Ngay khi có thông tin Nhật Bản chấp thuận nhập khẩu vải thiều của Việt Nam, các cơ quan của Bắc Giang đã chủ động phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật, (Bộ NN&PTNT), các doanh nghiệp xuất khẩu lập hồ sơ, khảo sát cấp mã số vùng trồng theo yêu cầu của đối tác.
Theo đó, phía Nhật đã cấp 10 mã số vùng trồng cho 64 hộ với tổng diện tích khoảng 50 ha tại các xã Giáp Sơn (4 mã), Quý Sơn (4 mã), Hồng Giang (1 mã) và Tân Sơn (1 mã) với sản lượng từ 300 đến 400 tấn đủ điều kiện phục vụ xuất khẩu sang nước này.
Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì 18 mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Mỹ, với diện tích 218 ha và 40 ha vải thiều đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP tại huyện Lục Ngạn năm 2019. Cùng đó, tổ chức đào tạo tập huấn cho cán bộ kỹ thuật, ban điều hành, tổ hợp tác và nông dân quy trình sản xuất vải an toàn theo tiêu chuẩn Nhật Bản, GlobalGAP, hữu cơ.
Đồng thời, ban hành hướng dẫn quy trình sản xuất, phòng chống dịch hại, danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng và các yêu cầu khác của thị trường Nhật Bản. Lựa chọn doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để ký hợp đồng liên kết với người sản xuất. Xây dựng quy trình xông hơi khử trùng quả vải bằng khí methyl bromide, lựa chọn đơn vị, địa điểm thực hiện phù hợp; ban hành hướng dẫn quy trình kỹ thuật thu hoạch, sơ chế, đóng gói sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường Nhật Bản. Thời gian thực hiện từ tháng 2 năm nay.
Trong thời gian tiếp theo, triển khai thực hiện nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bảo quản và nâng cao chất lượng quả vải Lục Ngạn bằng màng bao gói khí quyển biến đổi MAP, công nghệ CAS của Nhật Bản, công nghệ Juran (Israel) đảm bảo cho sản phẩm vải thiều giữ nguyên được cấu trúc, hương vị, màu sắc, dinh dưỡng và kéo dài thời hạn sử dụng đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.
Để các diện tích vải thiều đã quy hoạch cho xuất khẩu sang Nhật Bản được chăm sóc tốt, bảo đảm chất lượng quả như đã cam kết với phía nước bạn, huyện Lục Ngạn đã trích ngân sách (500 triệu đồng) hỗ trợ 40% kinh phí mua thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân (tương ứng 10 triệu đồng/ha) để sản xuất diện tích 50ha; hỗ trợ xây dựng mới, nâng cấp kho cất giữ bảo quản thuốc bảo vệ thực vật, nơi chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng, mức hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ; hỗ trợ kinh phí thử nghiệm công nghệ màng bao quả.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có chuyến khảo sát vùng sản xuất vải thiều tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang để chuẩn bị các điều kiện cho việc xuất khẩu vải thiều sang thị trường Nhật Bản trong niên vụ năm nay.
Tổng kết vụ vải thiều năm 2019, với sản lượng tiêu thụ đạt 147.030 tấn, tỉnh Bắc Giang đã thu về 6.365 tỷ đồng, cao nhất trong 60 năm qua. Ngoài việc quảng bá trái vải thiều trong và ngoài nước, tỉnh Bắc Giang còn xây dựng nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ cho người dân để nâng cao thương hiệu, đưa nhiều sản phẩm hoa quả, nông sản trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh.