thực vật mọc dưới nước. Con người khi ăn phải các loại rau củ thủy sinh đã bị nhiễm sán này có thể dẫn đến bệnh sán lá ruột. Các loại rau thường chứa nhiều ấu trùng sán gồm:

Rau muống nước

Rau muống nước ăn giòn, ngọt và đậm hơn rau muống cạn. Chính vì thế, loại rau thủy sinh này được người Việt ưa chuộng và tiêu thụ mạnh. Tuy nhiên, rau muống khi trồng dưới nước bẩn chứa rất nhiều giun sán. Bên cạnh đó, không ít trường hợp người trồng rau sử dụng hóa chất kích thích cây tăng trưởng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Rau muống nước có nguy cơ nhiễm giun sán nên cẩn trọng khi sử dụng. Ảnh minh họa

Rau cải xoong

Rau cải xoong được biết là loại rau có hàm lượng vitamin, canxi, iod cao. Loại rau này có nhiều công dụng trong việc phòng và trị các bệnh về tim mạch, chống lão hóa, bướu cổ, tẩy độc, lợi tiểu. Ngoài ra, vì có nhiều chất xơ, rau cải xoong có tác dụng tốt với dạ dày, thông gan mật và góp phần làm giảm bệnh ứ máu….Tuy nhiên, rau cải xoong có thể là "ổ chứa" giun sán nếu ở trong môi trường nước bị ô nhiễm nặng.

Rau cần

Theo bác sĩ Lê Văn Thiệu - Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư (Hà Nội), Rau cần gồm có hai loại là rau cần cạn trồng ở ruộng và rau cần nước được trồng ở các ao, vùng nước nông. Loại cần trồng dưới nước thường chứa nhiều giun sán hơn loại cần trồng trên cạn. Khi ăn sống rau cần có nhiễm ấu trùng sán, nguy cơ mắc bệnh rất cao.

Trong môi trường tự nhiên, ấu trùng đuôi và nang trùng sán lá gan lớn có thể bám vào rau thủy sinh. Do đó, người dân thường xuyên ăn các loại rau thủy sinh chưa nấu chín kỹ như rau cần có thể khiến đưa sán lá gan lớn vào người.

Ngó sen

Ngó sen là một món ăn bổ dưỡng vì chứa nhiều chất dinh dưỡng, canxi, photpho, sắt, vitamin C… Tuy nhiên, mọi người tuyệt đối không ăn ngó sen sống do chúng phát triển trong bùn, dưới đáy các hồ ao, đầm, đây là những nơi chứa nhiều mầm bệnh nguy hiểm. Ngoài những bệnh truyền nhiễm đường tiêu hóa, ngó sen còn là nơi trú ẩn của nhiều ấu trùng sán lá ruột.

Thông tin thêm về việc ăn rau thủy sinh nhiễm ấu trùng sán, Bệnh viện Medlatec cho biết, người bị nhiễm bệnh sán thường có thói quen ăn sống các loại rau thủy sinh (rau ngổ, rau rút, rau cần, cải xoong,...), ăn các đồ chưa nấu chính như gỏi, tiết canh, hoặc uống nước lã có nhiễm ấu trùng sán. Từ đó, sán đi vào cơ thể theo đường tiêu hóa và khu trú thường là ở gan tạo nên các ổ áp-xe gan.

Với thói quen ăn đồ tái, ăn kèm rau sống của người dân Việt Nam đã làm gia tăng số người nhiễm sán lá gan lớn. Vì vậy, để phòng bệnh, không ăn cá chưa nấu chín như gỏi cá, cá rán hoặc nấu chưa chín dưới mọi hình thức nào; không ăn rau sống mọc dưới nước, không uống nước lã, không ăn gan sống. Vệ sinh phòng bệnh: ăn chín, uống chín, không dùng phân người nuôi cá, không phóng uế bừa bãi xuống các nguồn nước. Định kỳ tẩy giun sán 6 tháng 1 lần.

Đề cập đến vấn đề này, GS.TS Nguyễn Văn Đề - nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng, Đại học Y Hà Nội cảnh báo, nhiều bệnh ký sinh trùng truyền qua thực phẩm gây nên các thể bệnh hết sức nặng nề như bệnh giun xoắn có thể tử vong và gây thành dịch, bệnh ấu trùng sán lợn gây động kinh, co giật, liệt, mù mắt, bệnh sán lá gan nhỏ gây xơ gan, ung thư gan, sán lá gan lớn gây u gan... Đặc biệt nếu người dân ăn rau sống, đặc biệt là rau cần sống không đảm bảo trong quá trình nuôi trồng, sử dụng phân tươi hay dùng nguồn nước ô nhiễm để phun tưới hoặc không được chế biến cẩn thận, thì món ăn này có thể là nguy cơ lây nhiễm nhiều loại ký sinh trùng như giun lươn, giun đũa chó mèo, sán lá gan lớn.

Theo Vietq

Link gốc : https://vietq.vn/chuyen-gia-chi-ra-nhung-loai-rau-thuy-sinh-co-the-la-o-chua-giun-san-d225861.html

Bạn đang đọc bài viết Chuyên gia chỉ ra những loại rau thủy sinh quen thuộc có thể là 'ổ chứa' ấu trùng sán gây bệnh tại chuyên mục Ăn uống. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Ăn uống