Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 26/04/2024

An Thượng (Hoài Đức): Vấn nạn vòi vĩnh tiền của chủ đất cũ khi người mua mới đi làm GCNQSD đất

Sức khỏe Đời sống 10:45 09/07/2022

Gần đây, đất dịch vụ tại một số quận huyện tăng giá đột biến theo cơn sốt đất chung của thị trường, tại xã An Thượng, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội cũng không nằm ngoài quy luật ấy.

Giá chuyển nhượng QSDĐ đất cũng tăng theo từng ngày dẫn đến tình trạng những người dân đã bán đất dịch vụ xong, sau đó quay lại cố tình gây khó khăn với người mua mới nhằm vòi thêm tiền với giá cắt cổ.

Thời gian gần đây, Báo Sức khỏe & Đời sống nhận được đơn phản ánh của bà Nguyễn Hồng Hạnh (Quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) phản ánh về việc, ngày 25/9/2019 bà Hạnh có mua của gia đình bà Nguyễn Thị Khằng, địa chỉ xóm Cầu Ốc, thôn Ngự Câu, xã An Thượng, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội một ô đất số 304 giai đoạn 1 – Khu đất dịch vụ xã An Thượng. Khi bán thì gia đình bà Khằng đã ký biên bản họp gia đình, đã ký bản cam kết sẽ có trách nhiệm ký tất cả các loại giấy tờ có liên quan cho đến khi bà Nguyễn Hồng Hạnh nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSD).

photo-1656494439282

Một trong những Bản cam kết mà gia đình bà Khằng đã ký với bà Hạnh.

Tuy nhiên, thời gian gần đây bà Hạnh có quay lại gia đình bà Khằng xin chữ ký vào Đơn xin giao đất dịch vụ thì bà Nguyễn Thị Lan là con gái cả của bà Khằng yêu cầu bà Hạnh đưa thêm 150 triệu đồng thì một mình bà Khằng ký vào Đơn xin giao đất dịch vụ, muốn cả nhà ký vào đơn thì phải đưa số tiền là khoảng 500 triệu đồng.

photo-1656494442560

Đơn của bà Nguyễn Hồng Hạnh gửi tới các cơ quan chức năng

Sau khi thấy những yêu cầu của bà Lan là quá vô lý, bà Hạnh đã vô cùng bức xúc và phản ánh đến UBND xã An Thượng, tại đây bà Hạnh gặp bà Nguyễn Thị Thuỳ Linh - Cán bộ tư pháp xã, người được cử làm đại diện tiếp công dân của xã An Thượng (bà Linh cũng là con gái út của bà Nguyễn Thị Khằng, chủ hộ bán đất cho bà Hạnh). Tại đây, bà Hạnh đã trình bày việc bị chị gái cả gia đình bà Linh đòi tiền mới chịu ký vào đơn. Tuy nhiên, thay vì đứng trên vai trò là cán bộ tư pháp xã, có hiểu biết về pháp luật thì bà Linh lại có thái độ tương tự như chị gái, yêu cầu bà Hạnh phải đưa cho gia đình bà Linh 5 - 6 triệu/m2 theo giá "lệ làng".

Ngày 04/04/2022, bà Hạnh có đến nhà bà Khằng yêu cầu bà ký vào Đơn xin cấp đất dịch vụ thì các thành viên trong gia đình bà Khằng đã yêu cầu bà Hạnh phải đưa 150 triệu đồng thì mới ký, riêng bà Nguyễn Thị Lan (con gái cả bà Khằng) và chồng thì yêu cầu phải đưa 200 triệu đồng thì mới chấp nhận ký vào Đơn xin cấp đất dịch vụ.

Tiếp đến, tối ngày 05/04/2022, bà Hạnh đến nhà bà Nguyễn Thị Hà (con gái thứ 3 của bà Khằng), tại đây mọi người trong gia đình bà Khằng yêu cầu: "Một chữ ký của bà Khằng phải đưa 150 triệu đồng, cả nhà ký phải đưa 300 triệu thì mới chấp nhận ký".

photo-1656494444929

Bà Nguyễn Hồng Hạnh bức xúc vì đã thanh toán hết vào năm 2019 nhưng giờ quay lại để bổ sung chữ ký vào hồ sơ thì bị ép đưa tiền một cách trắng trợn.

Không dừng lại ở đó, ngày 26/04/2022 bà Hạnh gặp bà Nguyễn Thị Thùy Linh (con gái bà Khằng, cán bộ tư pháp xã) với nội dung tương tự thì bà Linh cho biết "Gia đình đã bán ô đất 304 và đã dùng số tiền này để xây nhà, chi tiêu cho mục đích cá nhân khác của gia đình", nhưng bà Linh vẫn yêu cầu bà Hạnh đưa thêm tiền với giá 5-6 triệu/m2, tức là khoảng 500-600 triệu đồng.

photo-1656494447228

Nhiều người mua đất ở khu đất dịch vụ này còn phản ánh cán bộ xã An Thượng thu tiền chứng thực các hồ sơ đất dịch vụ.

Ngoài ra, nhiều người dân ở xã An Thượng còn phản ánh bà Nguyễn Thị Thùy Linh đã nhiều lần thu tiền làm hồ sơ của người dân với giá rất cao. Mỗi khi có việc mua bán đất dịch vụ, người dân muốn giao dịch tại xã, cần xã chứng thực thì bà Linh với tư cách là cán bộ tư pháp xã sẽ làm hồ sơ và thu 10 triệu đồng /lần/bộ hồ sơ. Xã An thượng có hàng nghìn ô đất dịch vụ, được mua đi bán lại nhiều, như vậy, số tiền mà bà Linh đã thu của người dân là một con số không hề nhỏ. Nghiêm trọng hơn, bà Linh khi thực hiện chứng thực việc mua bán đất dịch vụ còn lưu lại bản có đầy đủ chữ ký của bên bán nhưng bỏ trống bên mua rồi lưu tại UBND xã để khi người đã mua đất muốn bán, khi quay lại thì sẽ thu tiền chứ không phải quay về chủ cũ nữa.

photo-1656494449440

Trụ sở UBND xã An Thượng, huyện Hoài Đức

Trao đổi với PV, bà Hạnh bức xúc khi cho rằng mọi người tự ký thay thì đều đã được phê duyệt và có quyết định giao đất trong khi bà nghiêm chỉnh làm đúng quy định là quay về chủ đất cũ để xin chữ ký thì lại bị chủ nhà ép đưa thêm tiền nên đến nay bà vẫn chưa có quyết định giao đất.

Liên quan đến vấn đề này, PV đã liên hệ đặt lịch làm việc với lãnh đạo UBND xã An Thượng để làm rõ. Ngày 17/06/2022, PV đã có buổi làm việc với ông Vũ Ngọc Mừng, Phó Chủ tịch UBND xã An Thượng. Tuy nhiên, trong buổi làm việc này, ông Mừng luôn né tránh những câu hỏi liên quan tới vấn đề vòi tiền của người mua đất và thu từ 10 đến 15 triệu đồng/bộ hồ sơ để thuận lợi cho những người có nhu cầu cấp QSDĐ. Trong buổi làm việc, PV cũng đề cập tới việc cán bộ Linh, phòng tư pháp của Xã có dấu hiệu vòi tiền của người dân là đúng hay sai thi ông Mừng không trả lời, liên tục né tránh.

Bạn đang đọc bài viết An Thượng (Hoài Đức): Vấn nạn vòi vĩnh tiền của chủ đất cũ khi người mua mới đi làm GCNQSD đất tại chuyên mục Cảnh báo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Cảnh báo