Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Đồng Nai cho biết, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Đồng Nai) phối hợp cùng Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, Phòng PC 05 Công an tỉnh tiến hành kiểm tra đột xuất đối với Công ty TNHH Mowi Việt Nam, có địa chỉ: số 102/6, đường số 2, Khu Công nghiệp Long Bình (Amata), Phường Long Bình, Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Qua tìm hiểu được biết, công ty trên do bà Trần Thị Thanh Mai là đại diện Công ty.
Sau khi kiểm tra thực tế hàng hóa, lực lượng chức năng phát hiện tại công ty đang hoạt động gia công chế biến thủy hải sản các loại gồm: 52 thùng Cá hồi nhãn hiệu Atlantic Salnun do nước ngoài sản xuất loại 30kg/thùng và 31 thùng Cá hồi nhãn hiệu FroZen Atlantic do nước ngoài sản xuất loại 30kg/thùng đã quá hạn sử dụng có tổng cộng 2.490kg. Lô hàng này hết hạn sử dụng từ tháng 11/2019. Nhãn ngoài bao bì thể hiện lô hàng đã hết hạn sử dụng từ tháng 2/2020
Đáng lưu ý, sau khi kiểm tra nhãn bao bì phía ngoài các thùng hàng, Đội QLTT số 1 phát hiện lượng lớn hàng đã hết hạn từ tháng 7/2019, số khác hết hạn từ tháng 2/2020.
Theo khai nhận của phía công ty trên, đơn vị này nhập hàng là cá hồi nguyên con từ một đối tác tại châu Âu sau đó về gia công, sơ chế thành dạng file và xuất khẩu ngược trở lại. Các giấy tờ được công ty xuất trình với lực lượng chức năng cũng thể hiện Mỹ là thị trường tiêu thụ chủ yếu của các thành phẩm mà công ty này xuất khẩu. Nhận thấy toàn bộ hàng hóa trên có dấu hiệu vi phạm, Đội QLTT số 1 đã tiến hành lập hồ sơ vụ việc và tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm nêu trên để tiếp tục xác minh xử lý theo quy định về hàng hóa quá hạn sử dụng.
Liên quan tới hành vi vi phạm về kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng, theo Điều 2 Luật an toàn thực phẩm năm 2010, thời hạn sử dụng thực phẩm là thời hạn mà thực phẩm vẫn giữ được giá trị dinh dưỡng và bảo đảm an toàn trong điều kiện bảo quản được ghi trên nhãn theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Việc sử dụng sản phẩm, hàng hóa hết hạn sử dụng sẽ gây nguy hiểm trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, hành vi kinh doanh, buôn bán hàng hết hạn sẽ bị xử phạt theo Điều 21 Nghị định 185/2013/NĐ-CP (sửa đổi bởi Điều 1 Nghị định 124/2015/NĐ-CP). Tùy tính chất, mức độ nguy hiểm mà người vi phạm nhẹ thì bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng, nặng nhất sẽ bị phạt đến 40 triệu đồng.
Hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm. Tịch thu phương tiện vi phạm là công cụ, máy móc hoặc vật khác được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm. Biện pháp khắc phục có thể buộc tiêu hủy tang vật vi phạm; buộc thu hồi tiêu hủy tang vật vi phạm đang lưu thông trên thị trường; Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa; buộc thu hồi loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.