Hiện nay, trên mạng xã hội có rất nhiều sản phẩm giới thiệu là thuốc lá (tức là 1 bài thuốc nguyên liệu là lá cây) có công dụng “đập tan” các loại sỏi thận, sỏi mật... có nguồn gốc 100% từ thiên nhiên an toàn, lành tính, hiệu quả cao…
Tại gian hàng “Cây thuốc nam Hòa Bình” chuyên đăng bán các loại thuốc lá quảng cáo, sản phẩm “lá sỏi thận, sỏi mật” được giới thiệu thành phần của loại thuốc lá này gồm quả ké, chuối hột, dứa dại, kim tiền thảo...
Theo lời người bán, lá sỏi thận, sỏi mật dùng để ăn trực tiếp, sắc thuốc, pha trà... sử dụng sẽ chữa sỏi thận, sỏi bàng quang, sỏi niệu quản, viêm đường tiết niệu, tăng cường chức năng thận.
Hay gian hàng “Thaoduocgiatot1991” đăng tải nhiều sản phẩm từ kim tiền thảo giới thiệu là “cứu tinh” của sỏi thận, hoặc có khả năng đánh tan các loại sỏi. Theo quan sát, sản phẩm này được đựng trong túi ni lông, bên trong là hình dạng các loại thảo dược lẫn lộn như lá, cành... nhưng lại được giới thiệu dùng để trị gan mật kết sỏi, chữa sỏi mật, sỏi đường tiết niệu, tăng cường cự tiết mật, viêm thận phù thũng, viêm túi mật...
Tiếp đến địa chỉ “Shoppapu” cũng quảng cáo sản phẩm thuốc lá trị sỏi thận, sỏi bàng quang, sỏi mật hiệu quả. Loại thuốc lá này được hướng dẫn mỗi lần dùng lấy 200gram đun nước uống hàng ngày.
Theo tìm hiểu của PV, các sản phẩm thuốc lá trên hầu hết đều có thành phần từ các loại thảo dược trộn lẫn và được bán với giá giao động từ 30-200 nghìn đồng/1kg. Ngoài các sản phẩm dạng lá, các sản phẩm trị sỏi còn được bào chế thành dạng trà túi lọc, chia nhỏ theo từng lần uống. Dạng này cũng được người bán giới thiệu có công dụng điều trị các loại sỏi mà không cần can thiệp phẫu thuật hay dùng thuốc tây,
Thế nhưng, những sản phẩm này có thật sự hiệu quả, an toàn và người bệnh nào cũng có thể sử dụng được hay không là câu hỏi khiến người tiêu dùng quan tâm. Bởi đã có rất nhiều người đã tin vào những quảng cáo trên mạng mua các sản phẩm lá uống, lá đắp, trà trôi nổi... giới thiệu trị sỏi sử dụng để rồi nếm phải trái đắng. Gần đây nhất là câu chuyện của ông Trần Văn Yên, đường Võ Chí Công (quận Tây Hồ), sau khi đi khám tại bệnh viện, ông được bác sĩ chẩn đoán ung thư sỏi mật phải phẫu thuật. Tuy nhiên, ông không thực hiện theo chỉ định của bác sĩ mà tự uống thuốc mua trên mạng xã hội. Sau 1 tháng sử dụng, ông bị những cơn đau bụng hành hạ nên phải nhập viện và bác sĩ đã phải chỉ định phẫu thuật ngay vì sỏi đã gây tắc nghẽn đường dẫn mật.
Trước đó khoa Hồi sức cấp cứu – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cũng tiếp nhận bệnh nhân Lưu Văn V (43 tuổi, Chu Túc – Văn Quan – Lạng Sơn chẩn đoán suy thận cấp - ứ nước thận hai bên. Trước vào viện, bệnh nhân có khám tại phòng khám tư và biết mình bị sỏi thận. Bệnh nhân nghe người quen mách dùng thuốc nam chửa khỏi bệnh sỏi thận. Không ngần ngại bệnh nhân đã tự mua thuốc nam sắc uống. Sau uống một ngày bệnh nhân thấy mệt mỏi, bụng chướng căng, không ăn uống được, không đi tiểu.
Hai trường hợp trên là lời cảnh báo cho người dân về việc tự ý dùng thuốc trôi nổi về sử dụng. Để ngăn ngừa những tai biến khi dùng thuốc, bệnh nhân cần phải tuân thủ triệt để hướng dẫn của bác sĩ, không tùy tiện sử dụng khi không có chỉ định của Bác sỹ chuyên khoa, không tự ý nâng liều và kéo dài ngày dùng thuốc.
Về nguy hại của việc tự ý mua và sử dụng thuốc trên mạng xã hội, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, thực trạng này rất nguy hiểm vì hầu hết người bán không có chuyên môn và chỉ chạy theo lợi nhuận. Chưa kể, thuốc trôi nổi, không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng, thậm chí còn bị ngâm tẩm hóa chất độc hại để chống mốc, chống nấm..., khiến người bệnh có thể nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng. Trong mọi trường hợp, việc sử dụng thuốc phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ.
Mối họa từ việc mua, bán thuốc trên mạng xã hội tồn tại đã lâu và gây nhiều bức xúc cho xã hội. Do đó, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng thì mỗi người dân cũng phải nâng cao nhận thức, không tiếp tay cho những "thần y" này. Chỉ khi kết hợp nhiều giải pháp thì mối lo về thuốc trôi nổi trên mạng xã hội mới dần được loại trừ.