Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, mới đây Đội Quản lý thị trường số 24 đã kiểm tra đột xuất địa điểm kinh doanh tại thôn Yên Thái, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội do bà Nguyễn Thị Mai làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra địa điểm đang bày bán, kinh doanh 412 chiếc máy sấy tóc do nước ngoài sản xuất.
Trên hàng hóa có nhãn, chữ bằng tiếng nước ngoài và có chữ Panassonic trên thân máy, giá niêm yết tại cơ sở là 70.000 đồng/chiếc. Bà Mai không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, hồ sơ, giấy tờ liên quan đến số hàng hóa trên.
Làm việc với cơ quan chức năng, bà Nguyễn Thị Mai khai nhận, toàn bộ số máy sấy tóc ở trên là hàng hóa do nước ngoài sản xuất. “Tôi mới mua số hàng trên từ một người không rõ địa chỉ, thông tin liên hệ. Họ đến chào bán tại cơ sở, hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ”, bà Mai khai nhận.
Để đảm bảo quyền lợi của khách hàng cũng như doanh nghiệp làm ăn chân chính, Đoàn kiểm tra tiến hành chụp ảnh hàng hóa trước sự chứng kiến của bà Nguyễn Thị Mai để gửi cơ quan có chức năng giám định theo quy định và tiến hành tạm giữ đối với 412 chiếc máy sấy tóc ở trên không có hóa đơn, chứng từ, hồ sơ, giấy tờ kèm theo, có dấu hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu Panasonic đang được bảo hộ tại Việt Nam để xử lý theo quy định.
Theo các chuyên gia, máy sấy tóc là vật dụng quen thuộc trong mỗi gia đình tuy nhiên hiện nay trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm máy sấy tóc bị làm giả nhãn hiệu của các thương hiệu nổi tiếng với mức giá chỉ vài chục nghìn đồng, những mặt hàng này đang gây nhiều nguy cơ rủi ro đối với người dùng.
Với giá bán quá rẻ, chất lượng của nguyên liệu để làm nên chiếc máy sấy tóc như nhựa, dây lò xo,... cũng khó có thể tốt và bền. Sau một thời gian sử dụng, những chiếc máy này có khả năng sẽ bị cháy dây lò xo chập điện hoặc máy chạy được vài giây lại ngắt... Một số trường hợp, máy vẫn hoạt động được nhưng chỉ có thể mở máy trong thời gian ngắn, nếu không vỏ nhựa bị nóng chảy gây cháy tóc và bỏng cho người sử dụng.
Bên cạnh đó, trình độ “nhái” của những mặt hàng máy sấy tóc này cũng rất tinh vi, màu sắc cùng các đường nét của sản phẩm đều sắc sảo. Điều này càng khiến người tiêu dùng khó phân biệt đâu là hàng thật giảm giá, đâu là hàng giả. Kết quả là chỉ sau khi mua về, khách hàng mới biết mình đang đối mặt với nguy hiểm khi sử dụng chiếc máy sấy tóc rẻ tiền.
Do đó theo chuyên gia vật lý, khi mua máy sấy tóc cũng như các mặt hàng tương tự, người tiêu dùng cần chú ý đến giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ cũng như tem hàng, nhãn mác... và đặc biệt cẩn trọng với những sản phẩm rẻ tiền, chất lượng kém. Thêm vào đó, nên mua chọn các sản phẩm của những thương hiệu đã có uy tín để tránh hàng kém chất lượng, không đảm bảo theo tiêu chuẩn.
Căn cứ vào Quy chuẩn kỹ thuật QCVN 4: 2009/BKHCN là Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đối với thiết bị điện và điện tử ban hành theo Thông tư số 21/2009/TT-BKHCN ngày 30 tháng 9 năm 2009 của Bộ trưởng BKHCN, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2009 thì máy sấy tóc và các dụng cụ làm đầu khác phải phù hợp với quy định tại TCVN 5699-2-23:2007(IEC 60335-2-23: 2005) Thiết bị điện gia dụng và thiết bị điện tương tự.
Đồng thời bắt buộc những sản phẩm “thiết bị điện và điện tử” phải được chứng nhận hợp quy. Và máy sấy tóc thuộc thiết bị điện – điện tử nên cần chứng nhận hợp quy phù hợp với quy định tại TCVN 5699-2-23:2007(IEC 60335-2-23 :2005) Thiết bị điện gia dụng và thiết bị điện tương tự.
Dấu hợp quy và việc sử dụng dấu hợp quy phải tuân thủ theo khoản 2 Điều 4 của “Quy định về chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy và công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy“ ban hành kèm theo Quyết định số 24/2007/QĐ-BKHCN ngày 28 tháng 9 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Doanh nghiệp sản xuất các thiết bị điện và điện tử sau khi được chứng nhận hợp quy phải đăng ký bản công bố hợp quy tại Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nơi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh theo quy định tại Quyết định số 24/2007/QĐ-BKHCN ngày 28 tháng 9 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Doanh nghiệp nhập khẩu các thiết bị điện và điện tử sau khi được chứng nhận hợp quy phải đăng ký kiểm tra chất lượng tại cơ quan kiểm tra theo quy định tại Thông tư 17/2009/TT-BKHCN ngày 18 tháng 6 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn trình tự thủ tục kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu.
Theo ViệtQ