Hà Nội, Thứ Tư Ngày 04/12/2024

Xuất khẩu Việt Nam sau ký kết các FTA

Đại Đoàn Kết 06:25 06/01/2020

Theo các chuyên gia kinh tế, việc các FTA được ký kết sẽ tạo động lực để xuất khẩu năm 2020 tiếp tục bứt phá.

Ấn tượng kim ngạch xuất khẩu

Số liệu thống kê cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vượt mốc 500 tỷ USD năm 2019. Trong đó, xuất khẩu đạt 264 tỷ USD. Kết quả này đạt được trong bối cảnh kinh tế thế giới trong năm 2019 tăng trưởng chậm với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng; thương mại toàn cầu cũng giảm tốc, xuất khẩu của các nước trong khu vực đều giảm so với cùng kỳ năm trước... cho thấy những nỗ lực của nhà quản lý cũng như cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam, đặc biệt là việc cắt giảm những thủ tục, điều kiện kinh doanh trước đây đã từng là rào cản DN xuất khẩu.

Cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi lớn cho xuất khẩu

Cụ thể, phân tích rõ hơn về những yếu tố tạo nên con số xuất khẩu ấn tượng, bà Nguyễn Cẩm Trang- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, những năm gần đây, các thủ tục cũng như các điều kiện trong đầu tư kinh doanh liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu đã được cắt giảm rất nhiều. Đặc biệt trong thời gian qua, Bộ Công thương nỗ lực rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để cùng DN đề xuất các biện pháp xử lý những vướng mắc trong công tác xuất - nhập khẩu. “Bộ cũng đã tăng cường các biện pháp hiện đại hóa công tác cải cách thủ tục hành chính, đưa các thủ tục hành chính lên dịch vụ công trực tuyến cũng như là kết nối một cửa quốc gia để giảm hơn nữa chi phí cũng như thời gian cho DN tham gia hoạt động xuất nhập khẩu”- bà Trang cho biết.

Đáng chú ý, theo bà Trang, việc ký kết các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các DN xuất khẩu hàng hóa, sẽ tạo đà để xuất khẩu hàng hóa của chúng ta tiếp tục bứt phá trong năm 2020. Cụ thể, bà Trang cho biết, Bộ Công thương đã và đang nỗ lực triển khai những công việc cần thiết để thực thi các Hiệp định và hỗ trợ doanh nghiệp khai thác lợi ích của các FTA như nội luật hóa các cam kết; tuyên truyền về tiến trình hội nhập và giải thích các cam kết; nghiên cứu, đánh giá tác động của các FTA, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, v.v... Bên cạnh đó, Chính phủ và Bộ Công thương đặc biệt quan tâm đến công tác triển khai thực hiện Hiệp định CPTPP. Công tác tuyên truyền, phổ biến về các Hiệp định FTA đã thực thi khác và Hiệp định EVFTA cũng được chú trọng thời gian qua.

Chuẩn bị kỹ lưỡng hành trang hội nhập

Theo các chuyên gia, việc chúng ta tham gia các FTA chính là “thuốc thử” để các DN Việt có thể biết sức khỏe của mình đến đâu khi bước chân vào sân chơi toàn cầu hóa. Và trên thực tế, nhiều DN Việt đã chuẩn bị cho mình hành trang để bước vào sân chơi này. Là DN xuất khẩu sản phẩm dệt may tới trên 60 quốc gia trên thế giới, ông Thân Đức Việt-Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho rằng hành trang để DN hội nhập là chuẩn bị nội lực thật tốt, trong đó chú trọng đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực mạnh. “Nguồn nhân lực là quan trọng nhất, không có lao động thì sẽ không nói hay làm được việc gì khác”- ông Việt nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Minh Kế- Giám đốc Công ty CP Nhôm Sông Hồng, kiêm Chủ tịch Hiệp hội Nhôm Việt Nam cho rằng, để đáp ứng được các tiêu chuẩn phi kinh tế từ các FTA, đặc biệt là CPTPP và EVFTA, các DN Việt Nam cần phải có nỗ lực rất lớn; phải nâng sức cạnh tranh bằng việc đầu tư vào khoa học công nghệ, nâng cao khả năng quản trị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để có thể ứng phó với những đối thủ mạnh. Tuy nhiên, ông Kế cho rằng, để có thể nâng sức cạnh tranh của cộng đồng DN, rất cần có sự hỗ trợ và tạo điều kiện của các cơ quan nhà nước, đặc biệt là đối với ngành sản xuất nhôm của Việt Nam còn rất non trẻ, công nghệ chưa phải là xuất sắc.

Đánh giá cao tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu năm 2019, song nhiều ý kiến cho rằng, xuất khẩu 2020 vẫn đang đối diện với nhiều rào cản. Nhấn mạnh đến cuộc chiến tranh thương mại Mỹ -Trung, PGS.TS Phạm Tất Thắng- Nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, khi cuộc chiến này chưa có hồi kết thì đây vẫn là ẩn số rất khó lường đối với hoạt động thương mại toàn cầu, và Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy đó.

Bởi vậy, ông Thắng cho rằng, cần phải tỉnh táo phân tích để tránh những bất lợi, cố gắng thu về cho mình những lợi ích từ xung đột thương mại giữa các quốc gia lớn. Đặc biệt, vị chuyên gia lưu ý đến câu chuyện về gian lận xuất xứ hàng để có thể hạn chế thấp nhất nguy cơ chúng ta bị giả mạo xuất xứ để xuất khẩu.

Năm 2020, để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2019 tăng 6,8%, ngành công thương đã đặt ra mục tiêu đạt tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7 - 8% so với năm 2019; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 2%.

Nhiều DN nghiệp cho biết, năm 2020, các FTA thế hệ mới CPTPP, EVFTA… được coi là “tấm vé” thông hành để các DN Việt Nam tiến sâu hơn vào các thị trường lớn cũng như thị trường khó tính. Song, để tận dụng được lợi thế từ các FTA mang lại, các DN cần phải tự đổi mới chính mình, thay đổi tư duy, coi cạnh tranh là lẽ đương nhiên của nền kinh tế thị trường.

Link gốc : http://daidoanket.vn/kinh-te/xuat-khau-tiep-da-but-pha-tintuc456262

Bạn đang đọc bài viết Xuất khẩu Việt Nam sau ký kết các FTA tại chuyên mục Tiêu dùng quốc tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tiêu dùng quốc tế