Theo Times Now, chúng ta đều biết rằng đồ uống có đường như soda, đồ uống lạnh và các loại đồ uống có ga khác không tốt cho sức khỏe, nhưng bạn có biết rằng chúng có thể làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim của bạn không?
Nghiên cứu có thấy tiêu thụ đồ uống có đường và thịt chế biến làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim.
Một nghiên cứu gần đây của Harvard đã tiết lộ rằng đồ uống có đường và thịt chế biến có thể làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim.
Các chuyên gia y tế từ lâu đã cảnh báo không nên tiêu thụ nước ngọt có đường và thịt chế biến, vì chúng có tác động tiêu cực đến sức khỏe tim mạch. Lượng đường nạp vào quá nhiều có liên quan đến tình trạng viêm mãn tính ở tim và mạch máu, trong khi thịt chế biến được bảo quản bằng cách ướp muối, hun khói hoặc thêm chất phụ gia hóa học được biết là làm tăng huyết áp.
Một nghiên cứu gần đây của Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan đã theo dõi thói quen ăn uống của hơn 200.000 người trong gần 30 năm, tập trung vào thực phẩm siêu chế biến. Nghiên cứu, công bố trên tạp chí The Lancet, cho thấy tiêu thụ đồ uống có đường và thịt chế biến làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.
Nghiên cứu cho thấy 57% chế độ ăn uống trung bình của người lớn ở Hoa Kỳ bao gồm thực phẩm siêu chế biến, thường chứa lượng calo dư thừa, đường bổ sung, natri và chất béo không lành mạnh. Để hiểu rõ hơn về tác động của thực phẩm siêu chế biến, các nhà nghiên cứu đã chia chúng thành 10 loại, gồm:
- Bánh mì và ngũ cốc (có các loại ngũ cốc ăn sáng, bánh mì nguyên cám và bánh mì ngũ cốc tinh chế)
- Nước sốt và gia vị
- Đồ ăn nhẹ và món tráng miệng ngọt đóng gói
- Đồ ăn nhẹ mặn đóng gói
- Đồ uống có đường
- Thịt chế biến (bao gồm thịt đỏ, thịt gia cầm và cá)
- Bữa ăn đã sẵn sàng để ăn hoặc đã sẵn sàng để hâm nóng
- Sữa chua và các món tráng miệng làm từ sữa
- Rượu mạnh
- Đồ uống có đường nhân tạo
Nghiên cứu cho thấy bánh mì, ngũ cốc, đồ ăn nhẹ ngọt và bữa ăn sẵn là các thực phẩm siêu chế biến phổ biến. Tuy nhiên, không phải tất cả đều có hại; một số đồ ăn nhẹ mặn, ngũ cốc lạnh và sữa chua có liên quan đến nguy cơ bệnh tim thấp hơn. Đặc biệt, bánh mì và ngũ cốc lạnh còn giảm nguy cơ đột quỵ.
Các tác giả nghiên cứu cho rằng cải thiện chất lượng dinh dưỡng của thực phẩm siêu chế biến bằng cách giảm natri, chất béo bão hòa, đường bổ sung và các phụ gia không cần thiết có thể nâng cao giá trị dinh dưỡng của chúng. Chẳng hạn, bánh mì nguyên cám và ngũ cốc lạnh có thể trở nên lành mạnh hơn nhờ những thay đổi này.
Dù vậy, các nhà nghiên cứu vẫn nhấn mạnh cần hạn chế đồ uống có đường và thịt chế biến do mối liên hệ rõ ràng với bệnh tim, đồng thời khuyến cáo xem xét kỹ lưỡng chất lượng dinh dưỡng của thực phẩm trước khi tiêu thụ.
Theo Báo điện tử Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh