Như Báo Đại Đoàn Kết đã đưa tin trước đó, vào đầu tháng 3/2022, gia đình ông N.H.N. (45 tuổi, trú tại TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã giao cháu N.L.M.Q. (3 tuổi, con của ông N. bị chậm phát triển) cho ông L.M.Q. (45 tuổi, trú thành phố Huế, tạm trú ở TP Bảo Lộc - tỉnh Lâm Đồng) để nuôi dạy và điều trị bệnh chậm phát triển cho cháu bé.
Trong quá trình này, ông Q. đã nói với gia đình ông N. rằng, chi phí điều trị cho cháu M.Q. là 200 triệu đồng/tháng. Và, với mức chi phí này, cháu M.Q. sẽ được điều trị trong một khu đầy đủ tiện nghi; được chăm sóc, bảo vệ an toàn 24/24 kể cả lúc ngủ bởi 1 e kíp gồm: 1 tài xế riêng, 1 xe ôtô để chở cháu để đi lại những nơi cần thiết, 1 cô chuyên về nấu ăn dinh dưỡng, 1 cô trợ lý.
Cùng với đó, trong quá trình cháu M.Q. được chăm sóc tại TP Bảo Lộc, gia đình ông N. không được biết địa chỉ cơ sở điều trị, không có người thân của cháu bên cạnh trong suốt quá trình điều trị...
Tuy nhiên, sau khi giao con cho ông Q. điều trị chưa được bao lâu, ngày 27/3, gia đình ông N. đã bàng hoàng nhận được một hũ tro cốt từ vợ chồng ông Q. và nói rằng, đây là thi thể của cháu M.Q. đã bị tử vong trước đó vì Covid-19, đã được ông Q. tự thiêu.
Gia đình ông N. bàng hoàng khi nhận được hũ tro cốt và nói rằng đây là thi thể của cháu M.Q. đã tử vong vì Covid-19, do ông Q. thiêu. |
Trao đổi về phương pháp can thiệp, hỗ trợ trẻ chậm phát triển nói trên, Thạc sĩ Tâm lý học Trần Cao Quanh, Giám đốc chuyên môn Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hoà nhập Minh Anh (một đơn vị chuyên tư vấn, can thiệp sớm cho trẻ chậm phát triển ở Thừa Thiên - Huế) cho biết, các phương pháp, chương trình can thiệp, hỗ trợ trẻ chậm phát triển đều nhấn mạnh vai trò của cha mẹ.
Cụ thể, theo Thạc sĩ Quanh, chậm phát triển là một tình trạng rối loạn bẩm sinh; nguyên nhân gây ra chậm phát triển chưa rõ ràng, bao gồm nhiều nhóm yếu tố có nguy cơ gây ra chậm phát triển như yếu tố môi trường, di truyền và các yếu tố tâm lí thần kinh.
Thông thường, sau khi phát hiện trẻ bị chậm phát triển thì cần sử dụng các biện pháp chuyên môn để đánh giá mức độ chậm phát triển của trẻ, từ đó có biện pháp, chương trình can thiệp phù hợp.
“Dù ở mức độ nào đi chăng nữa thì quá trình can thiệp, trị liệu phải được thực hiện bởi các phương pháp khoa học đã được kiểm chứng.
Trong tất cả các biện pháp, chương trình can thiệp, hỗ trợ cho trẻ đều nhấn mạnh đến vai trò của phụ huynh. Việc tách biệt trẻ khỏi phụ huynh như trường hợp nói trên là phản khoa học, vô căn cứ”, Thạc sĩ Quanh nhấn mạnh.
Việc tách phụ huynh và trẻ trong quá trình can thiệp, hỗ trợ là phi khoa học, không có căn cứ. |
Đồng quan điểm như trên, Thạc sĩ Mai Thị Thanh Thủy, Giảng viên Khoa Tâm lý - Giáo dục, trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế cho biết, can thiệp sớm không chỉ dừng lại ở khía cạnh can thiệp cho trẻ mà còn phải can thiệp, hỗ trợ cho cả phụ huynh.
Trong đó, can thiệp, hỗ trợ cho phụ huynh là để họ hiểu về tình trạng của con mình, trang bị cho họ những kiến thức, biện pháp cơ bản để hỗ trợ con trong quá trình sinh hoạt hằng ngày. Đặc biệt, trẻ em nói chung và đối với những em chậm phát triển nói riêng, các cháu sẽ rất lo lắng khi thay đổi môi trường sống mà ở đó không có cha mẹ bên cạnh.
“Khi biết thông tin vụ việc này tôi vô cùng bất ngờ. Không có căn cứ giáo dục nào lại cho rằng can thiệp, hỗ trợ trẻ chậm phát triển phải tách trẻ với phụ huynh”, Thạc sĩ Thủy nhấn mạnh.
Qua quá trình làm việc, nghiên cứu tiếp xúc với nhiều phụ huynh có con chậm phát triển, Thạc sĩ Thủy đúc kết rằng, dù rằng rất khó khăn nhưng cha mẹ đều mong muốn và sẵn sàng hi sinh tất cả để con được can thiệp, điều trị và phát triển một cách tốt nhất.
Theo Đại Đoàn Kết